Trước sức ép của thương mại điện tử, ngành bán lẻ đã có những thay đổi mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã quyết liệt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để đáp ứng phong cách tiêu dùng mới của khách hàng, một số khác lại làm cho thương mại điện tử trở nên cá nhân hóa.
• Amazon: Nhà tiên phong về thương mại điện tử
Amazon đã góp phần nâng cao chuẩn mực mua sắm, khiến những nhà bán lẻ khác phải nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Khởi sự kinh doanh với mặt hàng sách, nay Amazon đang bước chân vào lĩnh vực thực phẩm và thời trang và có thể hình thành siêu cửa hàng trực tuyến đầu tiên trên thế giới. Công ty đang nỗ lực thực hiện việc giao hàng trong ngày và điều này có thế thay đổi hoàn toàn thế giới bán lẻ nếu thành công.
• Pinterest: Thay đổi cách thức tiếp thị sản phẩm
Pinterest là mạng xã hội nơi mọi người có thể chia sẻ sở thích của nhau, bằng cách “gắn” những bức hình liên quan đến sở thích đó lên những “tấm bảng” ảo, sắp xếp chúng thành các nhóm ý tưởng và chia sẻ đến mọi người. Các công ty bán lẻ như Etsy (kinh doanh sản phẩm thủ công) và Whole Foods (bán thực phẩm tươi) đã thu lợi từ trang này. Các nhà bán lẻ khổng lồ khác như Target hay Gap cũng đã thay đổi các chiến dịch tiếp thị để gắn với Pinterest.
• eBay: Nhà cách mạng về thanh toán
Cổng thanh toán trực tuyến PayPal của eBay đã làm thay đổi cách thức chi trả hóa đơn của người tiêu dùng. Những sự cải tiến gần nhất còn bao gồm chương trình hợp tác với McDonald cho phép khách hàng trực tuyến trả phí trước. Rất nhiều chương trình tương tự sẽ được tung ra tại Mỹ trong năm nay.
• Opensky: Đem đến những sự trải nghiệm thú vị cho khách hàng
Opensky là một mạng xã hội với hơn 2,5 triệu thành viên chia sẻ cùng nhau những khám phá, kinh nghiệm mua sắm cũng như những hàng hóa độc đáo, phù hợp với sở thích cá nhân. Các thành viên tự tạo cho mình một nhóm mua sắm bằng cách kết nối với bạn bè của họ và các trang kinh doanh nội bộ như Bobby Flay hay Martha Stewart nhằm tạo ra sự trải nghiệm mua sắm cá nhân. Họ cũng có thể truy cập được các thông tin độc quyền, nhận thông tin tư vấn và giới thiệu sản phẩm từ những thành viên mà họ tin tưởng.
• Shopify: Nơi khởi tạo gian hàng điện tử
Shopify là nơi mà bạn có thể ghé đến nếu có ý tưởng kinh doanh trực tuyến vì các nhà quản trị trang web này bảo đảm có thể giúp bạn xây dựng một trang web thương mại mang tính thẩm mỹ cao chỉ trong vòng 20 phút. Các tính năng tiện ích của Shopify giúp cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và nhà kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận với thương mại điện tử một cách dễ dàng hơn.
• Blue Nile: Kim cương cho khách hàng bình dân
Với cửa hàng trang sức trực tuyến Blue Nile, Internet không chỉ là nơi khách hàng đặt mua những món hàng có giá trị thấp mà họ còn có được thông tin tư vấn về những mẫu sản phẩm đa dạng với giá cả hấp dẫn.
Tận dụng những lợi thế của kinh doanh trên mạng, cùng với kiến thức chuyên sâu về kim cương, Blue Nile đang nhắm vào một phân khúc thị trường mới – kim cương cho khách hàng bình dân. Bước đi mới nhất của Blue Nile là cung cấp một chương trình ứng dụng chạy trên dòng điện thoại iPhone giúp khách hàng chọn mua đồ trang sức một cách thuận tiện và dễ dàng.
• Shopkick: Sáng tạo những trải nghiệm mua sắm
Shopkick là một phần mềm ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động dựa trên địa điểm thực. Ứng dụng này sẽ tự động nhận dạng qua điện thoại và cộng điểm thưởng (kick) cho khách hàng khi mua sắm tại các cửa hàng có liên kết với công ty như Crate & Barrel, Target and Old Navy thay vì phải mang theo thẻ khách hàng thân thiết. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và trang web của Shopkick mà những nguyên tắc phức tạp trong quá trình làm thẻ thành viên sẽ không còn là trở ngại đối với khách hàng.
• Openhouse: Cung cấp nơi bán hàng lý tưởng
Openhouse cung cấp địa điểm cho các cửa hàng bán lẻ, một xu thế kinh doanh ngày càng phát triển trên thế giới. Là một trong những công ty tập trung chuyên sâu cho xu hướng kinh doanh bán lẻ, Openhouse mang đến cho các nhà phân phối địa điểm lý tưởng cho việc bán hàng.
• Stylitics: Nhà tư vấn cho tủ quần áo của khách hàng
Stylitics là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ sắp xếp tủ quần áo của khách hàng. Trang web của Stylitics cho phép khách hàng lập một tủ quần áo ảo, qua đó họ có thể lên kế hoạch phối màu trang phục cho cả tuần hoặc liệt kê những món đồ mình muốn mua. Trang web này thu lợi nhuận từ việc tập hợp các thông tin từ người sử dụng và sau đó bán lại cho các hãng thời trang và nhà bán lẻ.
• 20X200: Kho tàng nghệ thuật trực tuyến
20X200 là một trang web thương mại điện tử cho phép những người đam mê thiết kế trở thành một nhà sưu tầm nghệ thuật. Ý tưởng chính là đưa các tác phẩm nghệ thuật có giá cả phải chăng vào những bộ sưu tập nghệ thuật, đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và nghệ sĩ.
• Bib+Tuck: Đưa văn hóa “thời trang nhanh” vào cuộc sống
Bib+Tuck là trang web chỉ cho phép các thành viên mua, bán và kinh doanh mặt hàng quần áo theo xu hướng “thời trang nhanh” (Fast Fashion) – trào lưu thời trang mang tính tiện dụng và đang được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Theo Thesaigontimes