So với các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa… thể thao đang là lĩnh vực ứng dụng CNTT ít nhất. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thi đấu thể dục thể thao đã được triển khai từ năm 2003 nhưng đến giờ, các “đại gia” CNTT vẫn đứng ngoài cuộc vì thiếu thông tin về cơ hội tham gia cung cấp giải pháp, phần mềm.
Không có hàng nội nên phải nhập ngoại
Trao đổi với phóng viên ICTnews, Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Phó Tổng Thư ký Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao) cho biết: tất cả những cuộc thi đấu thể thao lớn trên thế giới đều phải ứng dụng CNTT, từ việc trang bị cảm biến cho các thiết bị thi đấu, đến tích hợp thông tin để đưa kết quả lên mạng Internet một cách nhanh chóng. Tại Việt Nam, ứng dụng CNTT trong thi đấu thể thao đã được quan tâm đầu tư từ năm 2003, khi Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games lần thứ 22.
Giáo sư Dương Nghiệp Chí dẫn chứng: Trong môn bơi lội, để đo thành tích, nếu chỉ dùng đồng hồ bấm giây thì vẫn có sai lệch do tốc độ bấm nhanh/chậm của người bấm đồng hồ, ảnh hưởng tới sự chính xác khi phân định thắng thua của những đối thủ chỉ hơn nhau vài mi li giây. Giờ đây, với hệ thống mắt thần và thiết bị cảm ứng gắn ở thành bể bơi, có thể đảm bảo độ chính xác rất cao khi phân định kẻ thắng người thua trong những trường hợp thành tích “sát nút” như vậy.
Hoặc trong môn thi đấu võ thuật, các cảm biến trên áo giáp sẽ đo chính xác cú đấm nào được tính điểm, độ dính của một cú đá vào người đối phương đã đạt mức tính điểm hay chưa… Tại các kỳ đại hội thi đấu thể thao, ngay sau khi diễn ra từng môn thi, hệ thống tích hợp thông tin sẽ nhanh chóng hiển thị công khai kết quả của từng vận động viên, môn thi, đoàn vận động viên,… trên mạng Internet.
Nhưng thực tế tại Việt Nam, việc triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT không hề đơn giản. Từ 2003, Tổng cục Thể dục Thể thao đã từng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống đưa tin nhanh kết quả thi đấu lên mạng với sự tham gia của một doanh nghiệp phần mềm hàng đầu Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa có được một hệ thống đáp ứng yêu cầu.
Một điểm đáng chú ý khác là tại Việt Nam, các trang thiết bị thi đấu thể thao có ứng dụng CNTT đều vẫn đang phải nhập ngoại vì doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Chẳng hạn như với áo giáp gắn cảm biến, Tổng cục Thể dục thể thao đã phải đầu tư tiền ngân sách để mua khoảng 10 bộ hàng nhập ngoại phục vụ cho thi đấu.
Hiếm hoi thông tin
Thực tế, một số doanh nghiệp CNTT đã từng tham gia triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thi đấu thể thao, song chỉ là những doanh nghiệp nhỏ như CDC, ISS… hợp tác triển khai ở một số phần việc nhỏ lẻ. Trong khi đó, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), lãnh đạo của các doanh nghiệp phần mềm lớn như FPT, CMC, Tinh Vân… cho rằng chưa biết tới cơ hội tham gia triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thể thao. Đối với lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, môi trường… các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên công bố nhu cầu về ứng dụng CNTT của mình, nói cách khác là ra đề bài rồi mời các doanh nghiệp CNTT cùng hợp tác phát triển. “Chúng tôi chưa thấy lĩnh vực thể dục thể thao công bố những đề bài về ứng dụng CNTT như vậy. Nếu có công bố thì doanh nghiệp sẵn sàng tham gia”, ông Phan Quang Minh, đại diện Công ty Tinh Vân khẳng định.
Ông An Thao, Chánh Văn phòng VINASA cũng khẳng định VINASA cùng các doanh nghiệp thành viên ít có thông tin về việc cung cấp giải pháp ứng dụng CNTT cho ngành thể dục thể thao Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã làm ứng dụng cho ngành thể thao nhưng lại là cung cấp cho khách hàng Nhật Bản.
Xét về năng lực, các doanh nghiệp CNTT nói chung và phần mềm nói riêng của Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng và có khả năng giải quyết các bài toán khó về ứng dụng CNTT. Ví dụ với yêu cầu xây dựng hệ thống đưa tin nhanh về kết quả thi đấu, ông Phan Viết Hoàn, Giám đốc Công ty ISS cho biết hoàn toàn có thể đáp ứng ngay.
Xét về chuyện kinh phí, không phải Việt Nam không có tiền đầu tư triển khai ứng dụng CNTT cho ngành thể dục thể thao. Đơn cử từ năm 2003, Nhà nước đã từng chi tới gần 30 tỷ đồng để mua một bộ thiết bị đo cho riêng môn điền kinh (nhập từ nước ngoài). Nhiều bộ thiết bị đo khác dành cho các môn bơi lội, võ taekwondo… cũng được mua sắm trong thời gian qua.
Vấn đề là đang có khoảng cách giữa cung – cầu ứng dụng CNTT ở lĩnh vực thể dục thể thao và chưa công khai việc công bố thông tin về nhu cầu để tìm kiếm đối tác cung ứng giải pháp, thiết bị.
Năm 2019, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 2019). Vì màu cờ sắc áo cũng như vì thể diện quốc gia, thiết nghĩ ngành thể dục thể thao cần quan tâm nhiều hơn tới mảng ứng dụng CNTT. Và các doanh nghiệp CNTT cũng nên để tâm tới một lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác này.
Theo ICTnews