Mua gian hàng ảo, mất tiền thật
TT – Thương mại điện tử là một hình thức giao thương tất yếu trong thời bùng nổ mạng Internet. Thế nhưng tại VN, những khu “chợ” trên mạng đang phát triển như “nồi lẩu thập cẩm”, bị nhiều kẻ sử dụng như một công cụ lừa đảo.
Khi PV mở máy tính để chị Si, chị Hương (những nạn nhân của MB24) xem, họ mới biết những người họ gửi gắm hi vọng đã bị bắt và lúc đó mới hiểu sơ máy tính hoặc Internet là gì – Ảnh: Trung Tân
Rao tuyển nhân viên bán thẻ cào, kinh doanh, phát triển thị trường… nhưng thực chất là hình thức tuyển hội viên vào mạng lưới tuyển dụng đa cấp.
Các mạng lưới này có mặt ở nhiều quận huyện tại TP.HCM và các tỉnh thành với số hội viên lên đến hàng ngàn người. PV Tuổi Trẻ đã nhiều ngày xâm nhập mạng lưới trên và được truyền nhiều “bí kíp” dụ người tham gia vào ăn hoa hồng là chính, kinh doanh chỉ là phụ.
“Mồi câu” hấp dẫn
Theo thông tin rao tuyển nhân viên với mức lương 3-10 triệu đồng/tháng, chúng tôi tìm đến chi nhánh của Công ty CP Vaphuco (Q.Bình Tân, TP.HCM). Tại tầng trệt, chúng tôi được hội viên Trần Minh Tường dẫn đến gặp “sếp” Hoa hoặc Nam – những người mà Tường giới thiệu là “rất thành công” – để nghe hướng dẫn mà thực chất là dụ dỗ chúng tôi tham gia mạng lưới. Theo lời Nam, khi gia nhập hội viên sẽ được công ty đào tạo kỹ năng, được tạo tài khoản đăng nhập và sở hữu gian hàng trực tuyến ở website trogia.vn, được tặng phiếu mua hàng trị giá 6 triệu đồng, được cấp thẻ Vip mua hàng giá ưu đãi ở đối tác liên kết…
“Kinh doanh trên gian hàng chỉ là phụ, cái chính là xây dựng mạng lưới của mình” – Nguyễn Trường Nam giở “bài ngửa”. Theo Nam, bí quyết làm giàu dựa trên công thức tuyển hội viên theo “sơ đồ nhị phân” hay còn gọi là sơ đồ hình cây. Cụ thể, mỗi người tham gia mạng lưới luôn được cắm làm tuyến dưới của hội viên khác và hội viên này tìm hai hội viên khác để cắm vào thành tuyến dưới của mình…
Theo Nam, khi tìm được hai tuyến dưới thì hoa hồng cho mỗi người tuyển được là 450.000 đồng, tổng cộng là 900.000 đồng. Cộng thêm 100.000 đồng tiền thưởng “đối xứng” cho hai hội viên tuyển được, tất cả được 1 triệu đồng. “Mỗi người tuyến dưới sẽ làm việc cho mình, khi đó mỗi tháng không làm gì cũng có tiền…” – Nam nói.
Để thuyết phục hơn, các hội viên thay nhau nêu tên nhiều thành viên sau một thời gian ngắn tham gia đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Tại hội nghị công ty được tổ chức vào ngày 5 hằng tháng, các Vip (thành viên tuyển được 50 người) được trao thưởng tiền “tươi” gần 20 triệu đồng. “Nếu anh không đủ tiền có thể đặt quyền lợi (đặt cọc) trước để giữ chỗ” – Nam nói.
Tại Công ty CP đầu tư Đại Hưng Phát, chúng tôi được một nhân viên tên M. khẳng định chỉ cần bỏ ra ban đầu 3 triệu đồng để mua một gian hàng hoặc 6 triệu đồng để lập một website trên trang www.gobay.vn là có thể ung dung… đếm tiền. “Chỉ cần mời được một thành viên mới tham gia lập gian hàng, anh sẽ được hưởng 600.000 đồng và 100.000 đồng tiền tư vấn, và cứ hai người thì cộng thêm 150.000 đồng tiền cặp. Tôi thấy anh nhanh nhẹn, chuyện mời thành viên tham gia đâu có khó nên tương lai rất xán lạn” – M. nói.
