Thách thức là phải đổi mới và sáng tạo liên tục.
Kinh tế đang rất khó khăn nhưng các DN vẫn còn tiềm năng để đảm bảo tăng trưởng và tạo ra giá trị bằng cách khai thác đổi mới… Trên thực tế, việc đổi mới là một điều rất khó khăn cho bất cứ DN nào vì không chỉ tạo sự tăng trưởng về doanh thu mà phải tăng trưởng ở cả lợi nhuận.
Bài học từ các DN thành công, cho thấy, cơ hội tăng trưởng lợi nhuận đến từ hai phía: trong tổ chức và ngoài tổ chức. Trong tổ chức (nội bộ DN) gồm: nghiên cứu phát triển truyền thống, việc tạo ra giá trị mới, mở rộng thị trường cũng như đa dạng hóa sản phẩm.
Việc nghiên cứu phát triển truyền thống sẽ giúp tăng cường sức mạnh cốt lõi, còn tăng trưởng ngoài tổ chức (đến từ hoạt động M&A và các dự án kinh doanh trong khi việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm) chính là “cỗ máy” giúp tăng trưởng.
Việc mua lại và đầu tư có chọn lọc cũng sẽ giúp DN tăng trưởng trong thời điểm khó khăn này. Điều thách thức đối với DN Việt Nam hiện nay là làm thế nào để đổi mớI sáng tạo liên tục mới có thể cạnh tranh với các DN, tập đoàn đa quốc gia.
Một khảo sát của Công ty PricewaterhousCoopers (PwC) cho thấy sự bức thiết về đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường. Nhưng đổi mới không chỉ ở sản phẩm mà DN phải tạo ra sự khác biệt dựa trên đổi mới trong công nghệ, trải nghiệm khách hàng, hệ thống và quá trình, mô hình kinh doanh, dịch vụ, chuỗi và kênh phân phối.
Chiến lược đổi mới là yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công mục tiêu của DN, vì thế, phải nằm trong chương trình hành động của CEO. Tuy nhiên, để thành công đòi hỏi sự kết hợp của tất cả các yếu tố và thành phần trong tổ chức, từ tổng giám đốc cho đến nhân viên.
Tuy nhiên, đổi mới chỉ có thể mang lại các giá trị tốt nhất khi toàn bộ chuỗi, từ chiến lược kinh doanh cho tới thực hiện và mục tiêu kinh doanh là thống nhất. Việc đổi mới mô hình kinh doanh phải bắt đầu từ nhận thức, kế hoạch thực việc và việc quản trị công ty.
Air Asia là một trường hợp đổi mới thành công mà các hãng hàng không trên thế giới đều học hỏi. DN này thay đổi toàn bộ sản phẩm, cắt giảm chi phí để đưa giá vé rẻ và mang trải nghiệm cho người dùng. Hãng này đã biết khai thác thị trường khi đánh vào đối tượng khách hàng ít đi lại bằng hàng không.
Trong kinh doanh, nếu chúng ta chỉ bán sản phẩm giá rẻ mà không có những biện pháp cũng như dịch vụ hỗ trợ đi kèm thì cũng không thực hiện được.
Vậy làm thế nào để thực hiện đổi mới? Trước hết, DN phải xác định được nhu cầu và khả năng đổi mới. Trong đó, việc xác định chiến lược kinh doanh, giới hạn đổi mới và chiến lược đổi mới là đều không thể không thực hiện. Tiếp đó, triển khai mô hình tổ chức và lên kế hoạch thực hiện.
Đổi mới cần được quản trị như một bộ phận chức năng gắn liền với mục tiêu và chiến lược kinh doanh. DN phải biết chiến lược kinh doanh của công ty mình là gì, DN đang đi đến đâu và làm thế nào để đi đến đó.
Bên cạnh đó, cũng cần xác định mục tiêu tăng trưởng như thị trường sẽ tạo ra tăng trưởng bao nhiêu, kế hoạch hiện tại sẽ tạo ra tăng trưởng như thế nào và tổ chức cần đạt bao nhiêu để lấp đầy khoảng cách giữa vị thế và kỳ vọng của DN.
Phát triển và đổi mới của DN Việt Nam sẽ tạo ra đột phá về tiềm năng lợi nhuận, trong đó, doanh thu sản phẩm mới tăng 20-40%, thời gian tiếp thị nhanh hơn 40-60%, chi tiêu lãng phí giảm từ 50-80%, hiệu suất R&D tăng 25-30%, và năng suất dự án tăng 40-100%. |
Giới hạn của đổi mới cần được xác định đúng đắn nếu không quá trình đổi mới sẽ khó quản trị. DN phải xác định được lĩnh vực tốt nhất để đổi mới cũng như cơ hội đổi mới nào đủ tạo ra tăng trưởng và những ai cần đổi mới…
Trong các đổi mới, đổi mới về công nghệ là quan trọng nhất vì nó cho thấy sẽ tung ra thị trường những sản phẩm như thế nào và thu lại lợi nhuận ra sao. Trên thực tế, công nghệ đã làm ra những cuộc cách mạng! Apple thành công vì họ đã tạo ra iPad, iPhone và cả một hệ thống dịch vụ đi kèm.
Quan trọng nhất là Apple hiểu người tiêu dùng cần gì! Trên thực tế, đôi khi có những DN ít quan tâm đến người tiêu dùng như thế nào và sản phẩm của họ tác động đến hành vi tiêu dùng ra sao.
Hiện nay, Việt Nam đang có cơ hội để phát triển vì tầng lớp trung lưu đang nổi lên. DN cần hiểu nhu cầu của tầng lớp người tiêu dùng này. Nếu hiểu và tung ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của họ thì sẽ thành công.
Các chuyên gia cho rằng, chiến lược đổi mới là nhân tố quyết định để thực hiện thành công và đạt được mục tiêu. Nike được đánh giá là một trong năm thương hiệu trên toàn cầu thành công về đổi mới, sáng tạo.
Thương hiệu này không chỉ cải tiến sản phẩm, đưa ra thị trường những đôi giày đẹp, chất lượng, thời trang mà họ còn bán cả những băng đeo tay có thể kết nối với máy tính và kết nối cộng đồng những người sử dụng sản phẩm của họ. Nike cho biết, họ dùng tất cả các nguồn lực từ nhà sản xuất, tiếp thị, phân phối… để đổi mới.
Steve Jobs đã từng cho rằng: “Đổi mới không liên quan đến số tiền bạn dành cho nghiên cứu và phát triển là bao nhiêu. Khi Apple ra sản phẩm Mac thì IBM đang dành ngân sách cao hơn ít nhất 100 lần cho nghiên cứu phát triển. Ở đây không phải là vấn đề tiền bạc. Đó là vấn đề về con người mà bạn có, về cách mà bạn được dẫn dắt và bạn đạt được bao nhiêu”.
Theo DNSG