Điểm mặt những vụ lừa đảo bán hàng đa cấp đình đám

Cùng với việc nở rộ của các hình loại bán hàng đa cấp, thời gian vừa qua nhiều vụ lừa đảo đình đám cũng bị phanh phui ở cả trong nước và thế giới, với những vụ có giá trị lên đến hàng chục tỷ USD.

Triệt phá nhiều đường dây huy động vốn trái phép

Thời gian vừa qua, câu chuyện về bán hàng đa cấp “biến tướng” đã khiến nhiều người dân có ước mơ làm giàu nhanh rơi vào cảnh lao đao. Có lẽ con số nạn nhân vướng vào hình thức này sẽ còn tăng nhanh nếu chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoà Bình – Tổng giám đốc liên doanh Chợ Điện Tử & eBay – Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, bán hàng đa cấp là một mô hình kinh doanh bán hàng không mới trên thế giới. Bản thân mô hình gốc thì không xấu do nhà sản xuất thay vì bỏ tiền ra Marketing & quảng cáo thì “lại quả” cho người tiêu dùng, khi họ mua hàng hoặc giới thiệu được người khác mua hàng. “Hình thức hoạt động này sẽ là tốt nếu được dùng để bán các sản phẩm – dịch vụ có ích lợi cho người tiêu dùng, với giá cả hợp lý đúng với giá trị sử dụng”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, trái với những mặt lợi ích mà hoạt động này mang lại, ở Việt Nam hiện nay có nhiều doanh nghiệp lạm dụng mô hình này để bán các sản phẩm, dịch vụ không có ích lợi hoặc với giá quá cao so với giá trị sử dụng.

Lấy ví dụ, thời gian vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều vụ vi phạm về bán hàng đa cấp có quy mô lớn.

Vụ đầu tiên được nhiều người nhắc đến nhất trong thời gian vừa qua là việc Công an TP.Hà Nội phá vỡ một đường dây bán hàng đa cấp có quy mô “siêu khủng”.

Cụ thể, hồi tháng 3 vừa qua, Công an TP. Hà Nội đã có thông báo về kết quả điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp đặc biệt lớn, với gần 90.000 người bị hại ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, với giá trị hàng chục triệu USD.

Theo đó, đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng internet (với sản phẩm là gói dịch vụ du lịch đặt phòng 4 ngày, 3 đêm do tập đoàn Diamond Holiday Travel (DHT) Hoa Kỳ cung cấp) do Lâm Phúc Hùng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á cầm đầu.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á do cầm đầu một đường dây huy động vốn trái phép

Điều tra cho thấy, Lâm Phúc Hùng đã cùng với Nguyễn Thị Ái Dân – Chủ tịch Hội đồng quản trị – huy động vốn trái phép bằng chiêu quảng cáo “vừa du lịch vừa kiếm tiền”, mà theo đó, khách có thể đi du lịch thế giới chỉ với 375 USD, nghỉ tại khách sạn 3 đến 5 sao. Ngoài ra, khách còn có thể kiếm tiền thưởng bằng cách cứ kêu gọi được nhiều người tham gia thì sẽ được “lên tầng” cao hơn.

Khi đóng 375 USD, khách được xếp “bàn du lịch tầng 1”, cho đến khi leo qua “bàn bậc 4” sẽ được chuyển sang “bàn kim cương” và được thưởng 1.000 USD. Bản chất chương trình này là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên, đánh trúng lòng tham của người chơi khi bỏ ra một số tiền nhỏ mà lợi nhuận lại không có giới hạn. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, rất ít người được đi du lịch.

Cuối năm 2007, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an cùng công an các tỉnh, thành Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp… đã đồng loạt tiến hành đấu tranh với các đường dây lừa đảo qua mạng.

Tại Hà Nội, cơ quan điều tra đã xác định được đầu mối cao nhất trong tổ chức huy động tín dụng đa cấp qua mạng Callysinvest là Nguyễn Quang Sáng (SN 1980, hộ khẩu thường trú tại phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy). Theo điều tra, đường dây lừa đảo của này đã hoạt động từ tháng 8/2007, đến thời điểm bị bắt đã có khoảng 5.000 người bị lừa, chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, với tổng số tiền lên đến 5 triệu USD.

Thế giới cũng rung chuyển…vì đầu tư đa cấp

Nhắc đến vụ lừa đảo theo kiểu bán hàng đa cấp, có thể nhiều người sẽ khó quên được vụ lừa đảo năm 2008 tại Mỹ, khi mà nhân vật bị bắt chính là cựu Giám đốc một sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới. Đặc biệt hơn, bản thân ông đã có khá nhiều thành tích nổi trội về khả năng kinh doanh, cũng như số tài sản đáng ngưỡng mộ mà ông đang sở hữu.

Trong năm 2008, giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng khiến nhiều công ty, cũng như tổ chức rơi vào khủng hoảng trầm trọng thì giới đầu tư tại Mỹ dường như đã “chết đứng” khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ra thông báo bắt giữ ông Bernard Madoff, cựu Giám đốc Nasdaq, sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới và được coi như là một trong những huyền thoại của Phố Wall, vì hành vi lừa đảo tài chính gây thiệt hại tới 50 tỉ USD.

Madoff là người sáng lập công ty đầu tư chứng khoán Bernard L. Madoff từ năm 1960. Công ty của ông ta hoạt động theo hình thức tư vấn đầu tư, và điều hành quỹ đầu cơ đa quốc gia. Nó điều hành nhiều quỹ đầu tư với tổng số tài sản quản lý lên tới 17 tỉ USD và lượng cổ phiếu giao dịch bình quân mỗi ngày lên tới 50 triệu cổ phiếu.

Madoff được coi như một thế lực ngầm trên thị trường. Nhiều người và doanh nghiệp đã đầu tư vào quỹ của Madoff thông qua các đối tác của công ty này và ký gửi hàng chục tỉ USD.

Với nền tảng kinh tế vững vàng đó, ông Madoff đã luôn dùng những từ có cánh dành cho các thành viên đến với mình. Trong đó, tất cả khách hàng khi ký gửi tiền vào quỹ đầu tư của ông sẽ nhận được mức lãi suất rất cao. Tiền của khách hàng gửi vào quỹ, ông Madoff dùng để đi đầu tư chứng khoán. Tới hạn thanh toán cho người gửi trước, ông Madoff lấy tiền của người gửi sau để trả và cứ thế xoay vòng trong thời gian dài.

Tuy nhiên, vì những đồng vốn này không tự sinh lời, nên cuối cùng, toàn bộ hệ thống quay vòng này cũng bị sụp đổ khi khoản tiền đến sau không thể gánh nổi khoản đến trước, và khoản lỗ đã lên tới 50 tỉ USD.

Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) kết luận thời điểm đó, đây là vụ lừa đảo lớn nhất tại Mỹ từ trước đến nay. Thực ra đây là mô hình quỹ đầu tư kiểu đa cấp có từ rất lâu rồi và trên thực tế những trường hợp phá sản của các quỹ này cũng rất cao.

Theo vietnam+

 

 +Tổng giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á do cầm đầu một đường dây huy động vốn trái phép