Cuộc chiến “nghẹt thở” giữa các ứng dụng OTT

viber.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến sẽ tiếp tục căng thẳng cho đến cuối năm nay, và thời điểm này sẽ xác định chính thức “quán quân” của ứng dụng OTT tại Việt Nam. Ảnh: Internet.

 Nếu như trong năm 2011-2012, dù cuộc đua ứng dụng OTT giúp chat, gọi điện miễn phí qua Internet đã bắt đầu nhen nhóm với iMessenger, ChatOn, WeChat… nhưng phải đến năm 2013, với sự bùng nổ của các ứng dụng OTT thì các nhà mạng mới bắt đầu “giật mình” về mối đe dọa này đến các dịch vụ truyền thống như SMS, thoại.

Cuộc đua giành thứ hạng số 1

Chúng ta có thể tạm thời chia cuộc chiến giữa các ứng dụng OTT ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ giữa năm 2012 đến 30/1, WeChat và Facebook Messenger đã gần như giữ 2 vị trí dẫn đầu suốt một thời gian dài. Zalo, khi đó còn mang tên Zing chat thì loay hoay với phiên bản 1, chỉ cho phép đăng nhập bằng tài khoản Zing Me và coi ứng dụng này giống như phiên bản Mobile của Zing Me. Lúc này, cuộc chiến ngoài WeChat với độ phủ khá dày đặc ra thì không có gì đặc biệt.

Giai đoạn 2 được đánh dấu từ tháng 1/2013 khi Zalo làm lại phiên bản mới theo đúng tinh thần “mobile first”, Line bắt đầu “ra hoa” sau một thời gian đã và đang “đốt”  một đống tiến. Tuy nhiên, điểm nhấn và bước ngoặt của giai đoạn này xuất hiện từ ngày 30/1, khi WeChat phiên bản tiếng Trung bắt đầu bị lộ ra có “đường lưỡi bò” cùng với tinh thần “nói không với hàng Tàu” nên WeChat, ứng dụng top đầu của giai đoạn 1đã tụt dốc không phanh. Sau khi loại được đối thủ lớn, trừ Viber, Zalo vẫn ở vị trí cao từ trước, các ứng dụng khác như Kakao Talk, Line đều vươn lên mạnh mẽ trong quãng thời gian này trên iOS và Android.

Mặc dù vậy, trong khi chỉ có Line do đầu tư truyền thông “khủng” nên đã giữ vững được vị trí cao trên cả 2 bảng xếp hạng. Còn Kakao Talk, mặt trận truyền thông khá im ắng nên lên xuống khá thất thường trên iOS và lên hạng không quá nhiều trên Android.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2013, Line không còn đứng ở 2 vị trí dẫn đầu trên Android và iOS mà tụt xuống vị trí thứ 4-5 trong bảng xếp hạng Social Networking (iOS) và Communication (Android), còn Kakao Talk, sau hiệu ứng quảng cáo liên tục trên giờ vàng, xe bus, sân bay… nên thứ hạng tăng mạnh mẽ, thậm chí còn vượt cả Zalo trên iOS để đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Social Networking (từ 11/4) và đứng trong top 3 bảng xếp hạng Communication.

Cuộc đua về truyền thông

Dù Zalo (VNG) thua Kakao Talk (Kakao Corp), Line (NHN) về tài chính nhưng truyền thông bài bản, chuyên nghiệp hơn hẳn, từ thông điệp “sự lãng mạn khi đối đầu với các ông lớn” cho đến cách đi bài trên các báo, blogger dù với giá rẻ hơn hẳn so với của 2 ứng dụng còn lại. Đó chưa kể đến khá nhiều “chiêu trò” như vụ TVC Ngọc Trinh, từ bài báo “trai lạ” cho đến Ngọc Trinh dùng Zalo.

Mặc dù vậy, rõ ràng trong cuộc chiến này, VNG là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đủ tiềm lực tài chính để đua cuộc đua này với các bạn nước ngoài, VTC dù có tham gia nhưng vẫn là liên minh với Kakao Talk với mức 50-50. Điều này cũng được chính ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng Giám đốc VC Corp khẳng định khi cho rằng:”hiện đã có quá nhiều công ty tham gia thị trường OTT gồm cả nội và ngoại, lại mất tiền tỷ để quảng bá nữa trong khi mô hình kinh doanh chưa rõ ràng, thị trường quá đông người tham gia và khoản tiền đầu tư  quá lớn. VC Corp chưa đủ lực dù thị trường cũng lớn, cũng hấp dẫn”. Sở dĩ tại sao VNG có thể kí được các hợp đồng với mức giá sát với giá trị thực như vậy là do đã có sẵn các mối quan hệ tốt từ trước với báo giới, blogger và các ngôi sao, trong khi các doanh nghiệp ngoại do không có nên thường phải kí với mức giá cao hơn hẳn, thậm chí còn gấp đôi cho đến gấp rưỡi hợp đồng ký với VNG.

