“Con rồng” VN còn đang… mơ ngủ

Một con người, một ngành, một lĩnh vực đã thế. Một đất nước càng không thể tránh khỏi. Nhưng đất nước đó, nhất định cũng sẽ đi về phía ánh sáng, nếu can đảm và chấp nhận… đau đớn.

I – Những năm tháng này, nước Việt đang đứng trước muôn vàn thách thức. Nhưng trung tâm của mọi câu chuyện bàn luận trong xã hội, từ thì quá khứ đến thì tương lai, là làm sao để nước Việt có thể thoát khỏi tụt hậu, chấn hưng dân khí, dân trí. Để đôi chân nước Việt vốn bị lực hút của tư duy bảo thủ, trì trệ xơ cứng, có thể bước nhanh trên hành trình hội nhập thế giới văn minh ở ngay thì hiện tại.

Một đất nước mà số phận có quá nhiều bi thương bởi chiến tranh chống ngoaị xâm, bởi sự ấu trĩ về nhận thức, và sự khắc nghiệt của vị thế địa lý- chính trị.

Không tìm tiếp con đường phát triển sao được? Bởi mặc dù nước Việt đã can đảm đổi mới cơ chế quản lý vào những năm 80, đem lại sự khởi sắc về chất lượng cuộc sống xã hội, khiến người dân từng tràn trề niềm vui, thế giới chú ý, hy vọng VN “hóa rồng”. Nhưng “con rồng” VN đến hôm nay vẫn đang … ngủ say, dù nước Việt đã và đang trằn trọc đánh thức.

Bởi những thông tin kinh tế nước Việt do các tổ chức kinh tế thế giới mới đây đo lường và thông báo, cho thấy nước Việt đang đứng ở  gần… cuối bảng của sự phát triển giữa các quốc gia. Đó là một nỗi lo ám ảnh.

Dưới đầu đề “Việt Nam tiến chậm, các đối thủ bay nhanh” (VietNamNet, ngày 07/9) cho biết, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (GCI) 2014-2015. Những công bố của diễn đàn này khiến nước Việt thêm một lần nữa buộc phải “ngắm mình”, không thì sẽ… chẳng hay đâu (mượn ý thơ của Tố Hữu)

Một điểm nổi bật là năng lực cạnh tranh của các nước Đông Nam Á tăng khá ấn tượng. Philippines tăng 07 bậc lên vị trí 52; Thái Lan tăng 06 bậc lên vị trí thứ 31; Malaysia tăng 04 bậc lên vị trí 20; Indonesia tăng 04 bậc lên vị trí thứ 34. Trong khi đó, Việt Nam chỉ tăng 02 bậc, lên vị trí 68 (năm ngoái, vị trí 70). Singapore tiếp tục duy trì vị trí á quân trong bảng xếp hạng tổng 144 nước trên toàn thế giới.

Vòng nguyệt quế về nội lực, có lẽ xứng đáng được đặt trên vầng trán Philippines- một đất nước mà nền kinh tế có nhiều tiến bộ nhất kể từ năm 2010. Liên tục phải đối mặt với siêu bão, bị mất trắng hàng chục tỷ USD, nhưng đất nước này đã chứng tỏ cho thế giới nghị lực phi thường của chính mình. Một dân tộc đã không “vịn” vào thiên tai, ngược lại, biết “vịn” vào chính con người, sự đúng đắn của chính sách, sự nỗ lực của người dân, để đứng lên, đi qua đói nghèo, dốt nát và tụt hậu.

Trong khi đó, xét về thứ hạng, VN có nhích nhắc, tuy nhiên, chỉ số GCI của VN không được cải thiện, vẫn chỉ 4,2/7 điểm. Chưa kể các năm trước đó, VN đã bị tụt khá nhiều bậc, từ 59/139 năm 2010, xuống 65/142 trong năm 2011, so với vị trí 68/144 hiện nay. Trong khi đó, khu vực châu Á- Thái Bình Dương được báo cáo đánh giá là khu vực năng động.