M. tiết lộ thêm thu nhập của chúng tôi sẽ tăng gấp bội nếu mời được người tham gia thành lập website tại trang www.gobay.vn. Cụ thể, mời được một người lập website, tiền hoa hồng sẽ là 1,5 triệu đồng/người và 100.000 đồng tiền tư vấn, thêm một người nữa thì được cộng thêm 300.000 đồng tiền cặp. “Nếu anh mời được 60 người lập website sẽ đạt cấp độ “VIP gian hàng”, có thể nhận tiền hoa hồng trên 20 triệu đồng, còn mời được 100 người lập website sẽ đạt cấp “VIP website”, số tiền nhận được lên tới… 175 triệu đồng” – M. nói.
Mánh cũ, nạn nhân mới
Theo tìm hiểu, đa số thành viên của các công ty này đều xuất thân là lao động tự do hoặc công nhân, ngoài ra còn có sinh viên tham gia. T. – quê Bình Thuận, làm thành viên được hơn một tháng – cho biết trước đây làm nghề bán heo quay, vịt nướng. “Làm hoài chỉ đủ sống, dư được bộ quần áo. Khi được giới thiệu công việc này mình đón xe về quê vay tiền đi làm. Nhiều người khác như chị Hoa trước đây làm thợ may, khi vào không có tiền phải cầm xe máy nhưng đến nay đã mua được chiếc Air Blade” – T. nói.
Công việc của T. hằng ngày là dán tờ rơi tuyển dụng trên các trụ điện và mời người tìm việc đến chi nhánh. “Mỗi ngày có 70-80 người đến công ty. Cứ tám người cũng thuyết phục được 5-6 người đặt cọc, tham gia làm hội viên. Nhiều công nhân bỏ việc chuyển sang làm luôn, sinh viên cũng có nhiều” – T. cho hay. Còn Vinh trước làm thợ hồ đã cầm xe máy, nữ trang của vợ để có tiền trở thành hội viên.
Trong quá trình thuyết phục người tham gia mạng lưới, những hội viên của trogia.vn luôn nhấn mạnh với người đến tìm việc cách kiếm tiền dựa trên việc phát triển hội viên tuyến dưới để lấy hoa hồng, còn việc kinh doanh trên trogia.vn chỉ là “lấy tiền xăng xe, cà phê”. “Hiện nay tuyến dưới của em được bảy người, sắp tới có tám đứa bạn nữa chắc chắn sẽ tham gia cùng em. Mình tuyển người theo cách nóng, ấm, lạnh. Nóng là tuyển những người thân nhất của mình vào, ấm là những người có quen biết, lạnh là khách hàng bình thường” – Huy (Phú Yên), thành viên của mạng lưới này, nói.
Tương tự, Công ty CP đầu tư Đại Hưng Phát cũng lôi kéo được khá nhiều người bỏ tiền mua những gian hàng ảo trên trang web www.gobay.vn của công ty này. Anh Vũ Văn Quân, từng là công nhân ở TP.HCM trước khi tham gia công ty này, thừa nhận với thu nhập bèo bọt của công nhân, anh đã không thể cưỡng được viễn cảnh kiếm tiền dễ và nhanh của phương thức này nên đã đánh liều.
“Tôi đã mượn 6 triệu đồng của bạn bè và người thân để lập website thông qua mạng này, đến khi phát hiện phương thức này có vẻ không thực tế và thiếu đàng hoàng thì đã muộn rồi…” – anh Quân than thở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì ở TP.HCM và Bình Dương, mạng lưới của Công ty CP Đại Hưng Phát hiện đang lan rộng ra các làng quê ở miền Trung và Tây nguyên để “săn” những con mồi mới.
