Bất chấp giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang đặt ra mục tiêu tham vọng hơn: vươn đến doanh thu 1 tỷ USD.
Thủy sản Hùng Vương, Tôn Hoa Sen, Cà phê Trung Nguyên… là những doanh nghiệp nuôi tham vọng vượt lên trong cuộc chơi đầy thách thức này – cán mốc doanh số 1 tỉ USD.Bồi đắp giá trị bằng M&A
Đến năm 2015, Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) phấn đấu sẽ chiếm 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản (khoảng 3 tỷ USD), đồng nghĩa với việc đạt được doanh thu 1 tỷ USD cho đơn vị mình.
Cơ sở để công ty này tự tin là chiến lược xây dựng chuỗi khép kín bằng các thương vụ M&A. Ngay từ năm 2010, HVG đã mua Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) và hiện đã sở hữu 51,08% doanh nghiệp này, qua đó hưởng lợi từ hệ thống nhà máy chế biến, diện tích nuôi trồng thủy sản và cả thị trường xuất khẩu ở châu Âu và Mỹ của AGF.
Điều này đã phát huy tác dụng khi HVG bị áp mức thuế 7,7 cent/kg trong khi AGF chỉ phải chịu mức thuế xuất khẩu sang thị trường Mỹ thấp hơn nhiều, 2 cent/kg.
Chưa dừng tại đó, HVG đã mua lại nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, nắm tỉ lệ sở hữu 55,31% để rồi biến đơn vị sản xuất này thành công ty con của mình – một mắt xích quan trọng giúp HVG chủ động được nguyên liệu thức ăn đầu vào, tiết kiệm chi phí, kiểm soát được các chất cấm mà phía nhà xuất khẩu đặt ra đối với sản phẩm thủy sản nhập vào nước họ.
Để cán mốc 1 tỷ USD, HVG còn đặt chân vào lãnh địa nuôi tôm xuất khẩu. Cũng khởi đầu bằng việc mua Công ty Lâm thủy sản Bến Tre (FBT), HVG đã khai thác ngay được 500 ha nuôi tôm của đơn vị này, chưa kể được hưởng lợi nhờ quy trình khép kín từ sản xuất con giống, nuôi, chăm sóc đến chế biến mà FBT đã xây dựng trước đó.
Gần đây nhất, HVG mua thêm 5 triệu cổ phần của Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC), nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 38,46%. FMC đang có 170 ha ao nuôi tôm và 90% đầu ra xuất khẩu chủ yếu cho hai thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mục tiêu của HVG là sẽ trở thành cổ đông chiến lược của FMC để tiếp tục mở rộng hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Nếu nhìn lại toàn bộ động thái mua các doanh nghiệp của HVG thì thấy rằng, công ty đang vươn đến mục tiêu dần hoàn thiện chuỗi khép kín sản xuất thủy sản với quy mô lớn.
Tập trung vào ngành cốt lõi
Cũng cùng tham vọng như vậy, mới đây trong một buổi trò chuyện với Doanh Nhân, ông Lê Phước Vũ thẳng thắn tuyên bố sẽ đưa Tập đoàn Hoa Sen (HSG) lên đỉnh cao mới.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, HSG lập kế hoạch sẽ cán mốc doanh thu 1 tỷ USD. Trong ngành sản xuất thép, sự phát triển của một doanh nghiệp thể hiện ở sự gia tăng về quy mô, đổi mới công nghệ và kiểm soát rủi ro.
Ba yếu tố này, HSG đều tỏ ra rất chắc chắn. Ra đời từ năm 2001, nhưng chưa đầy 8 năm sau công ty đã đứng đầu về thị phần trên thị trường tôn mạ màu nhờ xây dựng được quy trình sản xuất khép kín: sản xuất tôn – thép cán nguội, thép cán nóng, thép cán nguội dạng cuộn, tôn mạ…
HSG cũng liên tục cập nhật thị trường, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu chi phí tồn kho cũng như ảnh hưởng của việc biến động giá nguyên vật liệu, áp dụng phương thức quản trị mới như chuỗi cung ứng theo mô hình “vừa đúng lúc” (just in time)…
Tương tự như Hoa Sen Group, Trung Nguyên cũng đang quyết dẫn đầu với sản phẩm cà phê. Năm 2013, Trung Nguyên xác định coi Đông Nam Á là “thị trường nội địa” và sẽ đặt chân vào nước Mỹ bằng việc mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở một số thành phố như Seattle, New York, Boston.
Cơ sở để Trung Nguyên tự tin là doanh thu năm 2012 đạt 200 triệu USD, tăng 32% so với năm 2011. Dự kiến doanh thu năm 2013 sẽ tăng gấp đôi năm 2012, do nhu cầu cà phê đóng gói ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc tăng mạnh. Nếu duy trì đà tăng trưởng này, ước tính năm 2016, Trung Nguyên sẽ vươn đến mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD.
Những thách thức trên đường đua
Các doanh nghiệp muốn tiến đến doanh thu 1 tỷ USD đều phải hướng đến thị trường xuất khẩu, do dung lượng thị trường nội địa còn hạn chế. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng.
Theo một chuyên gia trong ngành thủy sản, xuất khẩu thủy sản hiện nay đang gặp rất nhiều rào cản từ các thị trường nhập khẩu như Mỹ, Nhật, châu Âu…
Trong khi đó, các công ty thủy sản lớn đang vất vả đối phó với tình trạng bán phá giá của các doanh nghiệp nhỏ, điều này khiến họ chịu sự ép giảm giá từ phía nhà nhập khẩu nước ngoài, đồng nghĩa với việc lợi nhuận cũng có thể giảm xuống.
Với HSG, bài toán cũng nan giải. HSG đang đa dạng hóa thị trường để hội tụ điều kiện đủ thực hiện mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn của HSG, song các sản phẩm của HSG đang đối mặt với các rào cản thương mại từ Thái Lan và Malaysia, trong khi đó, Indonesia cũng đang tiến hành điều tra nhằm áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với mặt hàng tôn nhập khẩu của HSG.
Ở thị trường nội địa, HSG cũng vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà sản xuất khác như: Hòa Phát, Tôn Phương Nam, Lilama Hà Nội…
Ngoài ra, HSG cũng phải lo ngại với sự cạnh tranh từ Dự án Khu Liên hợp gang thép Formosa của Tập Đoàn Formosa (Đài Loan) tại Khu kinh tế Vũng Áng, (Hà Tĩnh), một dự án nhà máy luyện quặng thép và sản xuất thép cán nóng.
Đó là nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn Hoa Sen. Chưa kể xu hướng giảm giá nguyên vật liệu khiến việc giải tỏa hàng tồn kho để đảm bảo lợi nhuận đang trở nên khó khăn hơn.
Tương tự, tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài của Trung Nguyên không phải mới đặt ra mà có từ rất lâu. Trung Nguyên đã triển khai các cửa hàng nhượng quyền tại nhiều nước, nhưng cũng vấp phải sự khác biệt về văn hóa, khẩu vị và sức ép cạnh tranh từ các đối thủ khác.
“Sân” Mỹ xem ra không dễ chinh phục như “sân nhà”. Bước ra khỏi Việt Nam, cà phê hòa tan của Trung Nguyên còn gặp đối thủ truyền kiếp là Nestcafe. Chẳng thế mà mới đây Trung Nguyên buộc phải tìm kiếm đối tác để bán bớt 15% cổ phần lấy vốn kinh doanh.
Rõ ràng đường đến đích tỷ đô không bao giờ là dễ dàng.
Theo DNSG