Hay “Con rồng” VN còn đang cơn mơ ngủ?

Cải cách, đổi mới, thay đổi, tái cơ cấu…, là hàng loạt các khái niệm được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra, sốt ruột, lo lắng trước bước đi chậm mà cũng… không chắc của nước Việt. Tại cuộc đối thoại trực tuyến ngày 09/9 mới đây với Tuần Việt Nam, GS Vũ Minh Khương nhìn nhận, VN đang ở thời điểm mấu chốt phải thực hiện cải cách để đất nước lớn lên. Lộ trình đó phải bắt đầu với một chiến lược và một chương trình hành động với những điểm cụ thể có thể làm được. Chỉ như vậy mới tạo ra niềm tin và xúc cảm, khắc chế dần tình trạng nghi kỵ lẫn nhau.

Nhưng cải cách để chấn hưng và phát triển cũng là một cửa “vũ môn”, thách thức tất cả các nước đang phát triển, chậm phát triển, không riêng gì VN.

Dù vậy, theo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về các cuộc cải cách của nhân loại, xu hướng cải cách của khu vực các nước đang phát triển, thì từ xưa đến nay, đã trải qua bốn loại hình CC cơ bản. Đó là CC kinh tế, CC chính trị, CC văn hóa và CC giáo dục. Mục đích nhân bản nhất của các cuộc CC không hẹn mà gặp này, là đều hướng tới đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu, hướng tới sự phát triển văn minh, văn hóa. Tuy nhiên cũng có một điều… không hẹn mà gặp khác – hầu hết các cuộc CC đều thất bại. Vì sao?

Theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, khi nhìn lại các cuộc CC không thành công ở nhiều quốc gia như Indonexia, Thailand, Argentina, Mexico và Brazil, các cuộc CC ở các quốc gia đó đều có chung 03 nhược điểm. Đó là tính tình thế, tính nửa vời và thiếu tầm nhìn.

Tính tình thế của loại hình CC kinh tế ở các nước đang phát triển thể hiện ở chỗ, CC kinh tế được tiến hành bởi sức ép bắt buộc của các tổ chức quốc tế, các hiệp định song phương hoặc đa phương, mà chưa phải là cuộc CC tự thân nội lực đòi hỏi để phát triển.

Tính nửa vời thể hiện ở chỗ các quốc gia này chỉ dừng lại ở cải cách thể chế kinh tế, tập trung đổi mới thể chế kinh tế cũ mà không quan tâm đến chiến lược phát triển các lực lượng kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng mang tính toàn cầu. Và quan trọng hơn, là không gắn liền cải cách thể chế theo hướng tiệm cận nền dân chủ.

Thiếu tầm nhìn, thường thể hiện rõ nhất ở loại hình CC giáo dục. Nền GD các quốc gia này không coi con người là trung tâm của quá trình GD, các nhà CCGD tách rời đời sống hiện thực, vừa không có kinh nghiệm thực tiễn, vừa không có năng lực dự báo tương lai.

Vậy, điều kiện nào bảo đảm các cuộc CC thành công? Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng, đó là yếu tố đồng bộ. Theo nghĩa, chính là sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm của mỗi cuộc CC trong sự kết hợp hữu cơ, nhịp nhàng giữa các cuộc CC đó.

20140912101531-sanxuat

Soi vào “tấm gương” 03 nhược điểm lớn của các loại hình CC mà các quốc gia trên thế giới đã tiến hành, có thể thấy hành trình đi lên của nước Việt có những điểm “nhang nhác”, nhưng cũng có những điểm khác biệt rất rõ.

Như một quy luật tất yếu của sự vận động để phát triển, nước Việt nhiều năm nay rục rịch bàn tới rất nhiều về sự đổi mới. Mà tái cơ cấu kinh tế, CC hành chính, CC tư pháp, CCGD… bỗng không hẹn đều gặp nhau, hướng tới thay đổi chất lượng phục vụ dân sinh, đáp ứng đòi hỏi của thời cuộc và đất nước.

