Bất chấp tình hình kinh tế trong và ngoài nước đang gặp khó khăn và khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đình đám trên thị trường vẫn thể hiện được vị thế lớn mạnh và đứng vững vàng trước “giông bão”.
Ngân hàng vẫn phát triển tốt
Ngành đầu tiên được nhắc đến và đang thu hút sự quan tâm lớn của thị trường đó là ngân hàng. Sự chú ý này dường như có lý do, bởi kinh tế trải qua thời kỳ khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp bị nhấn chìm trong sự phá sản và thua lỗ, nhưng không ít nhà băng trong năm qua vẫn phát triển khá tốt. Bằng chứng là doanh thu và khoản lợi nhuận mà những đơn vị này thu về luôn là con số mơ ước của nhiều đơn vị. Thậm chí, mức lương lãnh đạo chủ chốt cũng là con số cực “khủng”.
Điển hình là Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (mã ck: EIB). Trong Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 (Đại hội cổ đông lần thứ 27) của Eximbank cho thấy, năm 2011 lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 4.056 tỷ đồng, tăng 70,6% so với năm 2010 và hoàn thành 135% kế hoạch. Còn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 3.038 tỷ đồng.
Với tiền đề đó, mục tiêu hoạt động của nhà băng này trong năm 2012 sẽ là tăng 13% so với năm 2011 về lợi nhuận trước, lên 4.600 tỷ đồng. Riêng về thù lao, Nghị quyết cũng thông qua tổng mức thù lao, lương, phụ cấp trách nhiệm chuyên trách của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát sẽ là 1,5% lợi nhuận sau thuế.
Một cái tên cũng đang gây được nhiều sự chú ý trên thị trường với khoản doanh thu tốt và mức thù lao ngất ngưởng, đó là Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam – Vietinbank (mã ck: CTG). Tại bản báo cáo thường niên của nhà băng này cho thấy, trong năm 2011 tổng tài sản Vietinbank tăng 25%, tổng nguồn vốn huy động tăng 24%.
Mặc dù trong năm 2011 môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tình hình lãi suất, tỷ giá diễn biến phức tạp nhưng các chỉ tiêu về khả năng sinh lời khả quan. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.392 tỷ đồng, tăng 81%, đạt 165% kế hoạch.
Đặc biệt, năm 2011, trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm mạnh (Vn-Index giảm 28%, HNX-Index giảm 48%, chỉ số ngân hàng giảm 12%), thì giá cổ phiếu CTG luôn duy trì ở mức khá ổn định. Thông kê cho thấy từ tháng 1 – 3/2011, giá CTG đã tăng gần 30%. Hiện cổ phiếu này đang có mệnh giá trên 20 nghìn đồng/cổ phiếu.
Thực phẩm tăng tốc bất chấp “bão”
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của các ngân hàng trong nước, những công ty thực phẩm trong nước năm vừa qua cũng thu được khá nhiều thành công.
Công ty được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực thực phẩm, được khá nhiều người quan tâm và biết đến đó là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã ck: VNM). Năm qua, doanh thu mà đơn vị này mang lại khá ấn tượng.
Theo báo cáo thường niên của công ty, doanh thu năm 2011 của Vinamilk đã đạt 22.070 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.218 tỷ đồng (tăng gần 40% về doanh thu và 30% về lợi nhuận so với năm trước đó). Điều này cho thấy, VNM hiện đang là đơn vị khá “khủng” khi đứng ở vị trí là một trong số hiếm doanh nghiệp niêm yết đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD năm 2011.
Được biết, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam là một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh bánh, sữa đậu nành, nước giải khát, sữa hộp, sữa bột, bột dinh dưỡng và các sản phẩm từ sữa khác. Hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã VNM, với mức giá khá cao là 86 nghìn đồng/cổ phiếu.
Một đại gia cũng khá đình đám và được không ít nhà đầu tư quan tâm đó là công ty cổ phần Kinh Đô (KDC), bởi khả năng sinh lợi trong hoạt động sản xuất và kinh doanh đã đạt được con số đang khích lệ.
Theo thông báo tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 349 tỷ đồng và sau thuế là 279 tỷ đồng. Cùng với đó, trong kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2012, công ty cổ phần Kinh đô cũng đưa ra mức tăng trưởng trên 40%. Hiện nay, cổ phiếu KDC của công ty này cũng đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mệnh giá gần 40 nghìn đồng/cổ phiếu.
Nói về khả năng chống chọi tốt trong khủng hoảng sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (mã ck: LSS). Bởi theo Báo cáo thường niên năm 2011, Công ty này đã có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục so với năm 2010. Trong đó, doanh thu tăng 33% và lợi nhuận cũng tăng 29%.
Cùng với những công ty trên, hàng loạt công ty khác như Đường Biên Hòa (BHS), Đường Kon Tum (KTS), Đường Ninh Hòa (NHS)… cũng đều là những đơn vị được ghi nhận có “đề kháng” tốt khi lợi nhuận và doanh thu đều vượt kế hoạch đề ra.
Theo Vnmedia