Qua bài viết về thành công triển khai của VIAMI tại Sony Center Romania, bạn đọc có thể có chút hình ảnh về sự tiến triển của một doanh nghiệp, nhưng vì ở một đất nước xa xôi nên có thể người Việt chúng ta chưa thể biết tường tận về họ và hành trình của công ty. Sau đây chúng tôi xin được giới thiệu một mẩu chuyện trong quá trình VIAMI đồng hành với Sony Center.
Công ty New Link, được phép sử dụng thương hiệu Sony Center, được thành lập tại Bucharest từ 1999, ban đầu làm nhiệm vụ phân phối các sản phẩm của Sony tại Rumani và đến năm 2001 đã chiếm lĩnh gần một nửa thị phần phân phối của Sony tại Rumani. Lúc này, Sony Center mới chỉ có 4 cửa hàng bán lẻ và chỉ tại Bucharest. Trên đà phát triển khá ấn tượng này, vào cuối năm 2001, ban lãnh đạo công ty đã có những ý tưởng đột phá nhằm phát triển Sony Center trở thành thương hiệu quốc gia với sự lan toả bán lẻ trên toàn quốc. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng mà công ty quan tâm, đó là “quản trị doanh nghiệp” và họ luôn trăn trở một điều là “làm thế nào để có thể quản lý trực tuyến, đồng thời tối ưu hoá lưu thông các kho hàng”.
Đúng lúc đó, “VIAMI Computers” (tiền thân của VIAMI Software) đã tiếp cận nhưng giải pháp của VIAMI thời bấy giờ là “VIP 2000” không đạt yêu cầu, vì mới chỉ quản lý được cục bộ. Ý đồ của ban lãnh đạo thì lớn nhưng ngân sách thực hiện lại thấp trong khi hạ tầng thông tin của Rumani thời bấy giờ còn tương đối lạc hậu. VIAMI đã mạnh dạn trình bày một phương án khá mạo hiểm, đó là việc sử dụng mạng Internet để quản lý tập trung vì đường “lease line” hồi đó cực kỳ đắt tiền nên chỉ có các công ty lớn mới có khả năng chi trả. Thời bấy giờ Rumani chưa có ADSL mà Internet chủ yếu dựa vào “dial-up” và cao cấp hơn là mạng dây đồng trục của các hãng “truyền hình cáp” (được gọi là cáp Internet) nên chất lượng đường truyền không ổn định lắm.
VIAMI đã mạnh dạn đưa ra phương án dùng VPN (mạng riêng ảo) trên “cáp Internet” với 1 server Linux cho cơ sở dữ liệu tập trung (chạy FireBird). VIAMI đã thiết kế một hệ thống quản trị dựa trên mô hình “client-server” và là bước đầu của sự phát triển ERP của VIAMI. Đến năm 2002 VIAMI đã phát triển toàn bộ hệ thống và thử nghiệm thành công cho 1 cửa hàng của Sony Center tại Bucharest.
Nhưng khi bắt đầu đi vào hoạt động thực tế ở cả 4 cửa hàng và 2 tổng kho để rút kinh nghiệm thì hệ thống gặp một số trục trặc về đường truyền, dữ liệu mất đầu đuôi khi Internet bị chập chờn, rồi báo cáo chạy chậm trên mạng, v.v… Đội ngũ kỹ sư của VIAMI đã cố gắng ngày đêm tìm ra giải pháp khắc phục những điểm yếu cố hữu này. Một trong những ý tưởng đã được đưa ra hồi đó là “không xử dụng mối quan hệ CSDL” để tăng tốc và giảm tính ràng buộc, giải phóng tốc độ xử lý cũng như khả năng treo khi bị mất mạng. Nhờ đó mà hệ thống có thể chạy ổn định, tốc độ xử lý công việc cao hơn so với cửa hàng Panasonic bên cạnh đó sử dụng hệ thống phần mềm đắt tiền của nước ngoài và đường truyền lease line. Từ đó cái tên “VIP Professional” đã ra đời.