Tái cơ cấu kinh tế, về bản chất cũng có thể coi là một sự CC về tổ chức, cấu trúc lại các tập đoàn, các DNNN, cổ phần hóa để tạo ra sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh, không ỉ vào thế lực “con đẻ” của Nhà nước như trước. Cũng tức là từng bước tạo ra môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh sòng phẳng, để các tài năng kinh doanh có điều kiện thỏa sức.. chí làm trai.

Tái cơ cấu kinh tế không chỉ là điều kiện cho kinh tế thị trường được trả lại tên cho em một cách đúng nghĩa, một điều kiện cho VN sắp sửa tham gia TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), mà đây cũng chính là đòi hỏi bức bách của sự tăng cường nội lực nước Việt. Đã đến lúc nền kinh tế thị trường phải tạo ra một sân chơi sòng phẳng, bình đẳng cho các khu vực, các thành phần kinh tế trổ tài. Chứ không thể là một sân chơi kiểu “vũ hội hóa trang”, cho các DNNN núp bóng Nhà nước để chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, bất cần đất nước tụt hậu, và đời sống dân khốn khó ra sao.

Đó cũng là một sự… sòng phẳng lịch sử.

Gắn liền với công cuộc tái cơ cấu kinh tế, không thể không có sự CC về cơ chế quản lý, CC nền hành chính, nền tư pháp nhiều khuyết tật, cũng như CCGD- lĩnh vực quan trọng nhất tạo nguồn nhân lực tương lai cho nước Việt. Nhưng làm thế nào để các cuộc CC đó thành công?

Hóa ra, những bài học cay đắng của năm xưa, về nông nghiệp, nhưng vẫn vô cùng bổ ích cho những cuộc CC tương lai của nước Việt. Đó là tư duy nước Việt phải mềm dẻo, sáng suốt, nhận thức đúng những giá trị văn minh, văn hóa mang tính phổ quát của nhân loại để tiến hành CC theo hướng tiệm cận dân chủ, tránh giáo điều, xơ cứng, ấu trĩ, đã từng khiến cho quá khứ nước Việt tổn thương, rơi nhiều nước mắt.

                                   ***************

II – Và cho dù tái cơ cấu kinh tế còn rất chậm, vẫn có những con người dũng cảm, cách đây hơn 20 năm, đã dám đi tiên phong tự “phủ định sự độc quyền” của tập đoàn kinh tế mà mình là thống soái. Câu chuyện của vị quan chức đó khiến cho người viết bài và bạn đọc của Tuần Việt Nam thực sự trân trọng. Đất nước này đang rất cần những tập đoàn kinh tế biết tự “phủ định mình” như thế, để nền kinh tế nước Việt có thể tự … khẳng định chính mình.

Đó là câu chuyện của ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, người đã mở cửa ngành BCVT, xóa thế độc quyền của chính ngành mình.

Thực sự, ông hoàn toàn có thể ăn ngon ngủ yên trên vị thế quyền lực của mình- Tổng Giám đốc VNPT năm 1995, giai đoạn mà ngành BCVT đang ăn nên làm ra, lại là ngành đi đầu trong việc tiếp cận với cái mới- đưa công nghệ số hóa vào VN, tạo ra những bước tiến vượt bậc, trong khi hơn 90% thế giới vẫn đang dùng công nghệ cũ.

Cái mới bao giờ cũng có mãnh lực hấp dẫn.

Nhưng “cái mới”- xóa độc quyền – lại không hề chiếm được thế thượng phong, nơi mà sự độc quyền kinh doanh luôn mang lại lợi ích nhóm. Vì thế, cái mới này đi vào nền kinh tế thị trường nước Việt quả là vất vả, long đong. Cũng vì thế, công bằng mà nói, sự đổi mới, thay đổi của các tập đoàn, DNNN, trong đó có ngành BCVT không thể tách rời bước đi chung của kinh tế đất nước.

