Công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh

Phát triển thương mại điện tử thành một công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua nhiều khó khăn và thử thách như hiện nay, là một trong những đề tài được thảo luận tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2013 vào tháng 6 vừa qua. Thời báo Vi tính Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

Ông Trần Hữu Linh.

TBVTSG: Qua thực tiễn công tác quản lý chuyên ngành, ông có thể đưa ra những dẫn chứng về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh?

Ông Trần Hữu Linh: Trong tình hình kinh tế suy thoái và đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì bắt buộc họ phải tìm được đầu ra cho sản phẩm, song song đó là việc giảm thiểu chi phí. Do đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cần phải biết cách nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các công cụ là CNTT và TMĐT.

Vào năm ngoái, trong 114,6 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì hơn 60% đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy, với một nền kinh tế mở thì tính cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước cũng rất cao.

Vậy doanh nghiệp nội địa làm sao để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình thế năng lực cạnh tranh đang yếu? Doanh nghiệp cũng như một cơ thể con người. Người yếu muốn tăng sức khỏe thì phải thực hiện nhiều cách như tập thể dục, tẩm bổ… Doanh nghiệp cũng vậy, muốn tồn tại trong một môi trường có tính cạnh tranh cao thì phải nâng cao năng lực của chính mình bằng nhiều giải pháp như thu hút thêm vốn đầu tư, cử đội ngũ quản lý, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, tăng cường hoạt động tiếp thị và xúc tiến thương mại… Trong số những giải pháp kể trên có những cái phù hợp, có cái không vì quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa (chiếm gần 95%), mà với đối tượng này, nếu đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, quảng bá sẽ gặp khó do không có nguồn lực tài chính. Do đó, việc ứng dụng CNTT và TMĐT là một trong những cách thức phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do chi phí thấp, dễ ứng dụng, hiệu quả lại cao. Vì thế, CNTT và TMĐT cần được nhìn nhận như công cụ để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ví dụ, với một doanh nghiệp nhỏ bán hàng thủ công mỹ nghệ ở một tỉnh vùng sâu vùng xa nếu muốn bán hàng thông qua kênh quảng bá truyền thống (tham dự hội chợ triển lãm, quảng cáo trên báo chí, truyền hình…) thì cần có khoản kinh phí lớn, có thể vượt quá khả năng nên không thể thực hiện. Không quảng bá thì không có cơ hội bán được hàng. Hoặc thậm chí có tiến hành hoạt động này thì cũng chỉ bán được sản phẩm trong phạm vi quanh địa bàn mà họ đang hoạt động chứ chưa tiếp cận được các thị trường xa hơn như Hà Nội, TPHCM hay nước ngoài. Nhưng nếu doanh nghiệp sử dụng Internet thì họ có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp toàn cầu.

Do đó, doanh nghiệp trong nước nếu không có ý thức hay kế hoạch cụ thể để ứng dụng CNTT và TMĐT thì sẽ bỏ phí một công cụ giúp nâng tính cạnh tranh một cách hiệu quả.

Vậy ông đánh giá thế nào về việc ứng dụng CNTT và TMĐT ở các doanh nghiệp Việt Nam?

– Hiện các doanh nghiệp đã có ý thức về việc này, nhất là những doanh nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Còn với doanh nghiệp ở các tỉnh đã có ý thức, nhận thức tốt về việc ứng dụng CNTT và TMĐT trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng từ nhận thức đi đến quyết tâm áp dụng là cả một vấn đề lớn. Vì doanh nghiệp hay có tâm lý e dè trước những giải pháp mới. Một số có tâm lý chờ thấy người khác áp dụng thành công thì mình mới làm, nên luôn đi sau. Không ít doanh nghiệp coi việc ứng dụng TMĐT chỉ để chơi. Trong khi đó, muốn ứng dụng CNTT và TMĐT một cách có hiệu quả thì phải theo kế hoạch, chiến lược rõ ràng và làm đến nơi đến chốn. Nếu chỉ làm chơi chơi theo kiểu phong trào sẽ không hiệu quả.