Với kết quả ban đầu đạt được, Sony Center đã đặt hàng VIAMI 2 cửa hàng ảo trực tuyến với hệ thống backend “VIP Professional”. Đây là bước đột phá lớn của thị trường Rumani thời bấy giờ. Một doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sở hữu một hệ thống quản trị tổng thể tiên tiến bao gồm cả cửa hàng ảo.
Hệ thống đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định từ đầu ăm 2003 và ban lãnh đạo cũng như tập thể Sony Center rất phấn khởi về kết quả đạt được. Báo “TRIBUNA ECONOMICA” đã tìm đến đăng bài một cách khá phấn khích về thành công này. Nhà báo còn phát biểu là “hiếm khi thấy khách hàng tỏ ra thực sự hài lòng với sản phẩm trước mặt nhà cung cấp”…
Tưởng chừng mọi việc đều xuôn xẻ thì một điều bất ngờ lại xảy ra. Ngay sau bài viết ca ngợi trên báo, bộ 3 nhân vật chủ chốt của công ty bao gồm giám đốc điều hành, quản lý trưởng Luminita Gogoneata (nhân vật trong bài viết) và trưởng phòng IT đồng loạt gây áp lực lên chủ doanh nghiệp đòi tăng lương và bổng lộc, nếu không sẽ ra đi. Nhưng ông chủ đã có nguyên tắc bất di bất dịch là “không chấp nhận nhân viên dùng tài chính để áp lực lên công ty” nên đã nhất quyết không nhượng bộ. Lúc bấy giờ phần mềm của VIAMI chưa được nghiệm thu và cả 3 nhân vật này đều là đầu mối quan trọng nhất trong việc thiết lập quy trình và triển khai phần mềm. Chúng tôi rất lo lắng cho số phận của phần mềm và cả của khách hàng nữa.
Thực ra, đối với công ty thì sự ra đi của đội ngũ chủ chốt lúc đó là một tổn thất rất lớn vì họ là những người đã góp phần xây dựng công ty từ thuở ban đầu đồng thời họ là những người dường như nắm yết hầu của doanh nghiệp trong khi công ty đang chuẩn bị lên bệ phóng. Nhưng chủ doanh nghiệp đã làm phép thử trước khi ra quyết định dũng cảm này, ông ta đã chuẩn bị cho mức độ sẵn sàng tiếp nhận của đội ngũ cấp dưới và đề nghị VIAMI kiểm tra mức độ tiếp nhận quy trình của họ.
Điều cực kỳ may mắn cho chúng tôi là nhờ có quy trình công việc khá tốt mà nhân viên đã tiếp nhận đầy đủ và những người thay thế có thể kiểm soát tình hình một cách nhanh chóng. Đội ngũ lãnh đạo mới đã nhanh chóng tiếp quản và đưa ra những ý tưởng mới nhằm tối ưu hoá lưu thông kho cũng như vận tải, nên đã tiên phong đưa ra chiêu “vận chuyển miễn phí đến tay khách hàng” (là sự đột phá trong ngành bán lẻ Rumani thời bấy giờ vì chi phí vận tải bằng ô-tô không hề rẻ).
“Nhờ có hệ thống phần mềm quản trị VIP Professional, mà trong vòng 2 năm (2003-2004) Sony Center đã phát triển thành chuỗi 13 cửa hàng bán lẻ và phân phối phủ khắp toàn quốc, chiếm đến trên 70% thị phần Sony của Rumani”, đó là sự đánh giá chân thành của chủ doanh nghiệp New Link. Hiện nay công ty đã mở ra hàng chục cửa hàng thương hiệu Sony Center và các cửa hàng liên kết khác trên toàn quốc Rumani. Tuy rằng website của Sony Center bị bắt buộc phải theo hệ thống Sony toàn cầu, nhưng hệ thống quản trị doanh nghiệp của New Link vẫn do VIAMI Software Romania đảm nhiệm cho đến ngày nay.
Lê Ngọc Quang.