Lo ngại dữ liệu, thông tin nội bộ bị lộ, thế nên dù khái niệm điện toán đám mây (ĐTĐM) đã được biết đến tại Việt Nam gần 3 năm nay nhưng số đông các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn rụt rè ứng dụng và chấp nhận đầu tư máy chủ, nhân lực quản trị để tiếp tục… lãng phí tiền bạc!
Sợ lộ bí mật!
Tại hội thảo “Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây” do Microsoft Việt Nam tổ chức ngày 2/3 tại Hà Nội, ông Errol Rasit, chuyên viên phân tích của hãng Gartner cho rằng tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp và tổ chức đang chứng kiến sự nở rộ của ĐTĐM khi có hàng loạt doanh nghiệp tung ra dịch vụ này như Microsoft, Intel, Cisco, IBM.
“Công nghệ này cho phép doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mạng, chi phí mua máy chủ lưu trữ, giảm nhân lực quản trị và chỉ mua tài nguyên điện toán theo nhu cầu sử dụng. Chính vì vậy, những vấn đề liên quan đến ĐTĐM đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Tuy nhiên, cho dù ĐTĐM đang dành được sự quan tâm lớn nhưng trong thực tế, trước những mối quan ngại liên quan đến vấn đề bảo mật của dịch vụ mới mẻ này, đó vẫn còn rào cản khó vượt qua, khiến họ chưa mạnh dạn đầu tư”, ông Errol Rasit nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, trao đổi liên quan đến vấn đề này, ông Đào Gia Hạnh, Giám đốc Trung tâm Điện toán đám mây FPT chia sẻ: Kể từ khi ĐTĐM được giới thiệu tại Việt Nam, đã có khá nhiều hội thảo, tọa đàm liên quan đến chủ đề này được các bên cung cấp dịch vụ tổ chức, đồng thời đã nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp. Thế nhưng, cho đến tận hôm nay mức độ nhận thức vẫn còn rất hạn chế, các doanh nghiệp vẫn lo ngại mất kiểm soát dữ liệu, thông tin bị lộ – thứ tài sản giá trị hàng đầu quyết định sinh mệnh của doanh nghiệp.
Có thể nói, nhận định của Gartner hay FPT tại hội thảo cũng là nhận định chung của các doanh nghiệp đang cung cấp giải pháp dịch vụ liên quan đến ĐTĐM tại Việt Nam, trong đó có IBM, Intel. Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN mới đây, ông Trần Viết Huân – Giám đốc kiêm Kiến trúc sư trưởng Trung tâm giải pháp ĐTĐM của IBM tại Việt Nam cũng cho rằng đối với ĐTĐM, lãnh đạo nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn băn khoăn, cân nhắc do dữ liệu của họ vốn từ trước tới nay chỉ nằm trong máy chủ, thì nay được tung lên “đám mây”, họ lo ngại dữ liệu bị truy xuất trái phép…
Có thể sử dụng kết hợp
Từ kinh nghiệm triển khai của tập đoàn Microsoft tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông Andrew Pickup, Giám đốc Marketing Châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn này nhấn mạnh: Hiện nay hệ thống máy chủ tại nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng khoảng 15% tài nguyên lưu trữ, trong khi đó 85% còn lại lại đang ở trong tình trạng “bỏ hoang” do nhu cầu không dùng đến. “Nếu cứ tiếp tục tồn tại thực trạng như vậy, điều đó sẽ “ngốn” của các doanh nghiệp, tổ chức những khoản tiền không nhỏ, dẫn tới sự lãng phí lớn, trong khi ĐTĐM hoàn toàn có thể tháo gỡ cho họ khó khăn, cho phép bớt đi được gánh nặng trong quản lý cơ sở hạ tầng CNTT để tập trung nhiều hơn vào việc chèo lái sự phát triển của doanh nghiệp”.
Chính vì vậy, xuất phát từ thực trạng nêu trên, tại hội thảo, một vấn đề “nóng” đã được các chuyên gia đặt ra thảo luận đó là: Các doanh nghiệp Việt Nam cần “nhập môn” ứng dụng công nghệ ĐTĐM như thế nào để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm ngân sách?
Đưa ra gợi ý cho câu hỏi trên, chuyên viên phân tích của hãng Gartner, ông Errol Rasit chia sẻ: Tại các nước phát triển và ĐTĐM cũng được biết đến sớm hơn Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong thời gian đầu luôn có bước đi thận trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ. Cụ thể, họ chỉ thuê dịch vụ ĐTĐM công cộng để dùng cho các dịch vụ ít nhạy cảm, ít quan trọng và không đòi hỏi công nghệ bảo mật cao.
Ông Errol Rasit cũng chia sẻ thêm: Kết quả của một cuộc khảo sát do Gartner tiến hành gần đây với hàng trăm doanh nghiệp tại Sydney (Australia), Las Vegas (Mỹ)… cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong thời gian đầu ứng dụng có nhu cầu ứng dụng ĐTĐM riêng (ứng dụng cho nội bộ) lớn hơn so với ĐTĐM công cộng do họ quan ngại vấn đề mất quyền kiểm soát. Do đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang sử dụng mô hình kết hợp giữa ĐTĐM riêng và ĐTĐM công cộng. Dần dần, sau một thời gian cảm thấy tin tưởng mới “giao phó” cho những dữ liệu quan trọng hơn để cắt giảm được chi phí.
Cũng tại hội thảo, ông Errol Rasit đã đưa ra khuyến cáo đối với những doanh nghiệp, tổ chức lần đầu tìm đến ĐTĐM: ĐTĐM do nhiều doanh nghiệp cung cấp với nhiều mô hình khác nhau nên dễ khiến cho các đơn vị lúng túng lựa chọn. Chính vì vậy, cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi hợp tác ứng dụng. “Ngoài ra, các doanh nghiệp và tổ chức cần phải đọc kỹ điều khoản sử dụng mà bên cung cấp dịch vụ đưa ra, trong đó nghiên cứu kỹ cơ chế xử lý trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ĐTĐM gặp sự cố, vấn đề lấy lại dữ liệu ra sao, khôi phục dữ liệu sẽ như thế nào. Cùng đó, cũng cần đề nghị bên cung cấp dịch vụ cung cấp cụ thể thông tin về máy chủ lưu trữ, sử dụng giải pháp bảo mật gì, đề nghị công khai về bản quyền phần mềm được sử dụng…”, ông Errol Rasit lưu ý.
Theo ICTNews |