Chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng đang khiến các doanh nghiệp phần mềm bị “ngược đãi”, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì đang “làm lợi lớn” cho doanh nghiệp nước ngoài, trong khi đó lại chưa có ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho người làm phần mềm.
Tưởng ưu đãi hóa ra bị “ngược đãi”
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Lê Hồng Hà, Giám đốc Công ty Hà Thắng nhận định: Trong các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp làm phần mềm, chính sách không đánh thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phần mềm được coi là một sự “ưu đãi”, tuy nhiên về thực chất thì không phải như vậy, thậm chí, các doanh nghiệp phần mềm đang phải chịu thiệt thòi lớn, thậm chí có thể nói là bị “ngược đãi” từ chính sách ưu đãi này.
Theo quy định của ngành Thuế, doanh nghiệp nếu thuộc diện “không phải chịu thuế” thì sẽ không được khấu trừ những chi phí đầu vào khác phục vụ cho việc làm ra sản phẩm, nhưng nếu thuộc diện “chịu thuế suất 0%” thì lại được tính khấu trừ thuế.
Trên thực tế, một doanh nghiệp khi làm phần mềm, ngoài các chi phí lương, thưởng cho nhân viên còn phải sử dụng rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mua ngoài và phần lớn các sản phẩm, dịch vụ đều chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%. Nếu không có chính sách “không đánh thuế GTGT đối với phần mềm” thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ phần thuế GTGT của các sản phẩm, dịch vụ mua ngoài đó khi tính khoản thuế GTGT phải nộp hàng tháng. Nhưng do chính sách “ưu đãi” mà doanh nghiệp không được khấu trừ khoản thuế GTGT kia và phải chuyển nó sang thành chi phí sản xuất, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Để giúp các doanh nghiệp phần mềm không bị “ngược đãi” vì chính sách ưu đãi thuế GTGT hiện hành, ông Hà cho rằng cần đưa doanh nghiệp phần mềm vào diện chịu thuế.
Hiện các chuyên gia, doanh nghiệp đang đề xuất 3 phương án sửa đổi ưu đãi thuế GTGT đối với doanh nghiệp phần mềm.
Thứ nhất, áp dụng thuế suất 0% cho doanh nghiệp phần mềm, không phân biệt doanh nghiệp sản xuất phục vụ thị trường nội địa với doanh nghiệp xuất khẩu. Khi đó, giá bán các sản phẩm trong nước không phải “gánh” thêm khoản thuế GTGT.
Thứ hai, áp dụng thuế suất 10% cho cả 2 loại doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu (hiện doanh nghiệp xuất khẩu đang được hưởng ưu đãi thuế 0%).
Thứ ba, áp dụng thuế suất 10% đối với doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa, và áp dụng thuế suất 0% đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Có vẻ như Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thứ 3 vì không muốn giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước nếu giảm mức thuế suất ưu đãi xuống 0%. Dẫu sao phương án này cũng vẫn đem lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp phần mềm so với “ưu đãi” không phải nộp thuế.
Bàn thêm về chính sách ưu đãi thuế GTGT, ông Hà nhấn mạnh rằng đối tượng thụ hưởng là người dùng cuối chứ không phải doanh nghiệp phần mềm. Khi có ưu đãi thuế này thì người mua sẽ được mua sản phẩm với giá thấp hơn. Còn doanh nghiệp phần mềm không lợi hơn mà cũng chẳng thiệt hại gì hơn vì chỉ có trách nhiệm thu thuế GTGT của người sử dụng rồi nộp lại cho ngân sách Nhà nước.
“Đối tượng thụ hưởng ưu đãi thuế GTGT đang sai lệch so với mục tiêu, chủ trương của Đảng và Chính phủ là phải hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm”, ông Hà khẳng định.
Doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi lớn
Đó là phân tích của ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến VINAPO khi trao đổi với phóng viên ICTnews về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đối với doanh nghiệp/công ty công nghệ (trong đó có doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp phần mềm).
Ông Thành lưu ý cần phân biệt rõ hai loại công ty công nghệ: Một là công ty nghiên cứu phát triển công nghệ, đem lại nhiều giá trị gia tăng cho đất nước. Hai là công ty nhập khẩu, kinh doanh triển khai công nghệ của nước ngoài. Có thể phân biệt hai loại công ty này nếu nhìn vào dòng tiền và chuỗi giá trị của công ty. Ví dụ 70% giá trị sản phẩm dành cho khâu nhập khẩu, 30% giá trị dành cho các khâu hoạt động trong nước thì công ty này là công ty phân phối chứ không phải công ty nghiên cứu – phát triển.
