Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) gặp khó trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ mới bởi rào cản từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các sản phẩm mới, tâm lý e ngại của người tiêu dùng đến việc thiếu nguồn lực tài chính… Bên cạnh các ưu đãi đầu vào cho hoạt động R&D, mong muốn của nhiều doanh nghiệp KHCN là cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước để thương mại hóa thành công các sản phẩm KHCN mới.
Nhiều rào cản
Theo thông tin từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, tính đến tháng 11/2014, cả nước có 132 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN và hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động mang bản chất doanh nghiệp KHCN. Trong số các doanh nghiệp KHCN được cấp Giấy chứng nhận, đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực về giống cây trồng, dược liệu, vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chú trọng vào việc đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng được doanh nghiệp KHCN chú trọng trong việc xây dựng phương án thương mại hóa các sản phẩm KHCN. Trong bối cảnh khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp KHCN vẫn đạt được doanh thu, lợi nhuận cao từ các sản phẩm KHCN như công ty CP giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, công ty BUSADCO…
Một khó khăn nữa trong quá trình thương mại hóa sản phẩm mới của các doanh nghiệp KHCN đến từ tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Thực tế, tâm lý tiêu dùng hàng ngoại phổ biến không chỉ trong bộ phận dân cư mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước. Các sản phẩm KHCN được tạo ra trong nước không được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc dự án mua sắm sử dụng ngân sách Nhà nước, dù đáp ứng chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các hãng nước ngoài. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài đối với các sản phẩm mới cũng rất khó khăn do trong nước chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc có nhưng không phù hợp với chuẩn chung của quốc tế. Một khó khăn nữa là nhiều doanh nghiệp KHCN bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây tổn hại đến tài sản, giá trị thương hiệu.
Để sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng
Với vai trò là đòn bẩy phát triển nền kinh tế tri thức, cộng đồng doanh nghiệp KHCN cần bà đỡ Nhà nước giúp sức từ giai đoạn nghiên cứu đến sản phẩm và quá trình thương mại hóa, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường và thành lập doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước hiện nay mới chỉ tập trung vào giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp mà chưa quan tâm đầy đủ đến quá trình tìm kiếm, tiếp cận thị trường, xây dựng phương án kinh doanh và kêu gọi nhà đầu tư của doanh nghiệp KHCN. Ngoài việc tiếp cận các chính sách ưu đãi về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh và các nguồn lực cần thiết để thực hiện hoạt động R&D, mong muốn của nhiều doanh nghiệp KHCN là cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để thương mại hóa thành công các sản phẩm KHCN mới.
Theo ông Phạm Hồng Quất, cần sớm có các giải pháp liên ngành, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong thương mại hóa các sản phẩm của doanh nghiệp KHCN hiện nay. Trước hết, hoàn thiện môi trường pháp lý kinh doanh bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và có ưu tiên đối với những sản phẩm mới của doanh nghiệp Việt. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn kiểm định lưu hành sản phẩm thì nên chấp nhận hệ thống tiêu chuẩn quốc tế phổ biến, để sản phẩm KHCN mới được sản xuất và lưu hành. Đối với những lĩnh vực chưa có quy định điều chỉnh, cần tham khảo và hợp tác với các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện đánh giá sản phẩm, cho phép lưu hành sản phẩm trong nước, đồng thời tạo điều kiện để xuất khẩu các sản phẩm KHCN trong nước mà đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, cần sớm bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KHCN tiếp cận thị trường. Công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp KHCN khi đã qua kiểm định cần được Nhà nước ưu tiên sử dụng tại các dự án mua sắm Chính phủ, ưu tiên sử dụng công nghệ trong nước trong các dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước, giúp doanh nghiệp có nguồn thu ban đầu, tạo thương hiệu để có niềm tin cho xã hội về sản phẩm KHCN quốc gia. Đẩy mạnh, hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp KHCN đến nhà đầu tư, người tiêu dùng thông qua các hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, với những sản phẩm KHCN hướng tới đối tượng là những người có thu nhập thấp như nông dân, ngư dân thì Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để giúp các sản phẩm này đến được người tiêu dùng. Các chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ kinh phí nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, trợ giá, hỗ trợ lãi suất vay vốn để đổi mới công nghệ.
Để khắc phục tình trạng nhiều sản phẩm mới không tìm được thị trường, không được thương mại hóa, giải pháp quan trọng nữa là phải làm sao hình thành chuỗi giá trị hàng hóa các sản phẩm sáng tạo trong nước, để kết nối các doanh nghiệp sáng tạo và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm KHCN. Cũng cần chú ý tăng cường hiệu quả cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để có thể triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trên thực tế.