Hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam chủ yếu đang thực hiện ở khâu gia công, lắp ráp, như: dệt may, giày dép, lắp ráp ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử. Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ôtô là 20 – 30%, da giày và dệt may là trên 10%. Điều này dẫn đến hệ quả giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) kém……
Năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, cũng là năm Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhìn vào các ngành công nghiệp cơ bản, giật mình khi thấy rất nhiều lĩnh vực then chốt – hoặc chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, tầm nhìn chưa dài hạn, hoặc đã có chiến lược nhưng còn quá chung chung… trong khi chỉ còn 7 năm nữa, Việt Nam cơ bản phải trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chưa có định hướng rõ ràng
Một ngành công nghiệp được coi là then chốt, cơ bản, được đặc biệt quan tâm và đã được xây dựng chiến lược, quy hoạch từ lâu là công nghiệp cơ khí, nhưng tổng kết 10 năm phát triển chiến lược này, nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa ra 8 nhóm ngành với hàng loạt các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp là quá dàn trải.
Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ khẳng định chiến lược không đạt mục tiêu đề ra còn do sự không đồng bộ trong cơ chế chính sách và trong việc thực hiện. Ngành cơ khí chưa thực hiện được các yêu cầu, như: đáp ứng 50 – 60% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30%, mà thực sự mới chỉ bảo đảm khoảng 20 – 30%.
Một lĩnh vực được coi là phần cứng, nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp cơ khí là nhóm ngành thép cũng đã được quy hoạch cho giai đoạn từ năm 2007 – 2015 có xét đến năm 2025, thế nhưng đến nay, quy hoạch này đã bị phá vỡ.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho rằng do định hướng chính sách phát triển thời gian qua thiếu bài bản đã dẫn đến thừa thép xây dựng, trong khi các lĩnh vực thép phục vụ cho chế tạo, đóng tàu, ôtô, xe máy… lại yếu và thiếu trầm trọng. Ngay cả những lĩnh vực cơ khí cần thép, như: đóng tàu, ôtô, xe máy… cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển, nên nếu có làm thép cho các lĩnh vực này thì cũng chưa thể phát huy tác dụng.
Cụ thể hơn đối với ngành công nghiệp ôtô, đã có những phát biểu hùng hồn của rất nhiều nhà nghiên cứu, thiết kế, xây dựng ra hình hài chiến lược, quy hoạch của các ngành công nghiệp được coi là then chốt, cơ bản, như: “Việt Nam phải có công nghiệp ôtô mới có ngành công nghiệp phụ trợ”… Thế nhưng cho đến nay, việc xác định thế nào là dòng xe chiến lược, hay cụ thể hơn là định vị chiến lược phát triển công nghiệp ôtô thì vẫn chưa làm được.
Yếu “phụ trợ”, lợi nhuận thấp
Theo ông Ichikawa – Trưởng nhóm nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam tại Nhật Bản, đối với các nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản, thách thức lớn nhất hiện nay chính là CNHT. Theo chuyên gia này, lợi ích của CNHT là mang lại giá trị gia tăng cao. Song ở Việt Nam, dù là nước có nhiều điểm mạnh về xuất khẩu, nhưng nền CNHT lại phát triển chậm, nên lợi nhuận thu về không tương xứng.
“Khi Việt Nam chưa phát triển CNHT thì lợi nhuận DN Việt Nam được hưởng chẳng đáng bao nhiêu”, ông Ichikawa khẳng định và chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm chạp của ngành này là những rườm rà của thủ tục hành chính. Trên thực tế, các DN Nhật Bản rất muốn đầu tư vào lĩnh vực CNHT tại Việt Nam với công nghệ tối tân, song lại đang bị phụ thuộc vào những sự thay đổi chính sách đột ngột từ phía cơ quan quản lý, hay thủ tục hành chính rườm rà.
“Đã có những trường hợp các công ty Nhật Bản phải chờ đợi thủ tục hành chính quá lâu và đã phải có ý kiến lên cấp cao hơn nhờ can thiệp”, ông Ichikawa nói.
Bản thân các DN Việt Nam cũng cho rằng những chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực CNHT vẫn đang chưa thực sự thúc đẩy DN, đơn cử như những chính sách về vốn vay, lãi suất… không có sự ưu tiên, thậm chí khó tiếp cận.
Như vậy, suy cho cùng, vẫn lại là những vướng mắc về chính sách. Sự chậm trễ hoặc tính rườm rà, đôi khi là tính thất thường, thay đổi… xoành xoạch của chính sách đã và đang là những rào cản khiến cả DN trong và ngoài nước đều cảm thấy e ngại đầu tư. Do đó, rất cần phải đổi mới hệ thống chính sách để khuyến khích các NĐT phát triển CNHT.
Ông Noriyuki Yunemura – Tổng thư ký Quỹ Kinh tế Nhật Bản, thừa nhận làm thế nào để Việt Nam học hỏi được các nước là một thách thức: “Chiến lược này là thách thức, một thử thách với Việt Nam”.
—————————-
Ông Phan Thế Ruệ – nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại
————————————
Trước đây, các DN FDI chỉ chiếm 30% tổng kim ngạch XK của Việt Nam, nhưng trong những năm vừa qua, cán cân đã nghiêng dần về họ và nay, các DN này chiếm tới 62%. Thời kỳ đầu, DN FDI vào Việt Nam và hứa sản xuất hàng để XK (tư liệu của Việt Nam, vốn và công nghệ của họ). Sau này mình mở cửa thị trường quá nhanh thì họ lại chuyển sang nhập khẩu vào để gia công, lắp ráp rồi XK. Xu hướng này sẽ tăng đến khi nào DN FDI nhập hàng vào gia công, lắp ráp mà lợi nhuận từ XK bão hòa thì mới dừng lại.
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen
————————————
Nền kinh tế của Việt Nam chỉ để cung cấp nhân công cho các DN nước ngoài. Chúng ta đang XK hộ cho các nước khác, bởi hầu hết lợi nhuận đều sẽ chuyển ra nước ngoài và đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế trong dài hạn. Nếu không có những biện pháp ngay từ bây giờ thì với đà tăng trưởng này, tỷ trọng XK của các DN FDI sẽ tăng lên 3/4 hay 4/5, và điều đó có nghĩa là toàn bộ tích lũy của chúng ta sẽ chuyển qua nước ngoài hết.
Ông Phạm Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE)
————————————
Công tác lập quy hoạch hiện nay còn rất yếu, dẫn đến chất lượng quy hoạch không cao. Rất nhiều quy hoạch khoáng sản đã bị lỗi thời ngay sau khi ban hành, chưa kể đến việc vừa mới ban hành đã bị phá vỡ. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều chiến lược, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực công nghiệp khác cũng rất đáng báo động kiểu như xi măng, sắt, thép cung vượt cầu đang tồn tại. Đó là chưa kể những quy hoạch của ngành này bị phá vỡ sẽ kéo theo hệ lụy đối với các ngành công nghiệp khác có liên quan, như điện, than, dầu khí… Vì vậy, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo yêu cầu của Chính phủ, đòi hỏi trách nhiệm của từng ngành kinh tế, trong đó trọng tâm là các ngành công nghiệp cơ bản, then chốt.
Theo TBKD