Với chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành thì những công ty nhập khẩu công nghệ của nước ngoài để triển khai trong nước sẽ có nhiều khả năng áp dụng “chiêu” chuyển giá ở Việt Nam. Khi đó, người hưởng lợi lớn là các công ty nước ngoài.
Còn đối với các công ty nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước, “thực ra trong 3 – 5 năm đầu tiên người ta toàn lỗ hoặc không có lãi nên họ chẳng quan tâm tới thuế TNDN vì không thấy được lợi gì trong chuyện ưu đãi thuế TNDN”, ông Thành phân tích.
Hiện các doanh nghiệp CNTT đang được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN, cụ thể là miễn thuế 4 năm đầu, được hưởng mức thuế suất 5% trong 9 năm tiếp theo và 2 năm sau đó hưởng mức thuế ưu đãi 10% thuế TNDN.
Tuy nhiên, ông Thành phản ánh rằng muốn được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ, trong khi đó, các tiêu chí lại chỉ hướng tới số lượng nhân viên, số lượng người có bằng cấp, trình độ cao về công nghệ… “Theo định nghĩa này thì Facebook, Apple, Dell những năm đầu tiên thành lập cũng không thể là công ty công nghệ được bởi lãnh đạo không tốt nghiệp đại học. Tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần phải tìm những định nghĩa, tiêu chí phù hợp hơn để nhiều công ty được xác nhận là công ty công nghệ và được hưởng ưu đãi về thuế TNDN”.
Cần ưu đãi thuế thu nhập cá nhân
Các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định muốn hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp phần mềm thì chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những chính sách thiết thực, hiệu quả nhất.
Trước đây, đã có lúc những người làm phần mềm được xem xét ưu đãi thuế thu nhập, song kể từ khi triển khai Luật Thuế TNCN thì không còn thấy có ưu đãi nào về thuế TNCN nữa.
“Các công ty khởi nghiệp (start-up) đều cần phải trả một khoản tiền lớn về lương cho các nhân viên công nghệ. Nếu có ưu đãi thuế TNCN thì khoản tiền lương mà các nhân viên công nghệ nhận được sẽ cao hơn so với khi phải đóng thuế như thời gian qua”, ông Thành chia sẻ.
Một số chuyên gia CNTT khác còn nhận xét, nếu có ưu đãi thuế TNCN cho người làm phần mềm thì có thể hút được nhiều chuyên gia nước ngoài và nhân lực trình độ cao hơn về làm việc cho ngành phần mềm Việt Nam.
DN không phải chịu thuế GTGT có lợi nhuận thấp DN chịu thuế
So sánh trường hợp 2 doanh nghiệp cùng có doanh thu bán phần mềm là 200 đồng, chi phí đầu vào là 100 đồng, trong đó 70 đồng trả lương nhân viên, 30 đồng dành cho các khoản chi phí khác (điện, nước, điện thoại, Internet, thuê trụ sở,…) cho thấy:Nếu doanh nghiệp thuộc diện “không phải đóng thuế GTGT” thì thuế GTGT của phần chi phí khác là 3 đồng (10% của 30 đồng) sẽ không được khấu trừ mà phải tính là chi phí sản xuất. Khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp là 200 đồng (doanh thu) – 70 đồng (lương) – 30 đồng (chi phí khác) – 3 đồng (VAT của chi phí khác) = 97 đồng.
Còn nếu doanh nghiệp chịu thuế suất 10% thuế GTGT, thì thuế GTGT của phần mềm bán ra là 20 đồng (10% của 200 đồng doanh thu), thuế GTGT của phần chi phí khác là 3 đồng (10% của 30 đồng). Tuy nhiên, khoản 3 đồng này được khấu trừ khi nộp thuế GTGT đầu ra nên thuế GTGT phải nộp chỉ còn 20 đồng – 3 đồng = 17 đồng (khoản này doanh nghiệp lấy từ khoản thuế GTGT thu được của khách hàng để nộp). Khi đó, lợi nhuận sản xuất phần mềm của doanh nghiệp là 200 đồng (doanh thu) – 70 đồng (lương) – 30 đồng (chi phí khác) = 100 đồng.
Theo ICTnews