Vai trò của quan hệ công chúng (PR) đang trở nên phổ biến và dần đóng vai trò đại diện cho hình ảnh doanh nghiệp. PR bao hàm cả quảng cáo, phản hồi với khách hàng và tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp lớn thì bộ phận PR được xây dựng riêng rẽ và có tiếng nói không hề nhỏ trong chiến lược của công ty, nhưng ở các doanh nghiệp nhỏ thì không như vậy.
Những giải pháp dưới đây sẽ là gợi ý quý báu cho các doanh nghiệp nhỏ:
Phối hợp quảng cáo và PR
Không doanh nghiệp nào từ bỏ hoạt động quảng cáo sản phẩm, thậm chí nhiều nơi ngân sách cho quảng cáo chiếm tới 30 – 40% chi phí hoạt động doanh nghiệp. Do vậy, đừng “bỏ rơi PR”, nếu chưa thực sự xây dựng được bộ phận PR chuyên trách, doanh nghiệp cần suy nghĩ đến việc phối – kết hợp PR và quảng cáo.
Mỗi ngày hàng trăm mẩu quảng cáo đến với người tiêu dùng là những khách hàng thông thường. Đôi khi họ đón nhận thờ ơ, nhưng nhiều khi chính những thông tin từ quảng cáo bình thường lại gây ấn tượng sâu sắc cho công chúng (thông điệp truyền tải, mục đích chiến dịch, hình ảnh doanh nghiệp). Nếu chú trọng điều này thì rất có thể doanh nghiệp của bạn đã thực hiện PR “vô hình” mà vẫn rất hiệu quả.
Thuê ngoài hay tự thực hiện
Hiện nay, số lượng các công ty truyền thông tư nhân cung cấp các dịch vụ PR cho doanh nghiệp ngày càng nhiều, đó là lựa chọn phù hợp khi doanh nghiệp của bạn thật sự không có khả năng kiểm soát và điều hành các hoạt động tương tác với cộng đồng. Nhưng nhớ rằng công chúng ngày càng khó tính và thông minh hơn. Những hoạt động PR giờ đây cũng được thực hiện quá nhiều đến mức trở nên quen thuộc, do đó hãy cân nhắc việc tự thực hiện có thể sẽ đem lại màu sắc tươi mới cho doanh nghiệp.
Có một thuật ngữ được nhắc nhiều trong thời gian qua đó là “Guerrilla PR” – tạm dịch: PR theo kiểu du kích. Được hiểu là bản thân doanh nghiệp sẽ tự sản xuất các sản phẩm PR như thông cáo báo chí, câu chuyện, sự kiện… sau đó “rải rác” cho khắp các hãng truyền thông và báo chí để “phát tán”. Ban đầu sẽ khó khăn vì những nhà báo hay đài truyền hình không mấy quan tâm đến bạn, nhưng một đợt tấn công “diện rộng” sẽ gây chú ý đáng kể nhất là khi doanh nghiệp khắc họa sự khác biệt trong sản phẩm của mình. Mức độ tín nhiệm sẽ tăng dần và sau này chính các đơn vị truyền thông sẽ tự tìm đến với bạn.
PR từ bên trong doanh nghiệp
Nhiều người xem thường việc PR nội bộ vì cho rằng nó chẳng đem lại lợi ích gì, nhưng thực tệ với hạn chế trong quy mô thì PR từ bên trong lại khá hiệu quả mà lại tiết kiệm. Để làm được, người chủ doanh nghiệp nhỏ cần tập hợp các bản báo cáo thành lập công ty, các bản viết vắn tắt về quá trình hình thành và phát triển của công ty và một vài thông tin khác về tình hình hoạt động kinh doanh. Hãy thiết kế chúng dưới dạng điện tử có in hình logo của công ty, sau đó gửi qua email, hoặc biên tập thành các sản phẩm nội bộ để chuyển tới mọi nhân viên.
Chính những sản phẩm PR nội bộ cũng sẽ được chuyển tới các phương tiện truyền thông bên ngoài thông qua các mối quan hệ cá nhân của những nhân viên. Như vậy, thông tin về công ty được đảm bảo chuyển tới tận tận tay những người cần thiết, từ đó uy tín của doanh nghiệp sẽ được đẩy lên từ cả trong lẫn ngoài. Chú ý rằng chỉ nên đưa những thông tin giá trị nhất về công ty bạn lên mặt báo và ở một chừng mực nhất định, vừa đủ để người đọc có thể nhận ra và hiểu. Đừng nhồi nhét vào đó quá nhiều các thông tin không cần thiết vì nó sẽ làm nhiễu khả năng nhìn nhận và đánh giá của người tiếp nhận.
Cuối cùng, doanh nghiệp nhỏ đừng nên quá lo lắng và đặt áp lực vào hoạt động PR thái quá. Mỗi thời điểm và tình hình thì PR sẽ đảm nhiệm những vai trò khác nhau. Nhưng quan trọng và không thể thiếu, doanh nghiệp hãy nhanh chóng tìm kiếm một “người khởi tạo tin tức giỏi” – đó nên là một tay bút có nghề, khéo léo và nhiệt tình với công việc.
Theo TBKD