Tin bợm, mất bò
Vợ chồng chị La Thị Si (dân tộc Tày, một trong năm nạn nhân của MB24 tại thôn 8, xã Đắk Win, Cư Jut, Đắk Nông) cho biết dù không hề biết vi tính hay Internet là gì nhưng nghe nhiều người tiếp thị hay quá nên tin lời vay tiền mua ngay ba gian hàng trị giá 13,5 triệu đồng. Mua xong, cả gia đình háo hức chờ đợi nhận thẻ rút tiền từ MB24 chi nhánh Ea Kar (Đắk Lắk) để hưởng tiền lời hằng tháng nhưng mãi không thấy hồi âm.
Anh Lương Văn Thoại, chồng chị Si, ngậm ngùi kể dù chưa biết mặt mũi cái máy vi tính như thế nào, nhưng được mấy người làm trong MB24 tận tình hướng dẫn cách thức tham gia, đồng thời khẳng định chỉ với hơn 5 triệu đồng mua một gian hàng, không cần làm gì hết, ba tháng sau sẽ có 70-90 triệu đồng. “Họ nói kinh doanh các gian hàng này chỉ dành cho người nghèo vì công ty nhân đạo, muốn giúp những gia đình nghèo vươn lên giàu có và mỗi gia đình chỉ được tham gia tối đa ba gian hàng… Nghe nói thế chúng tôi mới vay tiền tham gia, nào ngờ…” – anh Thoại than thở.
Chị Lương Thị Hương, hàng xóm của anh Thoại, cũng vay nóng 5,2 triệu đồng mua ngay một gian hàng dù không hề biết nó là thứ gì. Khi mua gian hàng cũng chỉ qua trung gian là những người từ Ea Kar, Đắk Lắk giới thiệu chứ không làm giấy tờ, không có biên lai. Ngay cả tên tuổi của mình (account – tài khoản Internet) trên MB24 như thế nào cũng phó mặc cho những đối tượng trên và chỉ biết… chờ!
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, đến nay chỉ riêng hai chi nhánh của MB24 tại Đắk Lắk đã lôi kéo và lập được 4.354 gian hàng trên trang muaban24.vn. Đại tá Phạm Minh Thắng, chánh văn phòng Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết cách thức hoạt động của MB24 là tuyên truyền, phô trương như mua hàng giá rẻ, thu nhập hấp dẫn từ hàng chục đến 100 triệu đồng/tháng… Từ khi thành lập đến tháng 5-2012, hai chi nhánh MB24 tại Đắk Lắk có doanh thu 22,6 tỉ đồng từ việc bán gian hàng trên mạng. “Ngoài MB24, còn nhiều công ty dạng này nên người dân khi nghe giới thiệu, quảng cáo hấp dẫn cần cảnh giác, tránh mắc lừa những kẻ lừa đảo” – ông Thắng khuyến cáo.
“Một vốn, bốn lời”!
Một chuyên gia về thương mại điện tử cho biết để mở và duy trì hoạt động một website bán hàng trên mạng chỉ cần kinh phí trên 100 triệu đồng bao gồm: thiết kế 40 triệu đồng, server 20 triệu đồng, tiền đặt chỗ 18 triệu đồng/năm, chi phí thuê khoảng năm người để quản trị, nhập liệu, kinh doanh khoảng 25 triệu đồng/tháng. Hiện Công ty Vaphuco có trên 2.000 hội viên nhân với 3 triệu đồng/người thì doanh thu 6 tỉ đồng. Chuyên gia này cũng cho biết nhiều website hiện nay kinh doanh theo kiểu 95% phát triển thành viên và 5% thực chất có bán hàng để trục lợi.
Thương mại điện tử trá hình
Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM) cho biết hiện Nhà nước không cấp phép hình thức trả huê hồng theo hệ thống như một số công ty áp dụng. Đây là hình thức thương mại điện tử trá hình, đa cấp bất chính theo kiểu người đi sau trả tiền cho người đi trước.
Nhiều Website bán hàng trực tuyến không đầu tư hàng hóa mà chỉ thuê gian hàng làm chiêu thức để hoạt động, không bán hàng đa cấp mà trả thưởng theo hình thức đa cấp. Đây là hình thức đánh vào lòng tham của người dân, thực chất có những người dụ được người khác tham gia để kiếm tiền, nhưng phần đông không kiếm được người mới nên bị mất tiền. VECOM cho biết đang rà soát các thành viên hoạt động theo hình thức trả thưởng đa cấp để có văn bản yêu cầu giải trình, có hướng thay đổi.
