Dùng phần mềm quản trị, không dễ thành công

Một dự án phần mềm thành công không chỉ đòi hỏi năng lực ứng dụng của doanh nghiệp, chọn giải pháp phù hợp mà còn lệ thuộc đối tác triển khai, nhà tư vấn và nhiều yếu tố khác

Hai phần mềm doanh nghiệp đang được ứng dụng phổ biến trong các tập đoàn lớn hiện nay gồm Oracle và SAP; Microsoft, Exact Software, Epicor Software, SaleForces… hướng đến phân khúc doanh nghiệp tầm trung. Hơn 40 đối tác triển khai của các nhà cung cấp này đang hoạt động tại Việt Nam đã tạo ra nhiều chọn lựa hơn như FPT, Pythis, CSC, GCS, DiCentral, Tectura, E&A, Votiva, Electra, SSG, Nekita… cùng với các nhà tư vấn như KPMG, Accenture, Deloitte, VinaConsulting… Các phần mềm trong nước thành công với số đông doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Fast Business, Lemon của Diginet, AccNet của Lạc Việt, Misa, PERP của Pythis…

Những dự án chờ ngày “go live”

“Go live” là khái niệm để chỉ một dự án quản trị nguồn tài nguyên doanh nghiệp (ERP) được triển khai thành công và đưa vào vận hành. Tuy nhiên nhiều dự án ròng rã qua nhiều năm nhưng không thể “go live”. Cách nay hơn năm năm, một công ty hàng đầu về vàng bạc đá quý đã triển khai giải pháp ERP của một hãng danh tiếng, nhưng sau đó quay về tìm một doanh nghiệp trong nước để phát triển giải pháp riêng. Đến nay doanh nghiệp này vẫn loay hoay tìm đối tác mới vì cả hai cách đều thất bại. Tương tự, một công ty sản xuất đồ gỗ khá lớn mất nhiều năm ròng cho giải pháp quản lý sản xuất, gần đây đã huỷ toàn bộ dự án và triển khai lại từ đầu với một đối tác mới. Một công ty bất động sản lớn và một công ty dệt may đầu ngành khác cũng thất bại trong dự án ERP, đã để lại cho các ngành này nhiều sự e dè. Sự thất bại làm hao tổn công sức và tiền của của cả hai bên: doanh nghiệp và đối tác triển khai.

Lý do thất bại, vì vàng bạc là sản phẩm thời trang nên thường xuyên thay đổi mẫu mã, số lượng sản phẩm ít nhưng giá trị cao và hệ thống phân phối phân tán, làm cho khả năng “hiểu” của chương trình phải rất chuyên biệt. Ở công ty đồ gỗ là yêu cầu về bài toán lập trình trong sản xuất, đã không quản lý được đường đi của sản phẩm để phục vụ cho quy trình sản xuất và giải quyết bài toán kinh doanh, vì thế thất bại.

Bibica, Savimex là hai doanh nghiệp ứng dụng thành công Oracle đầu tiên tại Việt Nam nhưng trước đó cũng phải trải qua vài lần không thành công. Phần mềm, suy cho cùng, là một quy trình quản lý xuyên suốt tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, vì thế chỉ một lỗ hổng nào đó sẽ ảnh hưỡng xấu đến hệ thống. Theo các chuyên gia, việc tìm đối tác triển khai am hiểu mô hình kinh doanh đã khó, dự án càng dễ thất bại nếu như nhà đầu tư thiếu cái nhìn chuyên nghiệp trong đầu tư.

Rủi ro từ nhiều phía

Tân Hiệp Phát từ năm 2004 đầu tư hệ thống quản lý sản xuất nhưng không thành công. Theo ông Trần Quý Thanh, tổng giám đốc công ty, do thời điểm đó đội ngũ nhân sự còn non trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ còn nhiều hạn chế, trong khi đối tác triển khai là một công ty quốc tế sau nhiều lần sáp nhập đã không còn hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam. Đến năm 2007, công ty này tiếp tục tìm kiếm giải pháp. Năm 2010, hệ thống ERP của SAP do CSC triển khai hoàn thành sau sáu tháng. Theo ông Thanh, ERP là bài học về sự chọn lựa đối tác, khi cần thay đổi họ chính là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình và đưa dự án đến thành công.

Về đối tác triển khai dự án, theo ông Nguyễn Chí Đức, tổng giám đốc công ty Tectura, đối tác triển khai của Microsoft, thì thị trường hiện đã có những bước tiến quan trọng nhờ ERP được ứng dụng nhiều và sâu hơn trong nhiều lĩnh vực sản xuất dịch vụ, đặc biệt là ở các doanh nghiệp hàng đầu. Nhưng để thành công, cần chọn giải pháp phù hợp với mô hình kinh doanh và mục tiêu phát triển, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhỏ để hạn chế những phí tổn trong tương lai.

Ở các ngành công nghiệp đặc thù, quy trình phức tạp đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng về trình độ quản lý, quy trình kinh doanh, sản xuất và nhân sự, nếu không, việc đầu tư hàng triệu đô cho ERP cũng rất dễ trở nên lãng phí. Trên thị trường hiện có các phân khúc rõ rệt về giải pháp lẫn đối tác triển khai để nhà đầu tư cân nhắc. “Việc cần lưu tâm là đầu tư cho ERP không chỉ là giá cả phần mềm, mà cần đánh giá được chất lượng dịch vụ và vận hành sau triển khai”, theo ông Đức.

Vai trò của nhà tư vấn dự án lại càng cực kỳ quan trọng. Theo ông Quang Nguyễn, chuyên gia tư vấn ERP, thông thường những nhà tư vấn ERP ở các quốc gia tiên tiến ban đầu xuất phát từ các công ty kiểm toán, vì họ là những nhà chuyên môn nắm rõ quy trình đặc thù trong các ngành công nghiệp. Còn các chuyên gia công nghệ đóng vai trò hỗ trợ quy trình kỹ thuật cho doanh nghiệp. Ngày nay, chuyên gia tư vấn ERP là bước tiến dài hoà quyện trong hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn rất thiếu những chuyên viên am tường kiến thức các ngành công nghiệp, nên nhiều dự án có thể thành công về mặt kỹ thuật nhưng không thành công về mặt ứng dụng.

Sau nhiều dự án thất bại, đến nay, việc sử dụng vai trò của nhà tư vấn độc lập đang dần phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam. Khác với mười năm trước, ERP nay không còn được quan niệm như một phần mềm đơn thuần giúp chuẩn hoá và tập trung các quy trình nghiệp vụ vào một hệ thống mà việc đầu tư vào giải pháp này phải được chú trọng đến mô hình “hậu ERP”, nghĩa là hướng tới hỗ trợ các chiến lược kinh doanh linh hoạt của doanh nghiệp để cạnh tranh được trên thị trường

Theo internet