Đó là những vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn “Công nghiệp hỗ trợ VN lần thứ 6” tổ chức tại TP.HCM ngày 29.5.
Diễn đàn do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) và Công ty Reed Tradex tổ chức.
Trở ngại của việc thu hút vốn FDI
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC, cho hay hiện nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đầu tư nước ngoài (FDI) có định hướng mở rộng chiến lược nội địa hóa và tìm kiếm nhà cung cấp ngay tại VN. Tuy nhiên hiện có rất ít nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước đạt được trình độ công nghệ cũng như đảm bảo tính sẵn có, hệ thống quản lý chất lượng tốt, hoạt động ổn định và linh động, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn an toàn trong quá trình sản xuất.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Jetro tại TP.HCM, năm 2012, DN Nhật Bản chiếm 51% tổng vốn FDI đầu tư vào VN. Bốn tháng đầu năm nay, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu dòng vốn FDI đầu tư vào VN. Hiện môi trường đầu tư ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan không còn thuận lợi nhiều, DN Nhật Bản muốn tìm đến VN, các DN đã có mặt thì muốn mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên trở ngại lớn là ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển quá chậm. Theo ông Yasuzumi, năm 2012, tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật tại VN chỉ chiếm 28%, trong khi con số đó ở Trung Quốc lên tới 61% và thấp hơn một chút là Thái Lan với 53%. Trong 10 năm qua, Jetro đã tích cực phối hợp với các cơ quan VN tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ DN VN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên chưa có kết quả nào đáng kể trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Năm 2008, VN đứng thứ 48/144 quốc gia về năng lực cạnh tranh. Nhưng từ đó đến nay, VN liên tục rớt hạng và hiện đứng thứ 75. Khả năng sẵn sàng về mặt công nghệ của chúng ta còn tệ hơn rất nhiều với hạng 137/144. Khả năng ứng dụng công nghệ mới trong từng DN cũng rất thấp 126/144. “Thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của VN là rất lớn. Thay vì ngành công nghiệp hỗ trợ phải phát triển trong xu thế chung thì nhiều bằng chứng cho thấy nó đang teo tóp lại”, PGS-TS Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM (HAME), nhận xét.
Ông Nguyễn Thành Tâm, phụ trách khâu mua hàng của Intel VN, ví von: “Các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của VN giống như một cầu thủ có phong độ tốt, nhưng đẳng cấp lại rất kém. Khi làm việc với chúng tôi, họ thường rất bỡ ngỡ về những vấn đề khá cơ bản như việc bảo mật thông tin với bên thứ 3… Tính đồng bộ, ổn định trong toàn bộ hệ thống của các nhà cung cấp trong nước không tốt, chất lượng sản phẩm rất bấp bênh”.
Cần một kế hoạch cụ thể
Theo TS Tuấn, nếu không đầu tư đổi mới công nghệ thật sự, sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ khó mà đáp ứng được nhu cầu của trong nước và thế giới. Cần phải có một kế hoạch cụ thể cho từng bước đi 3 hay 5 năm tới.
Ban tổ chức diễn đàn “Công nghiệp hỗ trợ VN lần thứ 6” cho biết vào tháng 10 sẽ tổ chức 3 hoạt động gồm: “Triển lãm Liên minh các DN ngành công nghiệp hỗ trợ”, “Metalex Vietnam” và “Nepcon Vietnam”. Các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ các đại biểu từ nhiều quốc gia và có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó còn được giới thiệu những nội dung, xu hướng và ý tưởng mới của các công nghệ mới. Đây sẽ là hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả và đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp hỗ trợ VN bằng cách đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đầu ra hợp lý, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, liên kết với các công ty nước ngoài tại VN…
Theo NCĐT