Theo đánh giá của các chuyên gia, định giá tài sản trí tuệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong việc giúp doanh nghiệp (DN) biết được giá trị tài sản trí tuệ của mình, từ đó có những quyết sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, tài sản trí tuệ không thể xác định được bằng những dấu hiệu vật chất nên việc định giá rất phức tạp và khó khăn.
Tìm quy chuẩn chung
Theo bà Phan Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ HAVIP, định giá tài sản trí tuệ là một công việc quan trọng bởi đó là căn cứ để định giá DN khi sáp nhập, mua lại DN, cổ phần hoá DN, định giá DN trong quản lý tài sản, mua, bán cổ phiếu, báo cáo cổ đông…
Nếu các DN định giá được tài sản trí tuệ thì sẽ đạt được hiệu quả tối ưu trong khai thác thương mại các tài sản vô hình. Tuy nhiên, việc định giá các tài sản vô hình như tài sản trí tuệ là rất khó khăn vì giá trị của chúng phụ thuộc vào các nguồn thu hiện tại hoặc được dự kiến trong tương lai.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Vinh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc khó định giá tài sản trí tuệ là do chưa có quy chuẩn chung. Việc lựa chọn phương pháp để định giá của các doanh nghiệp tham gia định giá cũng rất khác nhau, cùng một loại tài sản nhưng mỗi nơi có một phương pháp riêng và thường sẽ cho ra kết quả khác nhau. Khi các kết quả khác nhau có sự chênh lệch lớn thì việc lựa chọn kết quả nào cũng là cả một vấn đề. Điều đó phần nào cũng làm giảm uy tín của các tổ chức định giá đối với khách hàng.
Một khó khăn nữa là những phương pháp định giá tài sản trí tuệ không được công bố rộng rãi trên các phương tiện tra cứu thông thường, nên việc hiểu và áp dụng để định giá tài sản trí tuệ càng trở nên phức tạp. Như vậy, một thị trường hạn chế sẽ không tìm ra được giá trị thật của một tài sản trí tuệ.
Do vậy, tìm ra “chuẩn” chung để định giá tài sản trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, từ đó hình thành và phát triển thị trường KHCN. Vấn đề định giá tài sản trí tuệ đã trở thành mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả với các nhà hoạch định chính sách, những người sáng tạo, người làm công tác quản lý hoạt động sáng tạo ở các trường đại học, viện nghiên cứu.
Sẽ có “kim chỉ nam” hướng dẫn
Trong những năm qua, Bộ KHCN đã bước đầu nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, từng bước triển khai, áp dụng các phương pháp xác định giá trị đối với một số tài sản trí tuệ. Hiện, Bộ KHCN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ có nguồn gốc hoặc có liên quan đến ngân sách Nhà nước. Từ đó tạo hành lang pháp lý cho hoạt động có tính chất định lượng này, góp phần thúc đẩy việc tạo lập, phát triển thị trường KHCN và hệ thống các doanh nghiệp KHCN.
Kỹ thuật xác định tài sản trí tuệ sẽ được xác định theo 3 phương pháp mang tính thông lệ quốc tế là chi phí, thị trường và thu nhập.
Tùy thuộc vào loại tài sản trí tuệ để áp dụng 1 trong 3 phương pháp nói trên. Có những tài sản trí tuệ đã có thị phần trên thị trường như thương hiệu của Cocacola, Microsoft thì người ta phải xác định theo phương pháp thị trường hay thu nhập, nhưng có những tài sản trí tuệ chưa có thị trường, chưa được người tiêu dùng biết đến thì lại dùng phương pháp chi phí để làm sao giữ được giá trị của tài sản mà Nhà nước đã đầu tư, đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu của các tài sản đó chính là các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho rằng, vấn đề xác định giá trị và định giá tài sản trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, nếu không có quy định về xác định giá trị tài sản trí tuệ từ nguồn ngân sách Nhà nước thì toàn bộ kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước đã thành công không thể đi vào thị trường được. Và nếu đi vào thị trường thì cũng phải đi bằng con đường không chính thức và cả Nhà nước, các nhà khoa học đều phải chịu thiệt thòi, không đảm bảo được quyền lợi của 3 bên Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Như vậy, Thông tư chuẩn bị ban hành được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề mang tính thị trường của KHCN là thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đảm bảo quyền lợi của chủ nhân tài sản trí tuệ.
Theo Vietnamnet