Doanh nghiệp xã hội: Có sáng kiến là có tiền

doanh-nghiep-xa-hoi-co-sang-kien-la-co-tien

Doanh nghiệp xã hội phát triển có thể là cú hích thúc đẩy ý thức đóng góp trở lại cho xã hội của các công ty kinh doanh vì lợi nhuận.

Đi chung để tiết kiệm chi phí, tạo ra hệ thống dạy bơi và cứu hộ hữu hiệu… là những sáng kiến khiến cho trách nhiệm xã hội không còn chỉ là những lời hô hào suông mà còn tạo ra những mô hình kinh doanh độc đáo.

Từ đi chung

Nguyễn Đình Chí là một học sinh tại Thanh Hóa chân ướt chân ráo ra Hà Nội dự thi đại học Luật. Đang loay hoay chưa biết ở đâu thì Chí gặp được các tình nguyện viên của Đi Chung tại bến xe Giáp Bát. Và Chí đã được giúp đưa đón và tìm nhà trọ giá rẻ gần điểm thi.

Trong những ngày tấp nập sĩ tử đi thi đầu tháng 7.2013, mạng xã hội Đi Chung đã tích cực hoạt động nhằm hỗ trợ học sinh. Mạng đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội lập ra đội xe ôm tình nguyện gồm 100 chiếc sẵn sàng đưa đón thí sinh.

Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2012, đến nay Đi Chung (website Dichung.vn) là một doanh nghiệp xã hội sở hữu công nghệ mua bán chỗ trực tuyến ở Việt Nam. Hiện tại, Đi Chung với ý tưởng cơ bản là ghép những người có cùng tuyến đường đi cùng nhau để tiết kiệm chi phí đã thu hút được hơn 2.000 người sử dụng thường xuyên. Đi Chung đặt ra mục tiêu là trong vòng 5 năm tới sẽ thu hút được 2 triệu người sử dụng tại Hà Nội và TP.HCM và Mạng cũng tích cực liên kết với các đối tác. Tháng 2.2013, Mạng đã ký kết với Airport Taxi thuộc Xí nghiệp Vận tải Ôtô Hàng không Nội Bài để phát triển hệ thống đặt chỗ trực tuyến trên website và ứng dụng di động, đáp ứng nhu cầu chia sẻ đi lại của người dân.

Đến học bơi qua mạng

Một sáng kiến khá độc đáo khác là của công ty tư vấn môi trường Pi C&E. Pi C&E đã mở trung tâm Eboi với chương trình dạy bơi và truyền thông bơi lội và cứu hộ cho các gia đình và trẻ em trên website www.eboi.vn.

Theo Pi C&E, ý tưởng này xuất hiện từ năm 2006, khi có vụ chìm đò tại Con Cuông, Nghệ An làm 20 học sinh thiệt mạng. Mỗi năm, Việt Nam có từ 4.000-6.000 trẻ nhỏ tử vong vì đuối nước. Vì vậy việc dạy bơi cho trẻ em và thúc đẩy các bé học bơi là rất quan trọng. Eboi đã tạo ra một hệ thống giải pháp có thể dạy bơi cho trẻ em mọi lúc mọi nơi, giúp trẻ em cũng như mọi người có thể học bơi qua internet, tivi, radio… trước khi thực hành dưới nước.

Doanh nghiệp xã hội là một mô hình không mới trên thế giới, nhưng vẫn còn khá sơ khai ở Việt Nam. Sau KOTO, nhà hàng và trường dạy nghề cho trẻ em lang thang của anh Jimmy Phạm, một Việt kiều Úc về mở ở Hà Nội từ năm 1996, có một vài doanh nghiệp xã hội khác ra đời nhưng ngay lập tức gặp khó khăn do thiếu nguồn doanh thu bền vững. Đây là bài toán các doanh nghiệp như Đi Chung hay Pi C&E phải giải.

Theo anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Điều hành của Đi Chung, để có thể tồn tại và phát triển, Đi Chung đã kết hợp việc phục vụ kết nối thông tin cho cộng đồng với việc hợp tác với các hãng kinh doanh vận tải để có thể bán chỗ trên mạng.

Còn Pi C&E có thế mạnh trong việc tư vấn về môi trường, chuyển giao công nghệ và quản lý dự án, đào tạo trong lĩnh vực liên quan… Công ty đã từng nhận được khá nhiều dự án tư vấn và đào tạo lớn cho Chính phủ Đan Mạch, Ủy Ban Sông Mekong…

Theo NCDT