CNTT bước vào “cơn sốt” M&A mới

Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực CNTT được dự báo sẽ tiếp tục “nóng rẫy” trong thời gian tới.

Do ít chịu tác động của các nhân tố khách quan như nguyên liệu đầu vào, năng lượng, lãi suất… nên dù kinh tế gặp khó, các công ty công nghệ thông tin (CNTT) vẫn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng. Đây chính là lý do khiến hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực CNTT được dự báo sẽ tiếp tục “nóng rẫy” trong thời gian tới.

ma-cntt-amvl

Nội – ngoại chủ động săn tìm cơ hội

Chia sẻ với BizLIVE, Nhóm nghiên cứu MAF – IMAA Thụy Sỹ cho biết, năm 2014 các thương vụ M&A ở lĩnh vực CNTT sẽ rất sôi động, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ Internet, thanh toán điện tử và di động…

Cụ thể, các sản phẩm và dịch liên quan đến thương mại điện tử như thanh toán điện tử, giải pháp quản lý hàng tồn kho, giao nhận, hay dịch vụ Internet như đào tạo trực tuyến, y tế trực tuyến, tài chính trực tuyến và bất động sản trực tuyến sẽ nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Thị trường CNTT Việt Nam đang được các nhà đầu tư của Nhật Bản, Nga và Singapore nhằm rót vốn thông qua việc mua lại cổ phần, đầu tư vốn hoặc mua lại toàn bộ một doanh nghiệp tại chỗ. Các nhà đầu tư nước ngoài không dừng lại ở lợi nhuận mà muốn tìm điểm xuất phát nhanh nhất khi bước vào thị trường mới này.

“Giá trị của các thương vụ có thể không lớn nhưng lại có ý nghĩa quan trọng cho các doanh nghiệp trong nước tìm vốn, kinh nghiệm phát triển thị trường và năng lực quản trị từ các nhà đầu tư”, một chuyên gia về M&A nhận định.

Theo đánh giá của ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam, hiện Việt Nam là điểm đầu tư khá hấp dẫn và nằm trong kế hoạch kinh doanh của các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Google, eBay, Hon Hai…

Không những thế, trong danh mục đầu tư của hầu hết các quỹ đầu tư trong và ngoài nước hiện nay đều có tên một vài doanh nghiệp trong ngành CNTT.

Quỹ đầu tư IDG Venture cho biết thị trường CNTT của Việt Nam đang rất nóng, các quỹ đầu tư mạo hiểm như IDG đang ráo riết tìm kiếm và rót tiền vào các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ Internet.

Trong khi đó, một quỹ đầu tư mạo hiểm khác của Nhật Bản là CyberAgent Ventures Việt Nam, cho biết họ sẽ tiếp tục rót vốn vào 4 công ty khác ở Việt Nam trong năm 2014. Trước đó, hồi đầu năm nay, quỹ này đã rót vốn vào Công ty Công nghệ DKT để phát triển giải pháp thương mại điện tử Bizweb.vn.
Điều đáng chú ý hơn nữa là, mua bán và sáp nhập không chỉ đến từ các quỹ mạo hiểm mà ngay cả các công ty CNTT trong nước như FPT cũng bày tỏ tham vọng mua một số doanh nghiệp CNTT khác, đặc biệt là các công ty nước ngoài.

Nhóm nghiên cứu MAF cho biết, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT đã từng chia sẻ, tập đoàn này sẽ dành một khoản đầu tư khoảng 50 triệu USD cho việc mua bán các công ty công nghệ trong năm nay.

Vẫn theo nguồn tin này, FPT sẽ thực hiện M&A với những đối tác có công nghệ, dịch vụ hoặc thị trường mà họ chưa có. Quy mô doanh nghiệp mà FPT muốn M&A có thể khoảng 50 người đến vài trăm người.

“Tỷ lệ không thành công trong M&A cũng rất lớn. Tuy nhiên, tôi hi vọng năm nay FPT có từ một đến ba thương vụ mua bán doanh nghiệp thành công”, Nhóm nghiên cứu MAF dẫn lời nhận định của lãnh đạo FPT.

Tham vọng này của FPT cũng được nêu rõ trong thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2014 của tập đoàn. Theo đó, thông báo có đoạn: Nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh thị trường trong nước còn nhiều khó khăn, FPT đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 340 triệu USD vào năm 2016 thông qua phát triển tự thân và M&A.

Lực đẩy từ cơ chế

Tương tự như các lĩnh vực khác, M&A trong ngành CNTT đang đứng trước cơ hội lớn nhờ các cú hích từ chính sách, cả chung lẫn riêng. Những thay đổi mang tính đột phá của hàng loạt văn bản luật quan trọng như: Đầu tư, Doanh nghiệp, Chứng khoán… được kỳ vọng sẽ khơi thông những điểm nghẽn của dòng vốn đầu tư ngoại.

Trong lĩnh vực CNTT, ngay từ đầu năm 2014, Thủ tướng đã có Quyết định 109/QĐ-TTg quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTTNgày 15/1.

Ủy ban này sẽ có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các ngành, lĩnh vực trọng điểm và trong toàn xã hội, nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Quyết tâm này của Thủ tướng và Chính phủ cho thấy rõ sự quan tâm đặc biệt đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT vào nền kinh tế. Thông qua quyết tâm này, các nhà đầu tư đặc biệt các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đã nhìn nhận được cơ hội và đang tỏ ra quyết tâm hơn trong việc tìm kiếm các công ty/dự án CNTT để đầu tư.

Mặt khác, cũng nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến quan trọng của các tập đoàn danh tiếng thế giới không chỉ ở hoạt động FDI mà cả FII.

Theo dự báo của Nhóm nghiên cứu MAF, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục sôi động trong thời gian tới đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT. Bởi lẽ, hiện đang có xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang đầu tư gián tiếp thông qua các thương vụ M&A.

Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Recof Nhật Bản cho biết, Việt Nam là thị trường M&A lớn thứ hai của doanh nghiệp Nhật tại Đông Nam Á, sau Thái Lan. Hiện một nửa danh mục thông tin đăng ký tại Recof là các thương vụ của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các nhu cầu mua bán ở các lĩnh vực như: Dịch vụ tài chính phi ngân hàng, vận tải, công nghệ, khách sạn, dịch vụ marketing và ngành hàng bán lẻ…

Cũng theo tiết lộ từ ông Yoshida, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, bởi lẽ, theo thông tin của Recof, mỗi năm Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài một lượng vốn khổng lồ lên tới 400 tỷ USD. Thậm chí, theo ông Yoshida, đây chỉ là con số có trong các “báo cáo”, còn thực tế số lượng vốn đầu tư ra nước ngoài có thể còn cao hơn nhiều.

Theo DNSG