Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 30/7.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/7, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ đáng chú ý, trước những câu hỏi của báo giới về tiến độ cũng như quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ.
Không đổi mới thì tụt hậu
“Quyết tâm và phương hướng tái cơ cấu nền kinh tế để Việt Nam phát triển nhanh hơn, để chúng ta không thể nghèo mãi như thế này được, là quyết tâm của tất cả các thành viên Chính phủ, của cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông, vấn đề đặt ra tái cơ cấu là phải xem lại tổng thể nền kinh tế từ những khâu vĩ mô, ở tầm quốc gia đến những việc rất chi tiết. Ví dụ trong doanh nghiệp là phải tái cơ cấu sản phẩm, thay đổi cung cách điều hành…
Hiện Chính phủ đã xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế trình Quốc hội, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề án này chưa cụ thể, chưa có nhiều thay đổi về bản chất. Tuy nhiên, chúng ta đã bàn bạc và thống nhất tái cơ cấu là quá trình làm toàn diện từ chính sách vĩ mô, đến nếp làm việc của từng con người, từng cơ sở sản xuất, Bộ trưởng nói.
“Cách đây 20 năm thì yêu cầu của chúng ta rất đơn giản. Bạn nào tuổi đã trên 30 chắc lúc đó chỉ mơ ước có ti vi, không nghĩ cần có điều hòa, mơ ước có xe máy không nghĩ phải có ôtô. Nhưng hiện nay, nhu cầu mở ra, thế giới có gì chúng ta cũng yêu cầu như thế, nhưng nguồn lực của chúng ta lại thấp hơn, đi sau họ rất nhiều. Cân đối làm sao thì đấy là một vấn đề”.
Lý giải thêm cho những nghịch lý trong quá trình tái cơ cấu, Bộ trưởng Đam dẫn câu chuyện giá điện. “Về giá điện, giá xăng dầu, nhiều người bức xúc cho rằng không thể so sánh giá Việt Nam với giá quốc tế vì thu nhập của chúng ta chỉ bằng 1/10 của họ. Nhưng họ cũng dùng những tivi, điều hòa giống chúng ta, liệu có tivi, điều hòa nào có tiêu chuẩn thấp hơn để chúng ta dùng hay không?”.
Ông nhấn mạnh một lần nữa: “Tất cả các thành viên Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều đồng tâm là phải tái cơ cấu, phải tiếp tục đổi mới, cả nhân dân cũng vậy. Nếu chúng ta không đổi mới, không tái cơ cấu mạnh mẽ thì chúng ta không vượt lên được, sẽ cứ làng nhàng thế này mãi, và không phải có nguy cơ tụt hậu nữa mà là tụt hậu thật, vì các nước xung quanh cũng phát triển rất nhanh, xuất phát điểm của họ lại cao hơn”.
Không cần nhắc đến tồn kho nữa
Thông tin về nội dung phiên họp trước đó của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm.
Theo đó, Chính phủ thống nhất tình hình kinh tế đang phát triển đúng hướng, tốt lên, tuy nhiên, tốc độ tốt lên không nhanh như mong muốn, nền kinh tế vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng.
So với năm ngoái và năm trước nữa, mục tiêu Quốc hội đặt ra là năm nay kiềm chế lạm phát thấp hơn (khoảng 7%) là mục tiêu khả thi. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã thảo luận, phân tích kỹ các ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước, cho rằng không thể lơ là việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh cũng tốt lên, chỉ số tăng trưởng công nghiệp quý sau cao hơn quý trước, tháng sau cao hơn tháng trước.
Mặc dù còn gặp số khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng lên, số doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất giảm đi. Tồn kho đã quay lại mức bình thường.
Đặc biệt, các thành viên Chính phủ cho rằng từ nay không cần đề cập đến vấn đề tồn kho nữa, bởi sản lượng tồn kho cũng đã và đang giảm mạnh, doanh nghiệp đã điều chỉnh quy mô sản xuất, về cơ bản đã giải quyết được vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đam, cái khó bao trùm hiện nay chính là sức mua của dân vẫn kém. Thông thường, sức mua hay nhu cầu thấp thì phải tăng cầu nhưng nếu không cẩn thận, việc tăng cầu có thể gây lạm phát.
Gần đây, Chính phủ đã đề nghị các nhà kinh tế trong và ngoài nước tập trung phân tích, có nhiều ý kiến nhưng tựu chung lại là trong thời gian tới, chúng ta phải đặt mục tiêu, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ bám vào mục tiêu dài hạn hơn, cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7%, đưa tốc độ tăng trưởng nhích dần lên.
Bên cạnh đó, trong điều hành không chạy theo mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống mức thấp ngay lập tức, đưa tăng trưởng tăng cao ngay mà điều quan trọng là giữ ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà cho các bước tiếp theo.