Hiếm có kỳ họp Quốc hội nào mà nỗi lo lắng về tình hình doanh nghiệp lại đậm đặc trong ý kiến của nhiều vị đại biểu như ở kỳ họp thứ ba đang diễn ra.
Báo cáo ý kiến thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội vừa được tổng hợp gửi đến các vị đại biểu để phục vụ cho phiên thảo luận toàn thể cả ngày mai đã ghi nhận quan điểm nhiều chiều về việc đánh giá và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong bức tranh chung không nhiều mảng sáng, hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là nỗi lo canh cánh.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần xem lại vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, tập trung tái cấu trúc bộ máy các doanh nghiệp khu vực này. Cần kiểm soát chặt chẽ vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước cũng như phải có tổng kết, đánh giá về việc thất thoát vốn ở những ngành không phải là ngành kinh doanh chính của các doanh nghiệp nhà nước.
Các vị đại biểu cũng muốn biết Chính phủ đã và sẽ thực hiện như thế nào việc tổng kết, đánh giá toàn diện, khách quan tình hình thực hiện chính sách thí điểm xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, chỉ rõ sai phạm, trách nhiệm cá nhân về những sai phạm ở các tập đoàn, tổng công ty. Đồng thời chỉ rõ các giải pháp để quản lý tốt hơn, kiểm soát được các tập đoàn kinh tế nhà nước, tránh sai phạm, gây bức xúc và sụt giảm niềm tin của cử tri với nhà nước.
Nhìn tổng thể, nhiều vị đại biểu cho rằng, trước số lượng doanh nghiệp phải thu hẹp, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản ngày càng tăng, Chính phủ đã có giải pháp điều hành nhưng chưa thiết thực, kịp thời và đồng bộ.
Việc này có nguyên nhân từ Chính phủ chưa đánh giá đúng thực trạng hay chưa nhìn ra khó khăn thực chất của doanh nghiệp nên đề ra các giải pháp cứu trợ chưa phù hợp. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, chính bản thân nhiều doanh nghiệp chưa nói rõ hết những khó khăn của mình, thậm chí còn che giấu khuyết điểm cho đến khi nền kinh tế gặp khó khăn mới bộc lộ ra.
Các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do điều kiện để được vay vốn với lãi suất ưu đãi ngân hàng đưa ra rất ngặt nghèo, thủ tục rườm rà, phức tạp dẫn đến những doanh nghiệp cần hỗ trợ vẫn phá sản hàng loạt trong khi có nhóm doanh nghiệp khác tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, nhiều đại biểu phản ánh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về lý do và hệ lụy của việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là việc dẫn đến một lượng lớn lao động mất việc làm. Cụ thể hơn, phải phân tích chi tiết, phân loại rõ nhóm các doanh nghiệp ngừng hoạt động (số doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước, doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, doanh nghiệp dịch vụ…) để có thể đánh giá đúng mức về hệ quả này.
Để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, đại biểu cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, thanh tra chặt chẽ hơn việc thành lập doanh nghiệp, đánh giá cụ thể các doanh nghiệp giải thể, phá sản có bao nhiêu phần trăm do cơ chế, khó khăn do nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh ý kiến sớm triển khai gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, có quan điểm cho rằng cần xem xét cẩn trọng gói này, “nếu chỉ giải cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ là chưa đủ”. Việc hỗ trợ không nên phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Nhưng cũng cần cân nhắc kỹ khả năng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của nhà nước để có những hoạt động không lành mạnh.
Thẩm tra việc ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ, một số ý kiến tại Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành giải pháp về thuế cần được cân nhắc.
Bởi, một trong những nội dung quan trọng của tái cấu trúc nền kinh tế là tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp. Theo đó, cần sắp xếp, tổ chức lại và hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng duy trì, phát triển những doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Việc đầu tư nguồn lực dàn đều; miễn, giảm, giãn thuế mang tính bình quân cho các doanh nghiệp sẽ không góp phần thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc miễn, giảm thuế khó đạt được mục tiêu như Chính phủ đặt ra, vì đối tượng áp dụng và mục tiêu đề ra là quá rộng trong khi nguồn lực hỗ trợ lại hạn chế. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2012 do thực hiện các giải pháp về thuế, phí khoảng 9.000 tỷ đồng thì mức độ lan tỏa, tác động của chính sách là không đáng kể so với yêu cầu thực tiễn.
Cũng theo phân tích của cơ quan này, việc giãn thuế chỉ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, không áp dụng bình quân, dàn đều. Giải pháp miễn, giảm, giãn thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vì hiện nay doanh nghiệp chủ yếu gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, tín dụng, lãi suất tiền vay cao, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn, nợ đọng thuế cao.
Do đó, Chính phủ cần xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô; kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chú trọng hơn đến giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay; kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hồi vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Theo VnEconomy