“Dấu chân” trên mạng

Dù bằng bất cứ cách nào, với bất cứ thiết bị nào, bạn đang để lại những dấu vết “kỹ thuật số” rất khó xóa bỏ theo sau mỗi hoạt động của mình trên môi trường mạng.

 

“Trần trụi” với Internet

Trước khi đọc chuyên mục này, bạn hãy thử làm một động tác nhỏ để mường tượng trước về những cảnh báo mà chúng tôi sẽ mang đến cho bạn. Chắc chắn rằng mỗi người trong chúng ta mỗi ngày, thậm chí nhiều lần một ngày, đều nhấn chuột tìm kiếm một thứ gì đó trên Internet, mà cụ thể là qua công cụ Google Search. Đó có thể là công thức một món ăn ngon, tên một quán café đẹp mà bạn muốn đến, một bài nhạc mới đang nằm trong top nhạc “hot” của tháng, một khái niệm mà bạn mới nghe lần đầu… nói chung là đủ thứ trên đời, đúng như câu cửa miệng của dân mạng” “Cái gì không biết thì hỏi Google”.

Nhưng bạn đã có bao giờ thử “google” chính tên của mình? Nếu chưa, hãy thử và nghiên cứu những kết quả mà cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới này trả về. Chắc chắn, sẽ có nhiều điều khiến bạn phải bất ngờ.

Trước khi thực hiện việc này, hãy đăng xuất ra khỏi tài khoản Google, để có được cái nhìn công bằng nhất, tương tự như một người “không phải là bạn” đang tìm kiếm tên của chính bạn. Các kết quả trả về của Google sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố:
– Tên của bạn phổ biến như thế nào
– Bạn đã cung cấp bao nhiêu thông tin cá nhân trên môi trường Internet (trên Facebook, LinkedIn, các diễn đàn, mạng xã hội…)
– Có bao nhiêu thông tin mà người khác viết về bạn (trên mạng xã hội, trên báo chí, trên website thông tin của công ty…)
Bản thân người viết đã làm thử bước này, và những kết quả trả về từ Google bao gồm:
– Trang Facebook “chính chủ” hiển thị ngay trong top 3 kết quả đầu tiên. Từ trang Facebook này, người dùng ẩn danh có thể truy cập được toàn bộ các thông tin được chia sẻ dưới chế độ “Công khai”, bao gồm: hình đại diện, các mối quan hệ, trình độ học vấn, nơi làm việc, địa chỉ mail…
– Tài khoản Youtube với lịch sử đầy đủ những video đã đăng, đã thích, những kênh đã nhấn “Theo dõi” và một playlist các video muốn xem.
– Và nếu một ai đó, chịu khó tìm kiếm thêm với từ khóa “Foursquare”, sẽ có thể vẽ nên một bức chân dung rõ nét về lịch trình làm việc hằng ngày, sở thích, các món ăn khoái khẩu… của người viết thông qua các “check-in” trên mạng xã hội này. Thậm chí có thể đoán được “độ sâu” của túi tiền thông qua đẳng cấp của những nơi thường lui tới.

Đó là một cảm giác gây “sốc”, đặc biệt khi bạn đột nhiên thấy mình quá “trần trụi” trên Internet.

“Dấu chân tròn” trên mạng

Ngày nay, mỗi khi đặt chân vào Internet, dù bất cứ với hình thức hoặc kết nối nào, đồng nghĩa với việc thiết bị của bạn đang có những cuộc trao đổi không ngừng với các máy tính hay server dữ liệu khác. Điều này dẫn đến việc bất cứ hoạt động nào của bạn trên Internet đều sẽ để lại những “dấu vết số”, được lưu trữ trên server dữ liệu và trong thiết bị của bạn (máy tính, smartphone, máy tính bảng…) của bạn dưới dạng các cookies.

Trong vòng 24 giờ qua bạn đã làm gì? Chắc chắn bạn đã kiểm tra email, hồi đáp vài thư nào đó, cập nhật trạng thái, tiện thể like hoặc comment trên Facebook, bức xúc và “đáp gạch” lại một video làm bạn “ngứa mắt” trên Youtube, đọc vài tin giật gân trên báo mạng, thanh toán mớ hóa đơn điện nước qua dịch vụ Internet Banking… Tất cả những thứ này, dù muốn hay không, đều để lại dấu vết trên môi trường Internet. Và tựa như khi bạn đặt chân lên mặt đất ẩm, những “dấu chân trên mạng” này rất khó để làm sạch hoàn toàn.

Tất cả dữ liệu được đưa lên Internet sẽ luôn tồn tại mãi trên Internet và nó sẽ dễ dàng được người ta khai thác, vì nhiều mục đích khác nhau. Một kẻ trộm danh tính sẽ dễ dàng “câu” được bạn nhấp chuột vào đường link chứa mã độc bằng một email thân quen, với nội dung đánh trúng vào sở thích hoặc thói quen – với những dữ liệu mà họ thu thập được trên Internet. Từ đó sẽ mở ra cánh cổng để khai thác tất tần tật mọi thông tin trong máy tính của bạn.

Một nghiên cứu tại Mỹ vào năm 2008 cho thấy rằng có 26% các nhà tuyển dụng dùng công cụ tìm tiếm trên Internet để nghiên cứu về các ứng viên tiềm năng, và con số này tăng đến 45% vào năm 2009. Tất nhiên, tất cả những dấu vết trên Internet mà bạn để lại sẽ ảnh hưởng tốt – xấu đến cơ hội nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra những thông tin cá nhân, thói quen, sở thích, hoặc tất tần tật về bạn sẽ được khai thác tối đa để tiếp thị, quảng cáo dựa trên hành vi và các thuộc tính của người dùng với mục đích đưa thông điệp đến đúng đối tượng, địa điểm và thời điểm. Đây cũng chính là lí do vì sao bạn luôn bắt gặp những quảng cáo “gãi” rất đúng chỗ ngứa mỗi khi sử dụng Youtube, Google hay Facebook…

Vậy Google biết về bạn đến mức nào? Google sẽ lưu tất cả dữ liệu gồm những website bạn đã truy cập, từ khóa bạn tìm kiếm, các bản đồ, email, địa chỉ liên lạc, lịch và lưu lại cả lịch sử tin nhắn, các cuộc gọi ở Google Voice, video trên YouTube và hình ảnh trên Picasa. Bên cạnh đó, những tài liệu lưu trực tuyến trong tài khoảng Gmail, cập nhật trạng thái trên Google+ hoặc nếu dùng điện thoại Android đồng nghĩa với việc Google sẽ có thêm dữ liệu của bạn. Tóm lại, nếu sử dụng càng nhiều dịch vụ miễn phí của Google, bạn sẽ góp thêm lượng thông tin ngày càng dồi dào cho Google. Đây có thể không phải là nguy cơ, nhưng vẫn khiến bạn trở thành một “con cừu” bị chăn dắt bởi những gã khổng lồ Internet.

Theo Pcworld