Giăng đủ loại bẫy lừa bán hàng trên mạng
Lướt qua những khu chợ online, sàn giao dịch thương mại điện tử, không khí mua bán sôi động không kém các khu phố mua sắm hay những khu chợ thực thụ. Từ cây kem đến con gà cúng, máy gặt lúa… Thế nhưng đằng sau sự náo nhiệt đó là những cái bẫy chực chờ khách hàng…
Bức xúc, thiệt hại nhưng người tiêu dùng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Các đơn vị bảo vệ người tiêu dùng cũng đành bó tay!
Mòn mỏi chờ hàng
Sau gần bốn tháng đặt tiền mua chiếc đồng hồ qua mạng, đến nay anh Nguyễn Xuân H. ở Hà Nội vẫn chưa hết bực tức. Trước đó, cuối tháng 4 anh H. quyết định mua hai đồng đồ đeo tay hiệu Lancaster trên website www.brandsfavor.com do giá khá mềm, nhà cung cấp cam kết hàng chính hãng nhập khẩu từ Ý. Cụ thể ngày 24-4 anh chuyển tiền mua một chiếc đồng hồ nam và ngày 27-6 anh chuyển tiền mua một chiếc đồng hồ nữ, cả hai trị giá hơn 9,6 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền nhưng đợi mãi không thấy chủ trang web chuyển đồng hồ, sinh nghi anh H. gọi điện liên tục, sau nhiều cố gắng đến gần hai tháng anh mới nhận được hàng, nhưng chiếc đồng hồ không giống như những lời quảng cáo trên mạng. “Chiếc đồng hồ đã bị trầy xước mặt, do đó dù không biết là hàng thật hay dỏm nhưng thấy hàng lỗi nên tôi gửi lại yêu cầu đổi hàng mới” – anh H. kể lại.
Tuy nhiên sau thời gian hẹn tới hẹn lui, chủ trang web vẫn không đổi hàng. Quá bức xúc, anh H. yêu cầu người bán trả lại số tiền hơn 9,6 triệu đồng mà anh đặt mua hai chiếc đồng hồ. Thế nhưng, sau đó anh H. cũng chỉ nhận được những lời ậm ừ hứa hẹn từ công ty quản lý trang web. Anh H. cho biết anh đã gửi đơn lên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN và hội đã có văn bản gửi cho đơn vị chủ trang web www.brandsfavor.com nhưng họ vẫn “bặt vô âm tín”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-8, đại diện của trang web www.brandsfavor.com cho biết việc chậm chuyển hàng cho anh H. là do hàng về chậm. Công ty thừa nhận có chậm trễ trong bộ phận nhân viên khách hàng nên cùng ngày phía lãnh đạo công ty đã xem xét và quyết định trả lại tiền mua hai chiếc đồng hồ cho anh H..
Tương tự, do có nhu cầu mua máy tính xách tay nên anh Nguyễn Ngọc Hòa vào trang www.vndoa… chọn mua máy tính. Tại trang web này anh đọc được những dòng quảng cáo xen lẫn chữ Việt và Trung Quốc: “Chỉ với 5,3 triệu đồng bạn có thể sở hữu chiếc máy tính Acer trị giá 7,6 triệu. Với thiết kế thông minh, tinh xảo…”. Tin vào lời đường mật, anh Hòa chuyển tiền nhưng khi nhận hàng anh giật mình vì không có hóa đơn, giấy bảo hành chỉ là tờ giấy viết nguệch ngoạc bằng tay, không có đĩa gốc và sách hướng dẫn. Đúng như nghi ngờ của anh, sau hai tháng sử dụng máy đột nhiên bị bung ra và xộc xệch như đồ bỏ đi. Anh Hòa đưa bảo hành thì công ty trả lời: “Nếu anh muốn sửa chữa thì công ty sẽ gửi về Trung Quốc sửa với giá 2,6 triệu đồng”…
Cùng cảnh ngộ, chị Minh Nguyệt (P.13, Q.Tân Bình) đặt mua chai nước hoa hiệu Calvin Klein trên mạng được giới thiệu là hàng xách tay chính hãng. “Giá chính hãng loại này khoảng 1 triệu đồng nhưng do là hàng xách tay giá rẻ gần một nửa nên tôi nhanh chóng đặt hàng và chuyển tiền” – chị Nguyệt cho hay. Tuy nhiên khi nhận được hàng, sản phẩm đúng là hàng thật, chính hãng nhưng lượng nước hoa chỉ còn… một nửa. “Đúng là tiền nào của nấy” – chị Nguyệt đành chấp nhận thương đau.