Còn ứng dụng Line là minh chứng rõ nhất cho sự “đốt tiền” trong truyền thông để lên thứ hạng cao và tụt dốc khi các chiến dịch truyền thông bắt đầu giảm bớt. Các bài viết trên truyền thông cũng không tạo ra sự nổi bật và khác biệt. Hình động (sticker) là một thứ rất dễ sao chép và không giữa chân được người dùng lâu dài. Game thì chủ yếu là các game của Line và khá nhiều người than phiền về “rác” khi để lẫn lộn thông báo game và các dòng chat của người dùng.

Với Kakao Talk, truyền thông của ứng dụng này khá rời rạc và kém hiệu quả hơn cả Line. Đầu mối báo chí không rõ ràng và chưa có bất kì buổi gặp mặt nào với báo chí, nhiều phóng viên trong ngành đã hỏi người viết xem liên hệ Kakao thì phải liên hệ với ai nhưng thực sự không biết nên đưa thông tin Agency, VTC hay trực tiếp đại diện Kakao Corp ở Việt Nam. Thứ hạng cao trong tháng 4 xuất phát từ hiệu ứng quảng cáo và nếu hiệu ứng qua đi thì chắc chắn Kakao Talk sẽ đi xuống. Đó là chưa kể đến, ở một chừng mực nào đó vẫn có sự phối hợp không ổn giữa Kakao, VTC Online và agency.

Đấy là truyền thông cho tập người dùng đã sử dụng smartphone. Còn tập người dùng mới, dù một số đơn vị đã “mai phục” tại một số shop bán lẻ điện thoại lớn nhưng có vẻ chưa hiệu quả lắm, khi không thấy băng rôn quảng cáo “ầm ầm” hay có sẵn một gian hàng trong các shop giống như cách Bkav hay làm.

Người viết cũng đã thử tìm kiếm trên Google một số từ khóa thông dụng như “ nhắn tin miễn phí”, “SMS miễn phí”, “gọi điện miễn phí” thì chưa thấy các ứng dụng OTT áp dụng để tăng thứ hạng hay quảng cáo, một số từ khóa vẫn thấy xuất hiện tên “Viber” ngay từ những kết quả đầu tiên. Cách làm SEO (Search engine optimization-tối ưu hóa từ khóa tìm kiếm) trên Google vẫn được các site mua sắm theo nhóm áp dụng trong cuộc chiến của các website này như muachung, hotdeal hay nhommua.

Cuộc chiến sản phẩm

Trong số các ứng dụng OTT, nhiều ý kiến cho rằng, WeChat vẫn là sản phẩm ngon lành nhất nếu bỏ qua yếu tố TQ vì tính năng khá đơn giản và tập trung nên đáp ứng được phần lớn nhu cầu và rất ít người sử dụng Việt Nam đưa ra lời phàn nàn sau khi dùng. Đó là chưa kể đến tính năng tin nhắn thoại với chất lượng khá tốt.

Zalo dù sản phẩm không có nhiều điều phải phàn nàn nhưng màu sắc sản phẩm khá nhợt nhạt, sticker chưa có bản sắc khiến người dùng phải nhớ đến như Line hay Kakao Talk. Điểm này là một điểm trừ khá lớn mà Zalo phải khắc phục trong thời gian tới. Một số giải pháp có thể tính đến là các bộ sticker sao Việt như Ngọc Trinh, Chipu…

Còn ứng dụng Line, gần đây bị than phiền khá nhiều về việc liên tục bị lag (nếu không nhầm thì từ tháng 2/2013), kiểu như nhận được thông báo có tin nhắn nhưng vào trong ứng dụng thì không thấy. Đây là hiện tượng khiến người dùng cực kì chán, bản thân người viết cũng không muốn dùng khi thường xuyên gặp hiện tượng như vậy.

Chưa kể đến, Line và Kakao Talk cũng gặp một lời phàn nàn về sản phẩm chạy hơi nặng so với Whatsapp hay Viber.

Theo ICTnews