“Chuyển đổi số” là gì?
Ngày nay chúng ta thường được nghe những cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” hoặc “digital transformation” mà tiếng Việt là “chuyển đổi số”. Vậy “chuyển đổi số” là gì?
Nôm na chúng ta có thể hiểu là chuyển đổi các hoạt động trên cơ sở của giấy tờ truyền thống bằng các hoạt động điện tử, cụ thể là các ứng dụng phần mềm máy tính.
Nếu như vậy thì “chuyển đổi số” đã có từ lâu, quả thật từ những năm 90 người ta nói đến giảm giấy tờ bằng cách chuyển tin bằng email, file chia sẻ, quản lý bằng phần mềm… Từ những năm 2000, các công tác ghi nhận, quản lý và vận hành các doanh nghiệp, tổ chức ngày càng được chú trọng hơn, từ đó ERP là khái niệm không thể thiếu ở những nền kinh tế hiện đại. Nhìn chung, từ 30 năm trở lại đây, nếu không sử dụng bất cứ ứng dụng CNTT nào nghĩa là bạn đã “không tồn tại”.
Vậy tại sao ngày nay người ta lại dấy lên khái niệm “chuyển đổi số”, có phải là “rượu cũ bình mới” để nghe cho nó kêu? “Chuyển đổi số” ngày nay (thời đại công nghiệp 4.0) thực chất có gì khác so với những thời kỳ trước đó.
“Chuyển đổi số” trong thời đại hiện nay
Ngày nay, IoT, tự động hóa và AI là những đặc trưng chủ chốt của thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự kết nối và chia sẻ ở mức độ rất cao, nó không thể ở mức độ cục bộ của từng doanh nghiệp nay tổ chức mà lan tỏa ra toàn xã hội đồng thời vượt qua biên giới các quốc gia.
Sự kết nối toàn diện? IoT là đại diện cho sự kết nối của các thiết bị công nghệ trong thời đại ngày nay. Nhưng những khái niệm “xã hội” và “chia sẻ” hầu như đã lan tỏa rộng khắp trên các hình thức kinh doanh kiểu mới.
Dữ liệu lớn? Những dữ liệu cấu trúc như từ các phần mềm ERP, CRM là hết sức thiết yếu và ngày càng quan trọng cho mỗi doanh nghiệp hay tổ chức. Nhưng vẫn chưa đủ, sự tập hợp của tất cả các loại dữ liệu, cả trong lẫn ngoài, cả cấu trúc lẫn phi cấu trúc nhằm mục đích phân tích, tối ưu hóa mọi hoạt động và tạo sức mạnh cạnh tranh là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp mong muốn đạt được. Đó chính là dữ liệu lớn (Big Data) mà ai cũng mong muốn sở hữu nhưng không dễ dàng đạt được.
Trí tuệ nhân tạo? Với lượng dữ liệu ngày càng lớn thì giá trị sử dụng càng cao nhưng nhiễu cũng sẽ càng nhiều hơn. Hơn nữa mọi thứ đều thay đổi rất nhanh chóng đòi hỏi sự đánh giá phân tích phải thay đổi rất nhanh cả về tiêu chí lẫn phương pháp. Trí tuệ nhân tạo được cho là có thể tự thích ứng, đáp ứng những yêu cầu mới nhiều khi chưa được biết đến.
Tự động hóa? Việc xử lý một lượng dữ liệu cực kỳ lớn, xử lý và phản ứng tức thì, đồng thời các mối quan hệ, liên kết ngày càng lớn và phức tạp, ứng dụng mobile đi theo con người ở tất cả các lĩnh vực… đòi hỏi mức độ tự động hóa rất cao, liên hoàn ở tất cả mọi khâu, vượt trội so với thập kỷ trước.
Tóm lại “Chuyển đổi số” trong thời đại hiện nay phải là một quá trình chuyển đổi số hóa toàn diện ở mọi hoạt động, mọi góc độ của mỗi doanh nghiệp nhằm đạt tới mục tiêu điều hành xuyên suốt, phản ứng tức thì, linh hoạt, mọi lúc mọi nơi và hiệu quả vượt bậc.
Khi nào “chuyển đổi số”?
Mọi người đều nhận thức được “chuyển đổi số” là cần thiết, là sống còn, nhưng đa số vẫn còn tâm lý e ngại, nghe ngóng và tìm hiểu xem các bên khác làm thế nào, kinh nghiệm thế nào, có mô hình nào hay để dập khuôn không, v.v…
Thực ra, với tốc độ phát triển và thay đổi như vũ bão hiện nay, với tình trạng đột nhiên xuất hiện đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ mà chưa bao giờ được gọi là tiềm tàng… hầu như không ai có thể chần chừ nếu có nhận thức đầy đủ về vấn đề.
Đối thủ cạnh tranh cũng không bao giờ chờ đợi. Trong cuộc đua khốc liệt như hiện nay, chỉ ai “nhanh chân”, “sáng tạo” và “bền bỉ” mới có thể trở thành con chim đầu đàn, dẫn đường để đàn chim bay theo học hỏi kinh nghiệm.
“Chuyển đổi số” cần được tiến hành ngay lập tức, một cách toàn diện, phương thức làm việc và quản trị “số” là phương tiện duy nhất có động cơ đủ mạnh để doanh nghiệp tăng tốc trong cuộc cạnh tranh hiện nay.
“Chuyển đổi số” như thế nào?
“Chuyển đổi số” ngày nay không thể làm theo cảm hứng, nhỏ giọt hoặc “nghe nói” mà phải được tổ chức bài bản, có tầm nhìn và kiến trúc tổng thể nhưng việc triển khai có thể theo lộ trình nhất định tùy vào đặc thù của mỗi doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần được tư vấn chuẩn bị kỹ lưỡng bởi chuyên gia có đủ kiến thức và kinh nghiệm cũng như tầm nhìn chiến lược. Doanh nghiệp cần lựa chọn giải pháp phù hợp nhất để triển khai cũng như phương pháp luận triển khai. Sự chuẩn bị yếu tố nhân sự sẵn sàng cho quá trình “chuyển đổi số” là hết sức quan trọng, nhiều khi đầy chông gai nhưng nó mang tính quyết định thành bại của cả quá trình.
“Chuyển đổi số” bắt đầu từ đâu?
Có một số quan điểm cho rằng có thể phát triển từ dưới lên trên, “nông thôn bao vây thành thị”… Thực ra, phương pháp này cũng có thể thực hiện được ở những thời đại sơ khai, với những ứng dụng rời rạc và đơn giản.
Ngày nay, “chuyển đổi số” là một quá trình tổng thể và phức tạp, xuất phát trực tiếp từ chiến lược phát triển chung cũng như chiến lược ứng dụng CNTT của công ty thì nó luôn phải bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cao nhất, đòi hỏi sự quyết tâm cao và tính cam kết của lãnh đạo. Có được điều đó thì sự lan tỏa sẽ là tất yếu tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai và sự thành công là mong mỏi của toàn bộ doanh nghiệp.
Lê Ngọc Quang