20140912103752-doanhnghiepnhanuoc

Đó là khi áp lực đổi mới ngành này, giống như quy luật vận động của các quốc gia tiến hành CC kinh tế, mà chuyên gia Trần Bạt đã tổng kết ở trên, còn được tác động bởi ngoại lực- Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ đang đàm phán để ký kết, VN chuẩn bị tham gia WTO.

May mắn với ông Mai Liêm Trực, là khi đó ông có được chỗ dựa từ những nhà lãnh đạo lớn có tư duy thực sự cởi mở, mềm dẻo, nhạy bén luôn ủng hộ cái mới, với tầm nhìn xa trông rộng, đã ủng hộ ông, ủng hộ việc mở cửa ngành BCVT.

“Vật cản” đáng sợ, không phải chỉ là tâm lý tiếc nuối thời kỳ vàng son, mà với ông, còn là những ý kiến, tư tưởng giáo điều- không cẩn thận sợ mất cả CNXH . Người viết bài bỗng nhớ câu đùa hóm hỉnh của GS Hồ Ngọc Đại: Nhiều vị không sợ mất vợ, mà chỉ sợ “mất lập trường”

Cái nỗi sợ không hề mơ hồ đó, đã từng ngự trị trên ngai vàng tư duy, khiến cho không ít người nhụt trí, khiến cho những người bảo thủ, ngại đổi mới, sợ đổi mới có điểm tựa vững chắc.

Nhưng ông đã dám bước qua lời nguyền bảo thủ vô lý. Bởi lợi ích cho người dân, cho sự phát triển vẫn mạnh hơn lời nguyền xơ cứng, và trì trệ nhân danh. Dù chính ông thú nhận, cũng phải  mất một chút thời gian để thích nghi với tư duy mới đó.

Giã từ “vũ khí quyền lực” giờ trở về đời sống thường dân, ông bảo ông có một niềm hạnh phúc rất giản dị. Đó là mỗi ngày mở cửa bước ra đường, thấy anh xe ôm, chị đồng nát, cô bán rau trước cửa nhà đang cầm chiếc điện thoại trò chuyện với ai đó.

Những lúc như thế càng củng cố niềm tin chắc chắn rằng quyết định xóa bỏ độc quyền trong ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) là đúng đắn.

Nhưng có niềm thanh thản thì cũng có không ít điều day dứt. Khi ông đặt câu hỏi: Có nhiều người, đặc biệt đứng đầu các bộ, ngành độc quyền luôn miệng nói rằng thị trường viễn thông, xăng dầu, điện lực… là những lĩnh vực nhạy cảm, nên cần có thời gian để xóa bỏ độc quyền. Chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa 20 năm nay rồi mà mọi việc vẫn bộn bề. Và nếu nói là nhạy cảm, thì còn gì nhạy cảm hơn thị trường gạo? Nhưng sự thật thị trường gạo đã tự vận hành rất tốt đó thôi. Thế mà chúng ta thì lại quá mất thời gian với việc thảo luận… tào lao. Trong khi việc đáng làm thì không làm.

Ai có thể trả lời câu hỏi này cho ông nhỉ? Chả lẽ, các lợi ích nhóm?

Người viết bài tâm đắc nhất câu nói này của ông: Không có bất cứ sự độc quyền nào là tốt cả. Vì cạnh tranh là động lực để phát triển xã hội. Phải mở cửa dân mới được nhờ. Không mở cửa dân chỉ có thiệt.

Có một câu triết lý sâu sắc: Thà đốt lửa lên còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.

Đã có nhiều người không muốn đốt lửa, lại còn yêu thích bóng tối- bóng tối của sự độc quyền.

Còn ông, ông đốt lửa, và đi về phía ánh sáng.

Để dân tộc phát triển, sự thay đổi là can đảm và… đau đớn.

Một con người, một ngành, một lĩnh vực đã thế. Một đất nước càng không thể tránh khỏi.

Nhưng đất nước đó, nhất định cũng sẽ đi về phía ánh sáng, nếu can đảm và biết chấp nhận… đau đớn.

Theo Vietnamnet