Hằng năm, Cục TMĐT và CNTT đều tiến hành cuộc khảo sát về mức độ ứng dụng CNTT và TMĐT của các doanh nghiệp. Kết quả cuộc điều tra năm 2012 (công bố vào tháng 4-2013) được tiến hành với hơn 3.000 doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề, quy mô và khu vực địa lý trên cả nước (trong đó có tới 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa). Kết quả cho thấy: toàn bộ các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát đều có trang bị máy tính và 99% đã có kết nối Internet. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng thư điện tử (e-mail) cho mục đích kinh doanh trong năm 2012 tăng mạnh so với các năm trước, đạt 97%, trong khi năm trước đó chỉ đạt 83%. Tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hơn 50% sử dụng e-mail trong công việc, tỷ lệ này cao hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Năm 2012, tỷ lệ doanh nghiệp có đội ngũ chuyên trách về TMĐT cũng cao hơn những năm trước, đạt 51% trong khi năm 2011 chỉ đạt 23%, năm 2010 là 20%. Tuy nhiên, mới có khoảng 42% doanh nghiệp có trang web, tăng 12% so với năm 2011. Các thành phố lớn vẫn là nơi có tỷ lệ doanh nghiệp có trang web cao nhất, lần lượt là Hà Nội (69%), TPHCM (56%), Hải Phòng (37%), Đà Nẵng (36%) và Cần Thơ (32%)…

Kết quả cuộc khảo sát kể trên cũng cho thấy lượng đơn nhận đặt hàng và đặt hàng qua phương tiện điện tử của doanh nghiệp trong năm 2012 tăng lên đáng kể so với những năm trước đó. Tỷ lệ này tương ứng 29 và 33%, trong khi năm 2011 thì chỉ ở mức 11% và 10%. Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp đối với CNTT và TMĐT trong năm 2012 cũng có sự khác biệt so với các năm trước. Tỷ lệ chi phí dành cho đào tạo và chi phí khác tăng 18% và 15%, cao hơn so với các tỷ lệ tương ứng của năm 2011 (8% và 9%).

Theo Cục TMĐT và CNTT thì doanh nghiệp nên làm gì và làm như thế nào trong việc ứng dụng các công cụ kể trên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh?

– Trong khi việc ứng dụng CNTT, TMĐT ở doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh còn khiêm tốn thì doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới ý thức về việc này rất nghiêm túc. Họ coi CNTT và TMĐT là công cụ quan trọng, thậm chí là nền tảng để cạnh tranh.

Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhìn nhận đây là công cụ để thu hẹp khoảng cách về quy mô và trình độ. Doanh nghiệp cần phải nắm được xu hướng, xu thế rõ ràng của TMĐT và CNTT để xây dựng và điều chỉnh lại kế hoạch, chiến lược kinh doanh của mình. Mặt khác, doanh nghiệp cần phải tính toán và có kế hoạch riêng cho mình, tránh dập khuôn.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc tự nắm bắt, tự nghiên cứu hoặc nhờ tư vấn cụ thể. Cần chủ động và tranh thủ tận dụng những hỗ trợ từ bên ngoài như các chính sách, chương trình của nhà nước, hiệp hội ngành nghề…

Cục đã và sẽ đưa ra những chương trình gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và TMĐT, thưa ông?

– Trong những năm gần đây, chúng tôi đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động mang tính thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT. Hàng năm, chúng tôi tổ chức hàng chục lớp đào tạo tại hầu hết các tỉnh thành phố để tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về ứng dụng TMĐT.

Chúng tôi cũng đã xây dựng và triển khai các chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như Chương trình Mỗi doanh nghiệp một trang web tại địa Ekip.vn. Chương trình này giúp doanh nghiệp trong khoảng thời gian ngắn, không cần phải lo đến vấn đề kỹ thuật, có thể có ngay một trang web TMĐT để giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Chương trình miễn phí trong một thời gian cho doanh nghiệp dùng thử, sau đó mới thu một khoản phí nhỏ. Trước đây, chúng tôi hay hỗ trợ doanh nghiệp toàn bộ nhưng qua một số chương trình thì thấy hiệu quả của cách thức hỗ trợ này không cao. Các chương trình gần đây thường có nguyên tắc chỉ hỗ trợ một phần, phần còn lại doanh nghiệp phải lo để họ làm nghiêm túc và có ý thức trong việc này.

Trong thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT như: tích hợp những công cụ liên quan đến thanh toán trực tuyến, xây dựng uy tín trong kinh doanh trực tuyến, các giải pháp quản trị doanh nghiệp… Năm nay, Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ cho Cục thực hiện một quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển TMĐT quốc gia. Hy vọng với quyết định này, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về ứng dụng TMĐT sẽ được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như xu thế đang rất phổ biến hiện nay.

Theo DNSG