Các chuyên gia kinh tế và công nghệ của Việt Nam khẳng định mọi mục tiêu phát triển đất nước sẽ nằm ngoài tầm với nếu không có những hành động thiết thực để nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT.
Để có thể thực hiện tham vọng xây dựng nước mạnh nhờ CNTT với những ưu tiên và giải pháp cụ thể, hiệu quả, trước hết phải thay đổi nhận thức về CNTT. Do đó, ngay từ Diễn đàn cấp cao CNTT-TT 2012 (Vietnam ICT Summit 2012) diễn ra vào tháng 6 năm ngoái tại Hà Nội, giới chuyên môn đã đặt vấn đề phải “tạo nhận thức sâu sắc ở các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về quan điểm mới của Đảng, xác định CNTT giữ vai trò là hạ tầng quốc gia và việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình hiện đại hóa đất nước và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.
“Những người đứng đầu ngành, địa phương chưa đặt ra những nhiệm vụ, đầu bài về ứng dụng CNTT để tăng năng suất, một phần do họ chỉ được đào tạo theo chuyên ngành hẹp. Do đó, chúng ta rất cần những cán bộ vừa có chuyên môn, vừa hiểu biết về CNTT”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Diễn đàn.
Trong khi đó, tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI) đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Chừng nào xã hội, doanh nghiệp và người dân còn chưa nhận thức được rằng ‘phi tin bất phú’, chừng ấy các mục tiêu về phát triển CNTT với tư cách hạ tầng của mọi hạ tầng sẽ còn nằm ngoài tầm với. Chúng ta cần phải có hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là khâu nâng cao nhận thức về CNTT”.
Các chuyên gia khẳng định chưa nhận thức rõ về vai trò của CNTT thì chưa thể ứng dụng hiệu quả CNTT trong mọi mặt đời sống xã hội. |
Còn theo tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, CNTT không những là hạ tầng quốc gia mà còn bắt đầu được coi như là phương thức phát triển mới. Mỗi thời đại được phân biệt bằng công cụ lao động chính ở thời đại đó, như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… còn thời đại ngày nay chính là thời đại của CNTT. Phương thức phát triển mới có nghĩa CNTT sẽ là nền tảng quan trọng và mang tính đột phá để giải quyết các vấn đề về năng xuất lao động, về hiệu quả sản xuất, về phát triển con người để hình thành nên một nền kinh tế tri thức, xã hội văn minh, con người sáng tạo.
Chính vì vậy, sự kiện Vietnam ICT Summit năm nay, dự kiến được tổ chức ngày 20-21/6 tại Hà Nội, sẽ xoay quanh chủ đề “CNTT – nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”. Tại đây, các diễn giả, chuyên gia trong mọi lĩnh vực từ công nghệ cho tới kinh tế, giáo dục… sẽ cùng chia sẻ tầm nhìn, xu thế phát triển, chiến lược và các giải pháp lớn trong phát triển CNTT, trong ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực để nâng cao sức cạnh tranh của đất nước.
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT năm nay sẽ có sự tham gia của cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama.
Theo So Hoa