“Cái khó” của Chính phủ Việt Nam từ góc nhìn của DN ngoại

Ông Alain Cany, đồng Chủ tịch VBF cho rằng: Xử lý ngân hàng yếu kém thông qua mở “room” cho nhà đầu tư ngoại có thể chỉ là một giấc mơ. Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý thị trường vàng và giá điện, Chính phủ đang phải gánh trách nhiệm quá lớn.

Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF) diễn ra sáng nay (3/6/2013), ông Alain Cany, đồng Chủ tịch VBF đã có cuộc trao đổi về một số vấn đề trong điều hành vĩ mô của Chính phủ tại bối cảnh hiện nay.

Ông Alain Cany

Ông Alain Cany nguyên là Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham). Ông cũng được biết đến là người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ nhiều chức vụ cao cấp của tập đoàn Credit Commercial de France và HSBC, đã từng làm việc ở Pháp, Canada, Hàn Quốc, Hongkong và các nước Châu Á khác. Ông Cany cũng từng là Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam.

* Thưa ông, trong nhiều năm gần đây, VBF đều đã có những kiến nghị về việc nới phạm vi (“room”) sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, phải đến bây giờ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới có dự thảo Nghị định, liệu có là chậm trễ không? Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

– Đúng là vấn đề nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng địa phương đã được đề xuất rất sớm. Song, lúc đó, dường như các ngân hàng nước ngoài mới chỉ bị cuốn hút bởi sự tăng trưởng, phát triển của ngành ngân hàng ở Việt Nam mà thôi.

Hiện nay, bối cảnh đã khác, rất ít có ngân hàng nào không có nhà đầu tư chiến lược mà điển hình là hai ngân hàng quốc doanh lớn nhất là NHTMCP Ngoại thương (Vietcombank) và Công thương (VietinBank).

Hầu hết sự tham gia của nhà đầu tư ngoại tại các ngân hàng Việt Nam dưới dàng đầu tư thực hiện trong vòng 6-7 năm rồi không mang lại nhiều hiệu quả: mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài không ngăn chặn được những rắc rối xảy ra.

Lý do của tính không hiệu quả ở đây là vì, với mức sở hữu vốn 15-20% rất khó để các đối tác ngoại tạo ảnh hưởng hoặc đưa ra một sự thay đổi nào đó lên ngân hàng. Khi họ đưa chuyên gia vào thì vẫn gặp trở ngại bởi nhóm các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn.

Trước đây, trước các kiến nghị nới “room” mà chúng tôi đưa ra, có thể Chính phủ Việt Nam chưa sẵn sàng. Tuy nhiên hiện nay, Chính phủ đã nhìn thấy nhu cầu cần phải tăng sở hữu của các thành phần khác trong ngân hàng địa phương, cần phải có thêm vốn cũng như kinh nghiệm.

* Liệu ông có cho rằng, chính sách nới “room” cho nhà đầu tư ngoại giữa bối cảnh hiện tại sẽ mang lại sức hút như trước?

– Thị trường thời điểm này đã có tín hiệu nới mức khống chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20% lên 30%, đối với những ngân hàng hoạt động không tốt có thể trên 30% hoặc có thể áp dụng mức 49% như đối với các công ty đại chúng khác.

Chúng ta phải chấp nhận một thực tế, một số ngân hàng TMCP thiếu vốn sẽ phải mở rộng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% hoặc hơn nữa. Lúc đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cùng tham gia tái cấu trúc ngân hàng cũng như xử lý nợ xấu.

Thế nhưng, theo tôi, một vấn đề quan trọng cần lưu ý là Việt Nam phải có một số quán quân trong lĩnh vực ngân hàng, mà phải là ngân hàng nội. Điều này nhằm tránh trường hợp tất cả các ngân hàng đều rơi vào nguy cơ thôn tính của các nhà đầu tư ngoại.

Mặc dù vậy, tôi vẫn quan ngại rằng, đó sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ không có thật vì hiếm khi mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng chấp nhận mua cổ phần tại những ngân hàng đang trì trệ, khó khăn nhất.

* Việc ra đời Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) đã thổi một luồng hy vọng vào tiến trình xử lý nợ xấu. Song cùng với đó là lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 xuống một năm. Ông nhìn nhận ra sao về các động thái này của NHNN và Chính phủ Việt Nam?

– Bản thân tôi cũng đã từng công tác trong ngành ngân hàng một thời gian dài. Tôi thấy rằng, có thể Thông tư 02 là một Thông tư quá tốt, nên nếu áp dụng nhanh thì sẽ lộ ra một số ngân hàng thiếu hụt rất nhiều vốn.

Tôi cho rằng NHNN cũng biết về hệ quả nếu thực thi Thông tư 02, số lượng ngân hàng không đạt chuẩn sẽ tăng và sẽ khó xử lý khối nợ xấu này, vì vậy đã lùi thời điểm thực hiện Thông tư 02.

