DN kinh doanh máy tính nói “không” với vi phạm bản quyền

_MG_3585.jpg
Trần Anh là một trong những doanh nghiệp tham gia cam kết "nói không" với vi phạm bản quyền. Ảnh: H.P

Các doanh nghiệp kinh doanh máy tính lớn như Trần Anh, Nguyên Kim, Pico… vừa được tham gia những khóa tập huấn phổ biến pháp luật để không cài đặt và kinh doanh các chương trình máy tính bất hợp pháp.

Nhằm đẩy lùi mạnh hơn nạn vi phạm bản quyền tại Việt Nam trong năm 2013, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) cùng Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) vừa triển khai “Chương trình hợp tác tuyên truyền bảo hộ bản quyền chương trình máy tính”.

Đáng chú ý, một trong các hoạt động tiêu biểu của chương trình là trong tháng 5/2013, hàng loạt khóa tập huấn đã được triển khai tại nhiều doanh nghiệp kinh danh máy tính lớn ở Hà Nội như Trần Anh, Pico, Nguyễn Kim, Phúc Anh… nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc tôn trọng pháp luật đối với quyền tác giả, quyền tác giả đối với chương trình máy tính.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, một loạt các áp phích tuyên truyền về những tổn thất và rủi ro gặp phải khi sử dụng phần mềm không bản quyền đã được treo tại các đơn vị kinh doanh máy tính, giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức, không sử dụng phần mềm bất hợp pháp để đảm bảo an toàn thông tin.

“Tâm lý của đa số người dùng Việt Nam khi mua máy tính mới đều cần cài sẵn hệ điều hành và một số phần mềm thông dụng để sử dụng được ngay. Nhưng với vai trò là người bán và tư vấn cho khách hàng, các cửa hàng máy tính không nên vì lợi nhuận mà cài đặt phần mềm lậu, bất chấp những rủi ro trong quá trình sử dụng có thể gây tổn thất cho người tiêu dùng và góp phần làm gia tăng tỷ lệ vi phạm bản quyền chương trình máy tính tại Việt Nam”, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL khuyến cáo.

Theo kết quả gần đây từ Nghiên cứu về An toàn máy tính tại khu vực Đông Nam Á, gần 70% máy tính và đĩa cài đặt không bản quyền chứa mã độc. Tại Việt Nam, nghiên cứu trên 41 ổ cứng và 9 DVDs đưa ra kết quả 66% DVD lậu và 92% ổ cứng bị nhiễm mã độc, chiếm tỷ lệ cao nhất trong khu vực.

Theo ICTnews