Đừng để DN Việt làm dịch vụ trên mobile thảm bại như trên web

Zalo.jpg
Các ứng dụng trên di động “nội” như Zalo, Wala..sẽ tiếp tục thua nếu vẫn không có sự công bằng giữa các doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.

Đừng để DN Việt làm dịch vụ trên mobile thảm bại như trên web

Nhiều ý kiến cho rằng, do đối xử không công bằng, các sản phẩm nội như Zing Me, Go.vn.. đã ”hụt hơi” trước các sản phẩm tương tự nước ngoài. Vì thế, trên thị trường di động, Zalo, Wala… sẽ tiếp tục thua nếu các doanh nghiệp “ngoại” không bị “quản” về giấy phép, nội dung.

Tại Hội thảo dịch vụ OTT (Over The Top) trên hạ tầng băng rộng mới đây, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG cho biết, do Internet là một môi trường rất mở nên không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các giấy phép hay quy định, quản lý khác thì chỉ buộc các doanh nghiệp trong nước tuân theo mà không được áp dụng được cho doanh nghiệp ngoại. “Vấn đề này VNG đã trao đổi, góp ý nhiều lần với Bộ TT&TT trong quá trình xin ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet”, ông Minh cho biết thêm.

Ngoài ra, dù chúng ta không thể chặn tất cả các dịch vụ xuyên biên giới vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người sử dụng nhưng VNG mong muốn cơ quan quản lý sẽ đưa ra các chính sách để tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp nội và ngoại như cùng phải đăng ký giấy phép hay tuân theo các quy định của Việt Nam.

Cùng đề cập đến vấn đề này, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG cũng cho rằng, các dịch vụ trong nước của VNG như Zing Mail, Zing Me..tuân theo rất nhiều chế tài của cơ quan quản lý trong khi các dịch vụ tương tự của nước ngoài như Yahoo Mail, Gmail, Facebook..thì không gặp phải bất cứ chế tài quản lý nào cả. Từ đó dẫn đến việc người dùng sẽ thích và sử dụng các dịch vụ nước ngoài vì không bị quản lý. VNG hi vọng thời gian tới sẽ có quy định để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng “chơi” theo một luật để giúp CNTT Việt Nam phát triển. “Nếu cơ quan quản lý tiếp tục quản lý doanh nghiệp nội và ngoại như trên môi trường web thì VNG lo ngại chúng ta sẽ lại thua tiếp một lần nữa trên thị trường di động (mobile), giống như với thị trường mạng xã hội, máy tìm kiếm, email…dẫn đến thất thu về thuế và không quản lý được về an ninh”, ông Khải nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, phần lớn thị trường các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài và họ đang thu lợi nhuận lớn từ các dịch vụ này. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại không thực hiện các nghĩa vụ về thuế hay bị quản lý về nội dung như những đơn vị ở trong nước.

Trước đó, trao đổi với phóng viên ICTnews, đại diện một doanh nghiệp Internet lớn cũng cho rằng, bản chất các phần mềm như Whatsapp, Viber, WeChat…là các mạng xã hội  trên di động chứ không phải đơn thuần chỉ là một phương tiện để nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Do đó, để đảm bảo an ninh và rủi ro, cơ quan quản lý có thể đưa ra chính sách hỗ trợ cho các ứng dụng OTT trong nước để đối trọng, cạnh tranh với các phần mềm nước ngoài khi mà các doanh nghiệp nội địa có thể đưa ra những phần mềm với chất lượng tương đương. Bởi vì, nếu để các doanh nghiệp Việt Nam đấu “tay bo” thì với tiềm lực tài chính rất lớn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lại chiếm vị trí áp đảo như câu chuyện mạng xã hội Facebook với Zing Me, Go.vn và cơ quan chức năng lại vất vả để tìm cách quản lý.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khẳng định, Bộ TT&TT rất kiên quyết trong việc quản lý các doanh nghiệp xuyên biên giới, điều này thể hiện rõ trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet sắp được ban hành.Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng trong Dự thảo Nghị định này, việc quản lý các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã công bằng hơn rất nhiều. “Sau khi Nghị định được ban hành, nhà nước sẽ có tuyên bố và giao cho Bộ TT&TT đưa ra những quy định cụ thể hơn với mong muốn bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp trong nước”, ông Hải khẳng định.

Trong năm 2012, khi Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet được lấy ý kiến rộng rãi đã có rất nhiều luồng dư luận khác nhau về các quy định trong bản Dự thảo. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo Nghị định mới vẫn có nhiều điểm chưa rõ ràng và chưa tạo được sự công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại, như quá tập trung vào quản lý doanh nghiệp trong nước phần nội dung và dịch vụ. Trong khi đó, Dự thảo nghị định lại quá ưu ái doanh nghiệp nước ngoài, không tạo được sự công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại, thể hiện ở việc đã giảm mức độ nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 24 của Dự thảo). Theo bản Dự thảo Nghị định ngày 6/4, doanh nghiệp nước ngoài có nghĩa vụ buộc phải có văn phòng đại diện hoặc tư cách pháp nhân tại Việt Nam và đặt máy chủ tại Việt Nam, hay phải cam kết bằng văn bản xóa thông tin vi phạm và bảo đảm người sử dụng tại Việt Nam không truy cập, sử dụng những thông tin này. Sau 3 lần sửa đổi, đến đầu tháng 5, những nghĩa vụ quy định với doanh nghiệp nước ngoài này đã không còn và được thay bằng những nghĩa vụ ở mức độ nhẹ hơn như thành lập văn phòng hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam, phối hợp xóa thông tin vi phạm và cung cấp thông tin người dùng khi cơ quan điều tra yêu cầu.

Về phương thức quản lý, đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng tinh thần của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97 đang thiên theo phương thức hành chính (doanh nghiệp phải có đầy đủ yêu cầu mới cấp phép và buộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi cung cấp nội dung và dịch vụ trên Internet) và kiểm soát bằng việc thanh kiểm tra, nếu vi phạm sẽ xử phạt hành chính và rút giấy phép. Việc quản lý, kiểm soát bằng cách này sẽ chỉ có thể quản lý được doanh nghiệp trong nước, khi những đơn vị này phải xin giấy phép, chịu sự thanh và kiểm tra, mất giấy phép hoặc bị đóng cửa. Ví dụ, doanh nghiệp game trong nước bị giới hạn về nội dung, giờ chơi và cấm được đặt server ngoài biên giới cung cấp dịch vụ, trong khi đơn vị kinh doanh trò chơi trực tuyến nước ngoài không hề bị giới hạn.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lo ngại rằng, nếu quy định quá chặt chẽ thì sẽ có khả năng doanh nghiệp nước ngoài thấy phức tạp quá và quyết định đóng dịch vụ tại Việt Nam. Khi đó, đối tượng người dùng trong nước sẽ bị ảnh hưởng mạnh, người sử dụng khi cần dịch vụ thì chất lượng không tốt bằng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ICTnews