Dân “thắt” chi tiêu, ngân hàng và doanh nghiệp cùng khó

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu bằng cách đem tiền gửi ngân hàng. Điều này giúp hệ thống ngân hàng ổn định thanh khoản nhưng lại khó cho vay vì doanh nghiệp (DN) khó khăn khi khó tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến không phát sinh nhu cầu vay vốn. Không chỉ vậy, khó khăn của hộ gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Qua khảo sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NSFC) cho biết trong giai đoạn 2008 – 2012, tiền gửi ngân hàng của hộ gia đình (hay huy động từ khu vực dân cư) tăng khá ổn định đã hỗ trợ tích cực về thanh khoản cho hệ thống các TCTD trong nước. Tuy nhiên, vì thu nhập của hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và sự đình trệ của khu vực DN, nên tốc độ tăng huy động của khu vực này từ năm 2011 vẫn bị giảm. Bên cạnh đó, xu hướng thắt chặt chi tiêu của hộ gia đình đã góp phần khiến khu vực DN khó phục hồi.

Dân “kết” kênh gửi tiết kiệm

Theo NSFC, tiền gửi ngân hàng của hộ gia đình tăng khá ổn định đã hỗ trợ tích cực về thanh khoản cho hệ thống các TCTD trong giai đoạn 2008 – 2012. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong năm 2012. Nếu như năm 2012, huy động từ khu vực dân cư tăng 22,01%, thì đến 30/4/2013, tỷ lệ này vẫn đạt 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu huy động dân cư/tổng tài sản các TCTD đã tăng 7,96 điểm phần trăm, từ 27,32% năm 2008 lên 35,29% năm 2012, và đáng lưu ý đây là giai đoạn hệ thống TCTD gặp phải nhiều khó khăn về khả năng thanh toán.

“Chính khu vực dân cư là một trong những cứu tinh cho các TCTD giai đoạn này. Tuy nhiên, vì thu nhập của hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và sự đình trệ của khu vực DN, nên tốc độ tăng huy động từ khu vực này từ năm 2011 vẫn bị giảm”, NSFC nhận xét.

Tuy nhiên, NSFC cho rằng đã có xu hướng giảm tốc độ tăng huy động từ khu vực dân cư kể từ năm 2011 cho tới nay, một phần nguyên nhân do thu nhập của hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và sự đình trệ của khu vực DN.

NSFC dẫn số liệu về tiền công và tiền lương bình quân của khu vực DN nhà nước (DNNN) từ năm 2005 – 2011 phản ánh rõ nét mối liên hệ giữa thu nhập và biến động của nền kinh tế. Giai đoạn 2008 – 2009 xảy ra khủng hoảng kinh tế, khu vực DN khó khăn, tốc độ tăng thu nhập thực tế từ tiền lương và tiền công bình quân tháng của khu vực DNNN giảm 3,4% (đã loại trừ yếu tố giá). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thu nhập thực tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2009 do tác động bởi gói kích cầu của Chính phủ. Từ năm 2010 đến hết năm 2011, chỉ số này có xu hướng suy giảm nhanh khi khu vực DN rơi vào giai đoạn khó khăn, nhiều DN phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động.

“Bởi vậy, dù chỉ tiêu này chưa mang tính đại diện cho thu nhập của khu vực hộ gia đình, song phản ánh khá rõ nét mối liên hệ giữa biến động khu vực DN và thu nhập của hộ gia đình. Theo đó, năm 2012, thực trạng khó khăn của khu vực DN chưa được cải thiện so với năm 2011, thu nhập thực tế bình quân tháng từ tiền lương và công của hộ gia đình dự kiến cũng không được cải thiện”, NSFC nhận định.

 

 

NSFC cho rằng khó khăn của hộ gia đình tác động xấu tới khu vực DN, thị trường bất động sản (BĐS) và chất lượng tài sản của các TCTD. “Xu hướng thắt chặt chi tiêu của hộ gia đình đã góp phần khiến khu vực DN khó phục hồi. Đồng thời, thay đổi hành vi của khu vực hộ gia đình theo hướng giảm sản xuất và cung ứng dịch vụ cũng là một trong những nguyên nhân khiến phân khúc bán lẻ của thị trường BĐS tiếp tục suy giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong 4 tháng đầu năm 2013”, NSFC nhận xét.

Sản xuất đình trệ ngân hàng “ế” vốn

Một điểm mà NSFC lưu ý là khó khăn của hộ gia đình đã tác động xấu tới chất lượng tài sản của các TCTD. Theo khảo sát của cơ quan này, dư nợ khu vực hộ gia đình tại các TCTD liên tục giảm về tỷ trọng so với tổng dư nợ. Khu vực tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, cầu tiêu dùng yếu.

Mặc dù đóng góp lớn vào huy động của các TCTD, song trong 4 năm qua, tín dụng dành cho khu vực dân cư liên tục giảm về tỷ trọng so với tổng dư nợ của các TCTD. Năm 2012, dư nợ đối với hộ gia đình giảm 23% so với năm 2011.

Theo NSFC, nguyên nhân là do trong một thời gian dài, tín dụng cho vay BĐS hạn chế; thị trường BĐS suy giảm, sản xuất – kinh doanh đình trệ cũng là nguyên nhân khiến hộ gia đình giảm nhu cầu vay vốn từ các TCTD; nợ xấu tăng cao, chất lượng tài sản suy giảm khiến các TCTD có xu hướng nâng cao điều kiện tín dụng khiến khu vực hộ gia đình khó tiếp cận với tín dụng ngân hàng; lãi suất cho vay tiêu dùng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (15 – 20%/năm).

Theo khảo sát của NSFC, số người vay vốn từ ngân hàng và các quỹ tín dụng giảm mạnh trong năm 2012. Đầu năm 2012, nếu 66,7% số người được điều tra vay vốn từ các TCTD thì đến đầu năm 2013, con số này chỉ còn 48%. Thay vào đó, khu vực hộ gia đình có xu hướng tăng cường vay người quen và người thân, số người vay người quen và người thân tăng 20% trong giai đoạn từ tháng 2/2012 – 3/2013.

Nợ xấu của khu vực hộ gia đình tăng mạnh làm suy giảm chất lượng tài sản của các TCTD và sự ổn định của hệ thống tài chính. Tính từ 31/12/2011 – 31/12/2012, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ đối với khu vực hộ gia đình tăng gần 3%, từ 1,76% lên 4,6%. “Kết quả này cho thấy khu vực dân cư bị tổn thương mạnh khi nền kinh tế gặp khó khăn, các thị trường tài sản giảm giá và kém thanh khoản”, NSFC nhận định.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của khu vực hộ gia đình cao hơn so với bình quân nợ xấu của các TCTD theo báo cáo (4,23% năm 2012), song đây là số liệu phản ánh đúng chất lượng tín dụng của khu vực này do không chịu nhiều tác động của Quyết định 780 về việc khoanh, giãn nợ.

Theo TBKD