Cả chính phủ và doanh nghiệp sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hoá Chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam – Nhật Bản vừa được Thủ tướng phê duyệt gần đây, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế nhận định.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá nói: “Chính phủ Nhật Bản, cũng như doanh nghiệp Nhật Bản chỉ tham gia vào chiến lược này của Việt Nam nếu họ thấy có lợi. Họ hợp tác với Việt Nam trên tinh thần hai bên cùng có lợi”.
Nhận định của ông Bá đưa ra tại hội thảo do CIEM tổ chức ngày 8-8 để giới hiệu Chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam – Nhật Bản do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đầu tháng 7 vừa qua.
Chiến lược này đặt mục tiêu sáu ngành công nghiệp ưu tiên gồm điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thuỷ sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô sẽ có giá trị sản xuất tăng 20%/năm và đóng góp 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận xét, tất cả các ngành này là các ngành Chính phủ muốn phát triển và doanh nghiệp cũng rất quan tâm.
Bà Anh nói: “Sáu ngành này có vai trò dẫn dắt và thu hút đầu tư. Sự lựa chọn này phù hợp với cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản”.
“Nói là chiến lược Việt Nam – Nhật Bản, nhưng Việt Nam không phải chỉ thu hút đầu tư từ Nhật Bản mà còn từ tất cả các nhà đầu tư khác”, bà Tuệ Anh giải thích thêm.
Bà cho biết, ngành công nghiệp xe máy, lĩnh vực đang được các doanh nghiệp Nhật Bản thống trị với tỷ lệ nội địa hoá lên trên 90%, đang phát triển tốt và đã có khả năng cạnh tranh nên không cần sự hỗ trợ, và không được đưa vào 6 ngành ưu tiên.
Ông Bá bày tỏ quan tâm đến ngành ô tô vốn đang chịu nhiều thăng trầm ở Việt Nam do chính sách luôn thay đổi và quy mô thị trường nhỏ bé.
Ông chỉ ra kinh nghiệm ở Malaysia, quốc gia vẫn đang chật vật với việc phát triển công nghiệp ô tô, cho dù Chính phủ đã đưa ra quy định rất ưu đãi là ô tô mua bằng tiền ngân sách nhà nước phải là ô tô do Malaysia sản xuất.
Viện trưởng Lê Xuân Bá đặt câu hỏi: “Việt Nam có thể làm theo cách này để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô không? Đó là tôi chưa nói đến nay tăng thuế, mai tăng phí,…”
Ông cho biết, khi xây dựng chiến lược, phía Nhật Bản không tỏ ra thích thú với việc đưa ngành công nghiệp ô tô vào diện ưu đãi do thời gian mở cửa nền kinh tế đến năm 2018 còn rất ngắn, và chính sách lại tỏ ra luẩn quẩn.
“Tất cả những ngành khác cũng cần chính sách cụ thể, chứ chỉ nói ưu tiên suông thì không thuyết phục được doanh nghiệp đầu tư đâu”, ông nói.
“Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cần có chính sách ưu tiên cụ thể, chẳng hạn ưu tiên thuế là ưu tiên bao nhiêu, cấp đất trong thời gian bao lâu, hay lại kéo dài năm này sang năm khác”.
Ông Phạm Chí Trung, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Hà Nội cho rằng, cần phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, chẳng hạn tỷ lệ nội địa hoá cho 6 ngành này là bao nhiêu, và việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho 6 ngành này như thế nào.
“Chúng ta rất cần hỗ trợ của Nhật Bản vì đây là đất nước của công nghệ nguồn và công nghệ lõi. Chúng ta phải tận dụng sự hợp tác với Nhật Bản để tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển khoa học công nghiệp chứ nếu chỉ trông vào sự hỗ trợ bằng vốn đầu tư thì chúng ta cứ mãi xuất khẩu hộ mà thôi”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Bá cho rằng, xây dựng công nghiệp hỗ trợ không đơn giản, nó đòi hỏi máy móc, thiết bị, hợp kim,… “. Chúng ta có rất nhiều nhà máy thép, nhưng chưa có nổi một nhà máy sản xuất thép chế tạo”, ông nói.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6-2013, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 1.990 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 32,7 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 1 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án của Nhật Bản đang chiếm tỷ lệ tới gần 84% trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. |