Đó là khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách vĩ mô.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH), tình hình kinh tế Việt Nam năm nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ để đạt mục tiêu kép: tăng trưởng khoảng 5,5%, lạm phát khoảng 8%.
Thuế thu nhập cá nhân làm giảm chi tiêu của người nộp thuế. Ảnh: HỒNG THÚY
Tăng trưởng suy giảm – nợ xấu gia tăng
Mặc dù còn những số liệu khác nhau về nợ xấu nhưng Ủy ban Kinh tế của QH chỉ rõ vấn đề đáng lo ngại là nợ xấu đang ở mức cao và tăng nhanh. Cụ thể, nợ xấu tăng 75% năm 2008, năm 2009 giảm xuống 27% rồi lại tăng vọt lên 64% và 66% trong các năm 2011 và 2012. Trong đó, mức giảm mạnh của nợ xấu vào năm 2009 là do các gói kích cầu tạm thời che khuất, đến những năm gần đây, nợ xấu lại bộc lộ mạnh hơn khi dòng tín dụng giảm tốc.
Trạng thái động của nợ xấu có liên quan trực tiếp và chặt chẽ tới tăng trưởng và hiện nay, vòng xoáy “tăng trưởng suy giảm – nợ xấu gia tăng” ngày càng trở nên hiện hữu đối với nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang kéo theo sự trì trệ của ngành xây dựng, vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng lớn đến việc làm và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của QH vẫn cảnh báo Chính phủ không thể có đủ lực và không nên giải cứu bất động sản vì dễ dẫn đến rủi ro đạo đức, làm cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013 không có nhiều điểm sáng, đặc biệt là tăng trưởng GDP, nhiều khả năng vẫn chưa thoát khỏi đà suy giảm. Trong khi đó, nền kinh tế lại phải đối mặt với nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất là lạm phát do tăng lương tối thiểu và lộ trình theo giá thị trường của hàng loạt mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như điện, giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, còn có rủi ro về nguồn tài chính đang khan hiếm nhưng có thể bị phân bổ lệch lạc, chảy vào nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cảnh báo năm 2013 không còn các gói kích cầu nhưng ở từng lĩnh vực vẫn có các chính sách hỗ trợ, ví dụ như việc Ngân hàng Nhà nước sẽ cung ứng 40.000 tỉ đồng lãi suất thấp cho người dân mua nhà ở xã hội. Nếu các chính sách này không được thực hiện công khai, minh bạch, dòng vốn vẫn có thể được “nắn” vào các nhóm lợi ích, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường cũng như niềm tin của người dân vào chính sách.
Khôi phục sức mua
Từ thực tế nói trên, Ủy ban Kinh tế của QH khuyến cáo cần thực hiện ngay không chỉ các giải pháp trước mắt mà phải có giải pháp ở tầm trung và dài hạn.
Cụ thể, năm 2013 cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tăng cung tiền và phân bổ tín dụng có hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhưng lạm phát thấp hơn năm 2012. Tiếp tục mua vào ngoại tệ để tăng cung ứng tiền cho nền kinh tế, ưu tiên vốn một cách có hiệu quả cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn… Về chính sách tài khóa, cần ưu tiên thanh quyết toán nợ đọng từ các dự án đầu tư công, ưu tiên giải ngân các dự án dang dở để nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng xem xét khả năng tiếp tục giảm thuế và phí đối với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có khả năng tăng tiết kiệm, góp phần cho sự phát triển nền kinh tế. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, Chính phủ và QH có các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế để khôi phục sản xuất, hỗ trợ thị trường.
Đồng tình với quan điểm tiếp tục xem xét hoãn và tiến đến miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, nhất là với các mặt hàng có mức độ tồn kho lớn và có tỉ lệ sản xuất nội địa cao nhưng Ủy ban Kinh tế của QH cũng khuyến cáo giải pháp này cần tính toán kỹ để chọn chính xác danh mục các mặt hàng và mức độ miễn giảm thuế giá trị gia tăng phù hợp cho từng loại, để tránh “rò rỉ” ra hàng ngoại nhập hay “kích cầu hộ nước ngoài”.
Thuế thu nhập cá nhân vượt dự toán… đến 21,2%Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng chính việc vượt thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2012 tuy cải thiện được thâm hụt cán cân ngân sách nhưng lại không tốt đối với khôi phục thị trường nội địa, vì thuế TNCN làm giảm thu nhập khả dụng và qua đó làm giảm chi tiêu của người nộp thuế. Mặc dù suy giảm kinh tế nhưng trong cơ cấu thu nội địa năm 2012, thu từ thuế TNCN vượt dự toán đến 21,2%. |