Ý nghĩa ở đây là để các ngân hàng trước hết tự nguyện, tự tuân thủ. Sau đó, những ngân hàng nào không thể tự giải quyết được thì NHNN sẽ xử lý. Điều tốt hơn hết là để cho các ngân hàng có cơ hội tuân thủ 02 trước, càng sớm càng tốt.

* Trong thời gian vừa qua, điều hành của NHNN đối với thị trường vàng được cơ quan này tự đánh giá là đã đạt được hiệu quả. Là người có thời gian hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, bản thân ông nhìn nhận như thế nào?

– Trước đây tôi cũng hoạt động nhóm ngân hàng và đã nghỉ hưu được 5 năm rồi. Tuy nhiên, nhìn chung về mặt giám sát của NHNN đã cho thấy những kết quả tốt hơn chúng ta mong đợi.

Việc quản lý thị trường vàng dù vậy vẫn còn một số vấn đề, bởi đây là một lĩnh vực tương đối khó. Vàng liên quan đến tỉ giá hối đoái VND/USD. Nới lỏng thị trường vàng sẽ tạo ra những hệ luỵ ở khâu tỉ giá. Thế nên, trong quản lý thị trường vàng, Việt Nam cần có những bước đi thận trọng.

Hiện tại, tôi cũng đang có chân trong HĐQT của một ngân hàng lớn đã từng và đang tham gia sâu vào lĩnh vực vàng, nhưng cá nhân tôi chưa có ấn tượng nhiều lắm .

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, điều hành thị trường vàng rất khó, vì rất ít nước trên thế giới có bối cảnh như Việt Nam: lượng vàng giao dịch, tiết kiệm ở Việt Nam lớn hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra, khi nhập khẩu vàng sẽ tăng thâm hụt tài khoản vãng lai và sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá. Nên mặc dù tôi không có ấn tượng nhiều song tôi cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng về trách nhiệm lên Chính phủ trong vấn đề này. Đây là vấn đề quá lớn mà trong khi đó NHNN còn phải để ý đến những ưu tiên khác.

* Một vấn đề khác là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. VBF nhiều lần cũng đã đề cập đến. Qua sự cố mất điện toàn miền nam Việt Nam thời gian gần đây, ông có đánh giá gì về việc đầu tư cho ngành điện ở Việt Nam?

– Giá điện hiện nay quá thấp không cho phép nhiều nhà đầu tư tham gia. Mặc dù Chính phủ cũng đã có những động thái tăng giá điện để bắt kịp với giá quốc tế, với các quốc gia láng giềng, nhưng chưa làm mạnh mẽ vì không cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

Hiện nay, ưu tiên Chính sách của Chính phủ Việt Nam vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không điều hành thận trọng, lạm phát có thể sẽ bị tác động mạnh. Song cùng với đó, trì hoãn tăng giá điện lại khiến các doanh nghiệp tư nhân ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực này.

Chúng ta thấy là, nếu tăng giá điện thì đây sẽ là một tin xấu đối với cộng đồng các doanh nghiệp, hiện vẫn đang phải chật vật, vật lộn với khó khăn. Lạm phát tăng thì sẽ đẩy các chi phí đầu vào lên và tác động đến hiệu quả kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Đây là mâu thuẫn chính sách mà Chính phủ phải giải quyết: Không tăng giá điện thì nhà đầu tư sẽ không hào hứng đầu tư vào ngành điện, còn tăng giá thì sẽ có nhiều hệ luỵ xảy ra!

Theo quan điểm của tôi, hiện nay vẫn chưa phải là thời điểm hợp lý để tăng giá điện hoặc tăng giá nhiều.

Tuy vậy, tăng giá điện là không tránh khỏi nếu Việt Nam muốn gia tăng đầu tư vào ngành này. Nếu ngành điện không được đầu tư đúng mức sẽ gây ra mất điện, ảnh hưởng tới đời sống kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng được hưởng dịch vụ tốt, ổn định, thay vì giá thấp mà vẫn phải dự phòng máy phát điện.

Tôi cũng đã có nhiều dịp được đón các đoạn đại biểu của Chính phủ Việt Nam tới thăm các nước tại châu Âu như Anh, Pháp… có các hội thảo BOT, PPP. Chúng tôi thấy có một khoản tiền khổng lồ trên thế giới sẵn sang đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho ngành điện.

Khoản tiền này sẵn sàng chảy vào Việt Nam nếu Việt Nam giải quyết được những khâu như pháp lý, đảm bảo về lợi nhuận, sự minh bạch trong các dự án cơ sở hạ tầng và phải đủ chuẩn quốc tế. Tôi hy vọng nếu hoàn thiện được thì sẽ thu hút được nguồn vốn vào phát triển ngành năng lượng điện.

Theo DNSG