Việc đổi mới và nâng cao chất lượng ở các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua khá chậm chạp. Đây là thông tin được nêu ra tại hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động đổi mới, diễn ra hôm 13-11 tại TPHCM.
Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Hiệp hội Tiêu chuẩn Hàn Quốc (KSA) tổ chức.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho hay đổi mới chất lượng ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn rất chậm và lạc hậu so với thế giới.
“Nguyên nhân là đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản lý theo mô hình gia đình có phần hạn chế về trình độ quản lý. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ vẫn trung thành với thiết bị cũ, lạc hậu, chưa quen sử dụng đội ngũ tư vấn và việc áp dụng tiêu chuẩn còn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài”, ông nói.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng.
Cụ thể, công tác quản lý chất lượng chưa được định hình ổn định, cơ chế kiểm soát hàng hóa tiêu thụ trong nước và hàng hóa xuất khẩu chưa chặt chẽ. Việt Nam chưa xây dựng được bộ quy chuẩn chung cho từng ngành.
“Điều này đã không định hướng được cho doanh nghiệp đổi mới chất lượng ra sao”, ông Phạm Ngọc Hưng, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nói.
Cũng tại hội thảo này, KSA đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ với Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam đổi mới và quản lý công nghệ.
Theo đó, KSA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về tư vấn chuyên môn, đánh giá chất lượng sản xuất và sản phẩm. Đồng thời, hiệp hội này sẽ tham gia đào tạo và chia sẻ các kinh nghiệm quản lý chất lượng, nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Chang Ryung Kim, Chủ tịch KSA, nói rằng cách đây hơn 30 năm, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn hoạt động trong tình trạng trì trệ nhưng nhờ có đổi mới sáng tạo và quản lý chất lượng sản phẩm một cách nghiêm ngặt, họ đã trở thành những doanh nghiệp lớn và vươn ra quốc tế như Samsung, LG hay POSCO.
Theo Thesaigontimes