Thông tư 20 của Bộ Khoa học-Công nghệ nhằm hạn chế việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ là một động thái nhanh nhạy, có trách nhiệm, nhưng đã không tính hết mọi vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư. Dù Thông tư 20 đã được ngưng triển khai nhưng cũng cần được phân tích để rút ra bài học về ban hành chính sách.
Nhanh nhạy
Việc nhập khẩu và sử dụng các máy móc thiết bị, dây chuyền thiết bị công nghệ lạc hậu về lâu dài sẽ biến Việt Nam trở thành một nền sản xuất với công nghệ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Mặt khác về mặt vi mô, các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ có chi phí sản xuất thấp, cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp có dây chuyền công nghệ hiện đại vì họ bỏ ra chi phí đầu tư thấp hơn nhưng lại không bị các chế tài về an toàn, bảo vệ môi trường điều chỉnh nên sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn.
Trước tình hình đó Chính phủ đã chỉ đạo hạn chế nhập khẩu các thiết bị máy móc, dây chuyền thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu nhằm tránh biến Việt Nam thành một “bãi rác công nghệ”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học – Công nghệ (KHCN) đã ban hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN vào ngày 15-7-2014 quy định về việc nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Đây là một động thái nhanh nhạy và đầy tinh thần trách nhiệm của Bộ KHCN.
Thông tư này sau khi có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại an tâm kinh doanh và đầu tư. Đặc biệt là các doanh nghiệp ngành xây dựng, vận tải được hưởng lợi trực tiếp nếu thông tư này được áp dụng. Trước đây các nhà thầu nước ngoài về xây dựng và vận tải sau khi trúng thầu sẽ thành lập văn phòng nhà thầu và xin tạm nhập tái xuất các thiết bị thi công: xe lu, xe đào, xúc; thiết bị vận tải như rơ mooc, cần cẩu… cũ, lạc hậu và đã qua sử dụng vào Việt Nam để thi công xây dựng, vận chuyển, bốc xếp hàng hóa.
Các thiết bị máy móc này phần lớn đã qua sử dụng hàng chục năm, khấu hao gần như hết giá trị nên giá thành xây dựng, vận tải rẻ hơn rất nhiều so với việc sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước. Chính vì thế các doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều cơ hội trong việc tham gia vào các dự án lớn mặc dù sử dụng nhân lực và thiết bị tại chỗ.
Tuy nhiên những người soạn thảo thông tư đã không tính hết mọi vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư.
Không khả thi về mặt hiệu lực
Trước hết là thời hạn hiệu lực của thông tư. Thông tư ban hành ngày 15-7-2014 nhưng lại quy định có hiệu lực từ ngày 1-9-2014. Thời gian quy định như vậy quá ngắn, không khả thi vì mặc dù thông tư quy định các hợp đồng ký trước ngày có hiệu lực không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư. Tuy nhiên có nhiều hợp đồng mua bán, nhập khẩu máy móc, dây chuyền thiết bị đòi hỏi quá trình đàm phán, thương thảo kéo dài hàng năm, đặc biệt là các hợp đồng EPC trong lĩnh vực dầu khí, điện lực… thời gian đàm phán ký kết hợp đồng có khi kéo dài 5-7 năm.
Các doanh nghiệp nhập khẩu, các nhà thầu thi công đã đàm phán hợp đồng từ một vài năm trước. Nay ban hành thông tư này họ chỉ có khoảng chưa đầy hai tháng để kết thúc và ký hợp đồng trước ngày 1-9-2014. Nếu không ký hợp đồng kịp sẽ phải áp dụng các quy định mới. Việc này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp có liên quan vì họ không có đủ thời gian để đàm phán, ký hợp đồng trước ngày thông tư có hiệu lực. Còn nếu nhập khẩu theo quy định mới chi phí sẽ đội lên vì họ buộc phải sử dụng máy móc thiết bị, dây chuyền mới hơn so với quy định trước đây, thậm chí phải hủy bỏ dự án vì không thể sử dụng dây chuyền thiết bị đó nữa do quá thời hạn sử dụng.
Mù mờ về quản lý chất lượng
Quy định trong thông tư lần này, chất lượng máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ phải đạt từ 80% trở lên và giao việc xác định chất lượng đó cho các tổ chức giám định có năng lực trong hoặc ngoài nước thực hiện. Tuy nhiên, tiêu chí làm thế nào để xác định chất lượng còn lại từ 80% trở lên thì thông tư không nêu rõ. Doanh nghiệp muốn nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tổ chức giám định. Và việc này rất dễ dẫn đến tiêu cực trong việc xác nhận giám định.
Lẽ ra, Bộ KHCN nên nghiên cứu kỹ và đưa ra một số tiêu chí để doanh nghiệp và tổ chức giám định phải tuân theo khi xác nhận chất lượng: số giờ hoạt động của phương tiện, máy móc thiết bị; tính đồng bộ của máy móc, thiết bị so với catalogue của nhà sản xuất; xác định máy móc thiết bị đã đại tu sửa chữa lớn hay chưa… Đây là có thể là một số tiêu chí chính để xác định chất lượng thiết bị còn tốt hay không vì có những thiết bị máy móc chỉ mới sử dụng trong vòng vài ba năm nhưng do khai thác vượt công suất, số giờ hoạt động lớn nên sẽ hư hỏng nhanh, chất lượng còn kém hơn so với những thiết bị máy móc cũ hơn nhưng số giờ khai thác sử dụng ít hơn. Thiết bị máy móc đã thay thế, sửa chữa phụ tùng, đại tu sửa chữa lớn nhiều bộ phận chính so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất thì dù còn mới cũng không thể xem là chất lượng trên 80% được.
Điều kiện nhập khẩu cần quy định khoa học hơn
Thông tư 20 cũng đã cố gắng phân loại máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ được phép nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất căn cứ theo thời gian sử dụng. Mặc dù vậy cần có sự phân chia khoa học, hợp lý hơn. Đối với các thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ tinh vi, công nghệ thay đổi nhanh liên quan đến lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử… thì cần quy định điều kiện nhập khẩu với thời gian sử dụng khoảng 2-3 năm.
Đối với những máy móc thiết bị mà công nghệ khó có thể có sự thay đổi trong một thời gian dài, như các thiết bị thi công xây dựng, các thiết bị đặc chủng vận tải, bốc xếp cần có quy định thời gian sử dụng lâu hơn, thậm chí có thể lên đến 20 năm bởi vì thực tế cho thấy các loại máy móc thiết bị này có tuổi thọ trên 30 năm và trong một thời gian dài khó có thể có công nghệ mới thay thế hoặc cải tiến.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy rằng Bộ KHCN đã có một chủ trương đúng nhưng quá vội vàng khi triển khai. Và ngày 29-8-2014 Bộ KHCN đã ban hành Quyết định số 2279/QĐ-BKHCN ngưng hiệu lực thi hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN. Đây được coi là một hành động kịp thời của Bộ KHCN. Tuy nhiên cần rút ra những bài học sâu sắc khi ban hành chính sách vĩ mô, tránh “dục tốc bất đạt” khi ban hành chính sách, gây mất uy tín của cơ quan ban hành, tạo ra bất ổn cho nền kinh tế.
Theo Thesaigontimes