Lặn mất tăm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều đối tượng sử dụng kẽ hở trong quản lý về thương mại điện tử để trục lợi. Thông thường các đối tượng này lập những gian hàng ảo trên mạng (dùng các dữ liệu giả mạo như địa chỉ nhà, số điện thoại, tài khoản ngân hàng…) để tạo lòng tin cho người mua, sau đó đề nghị họ chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền thì các đối tượng này lấy cớ giao hàng trễ để “câu giờ” tiếp tục lừa những đối tượng khác… Sau khi đánh được nhiều “con hàng” thì các đối tượng này bỏ gian hàng cũ và lập một gian hàng mới tiếp tục lừa đảo. Ngoài ra, một số trường hợp sau khi khách hàng chuyển tiền, hàng cũng được giao cho khách nhưng phần lớn là hàng nhái, hàng Trung Quốc kém chất lượng…
Là người khá cẩn thận, anh Nguyễn Thanh Phương ở Cần Thơ đã vào gian hàng tên Nhất Nhật Mobile trên trang www.vatgia.com với đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc “đảm bảo chính xác” để mua điện thoại. Sau khi chuyển 6,3 triệu đồng để mua chiếc điện thoại Samsung Galaxy S2 mã model i9100, anh Phương nhận được chiếc điện thoại hàng nhái không hề có tên hiệu của Samsung trên sản phẩm và các thông số kỹ thuật đều không đúng như quảng cáo trên mạng. “Biết mình bị lừa, tôi gửi ngược điện thoại lại cho Nhật – chủ gian hàng – và đòi lại tiền, tuy nhiên Nhật nhận hàng nhưng không chịu chuyển tiền lại và lặn mất tăm” – anh Phương bức xúc. Báo thông tin lên Công an quận 5 theo địa chỉ Nhật đăng ký trên website, lúc đó anh Phương mới vỡ lẽ là địa chỉ “ma”. Khi liên lạc với quản trị mạng vatgia.com thì được biết Nhật đã bỏ trốn.
Khó đòi quyền lợi
Theo thống kê của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM, từ đầu năm đến nay các đơn vị tiếp nhận hàng chục lá đơn và điện thoại khiếu nại về việc bị lừa khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, các trang web bán hàng. Bà Đào Thị Cúc, người chuyên tiếp nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng tại Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas), cho biết: “Hầu hết nạn nhân ở các sự vụ này đều cả tin chuyển tiền cho chủ những gian hàng ảo trên mạng rồi không nhận được hàng hoặc nhận được hàng kém chất lượng không như quảng cáo trên mạng. Đến khi biết bị lừa đi khiếu nại thì nhiều chủ gian hàng lặn mất tăm hoặc ậm ừ cho qua chuyện khiến việc đòi quyền lợi cho người tiêu dùng rất khó khăn”.
Ông Ngô Bách Phong – phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM – cho biết mặc dù tiếp nhận rất nhiều đơn kêu cứu của khách hàng nhưng không thể nào giải quyết nổi. Thậm chí có nhiều người tiêu dùng bức xúc đem sản phẩm đến đơn vị nhưng không hề có các hóa đơn chứng từ mua bán để xác minh. Việc giao dịch từ lúc xem hàng, thanh toán chủ yếu giao dịch qua mạng Internet và chuyển tiền qua tài khoản nên rất khó truy tìm nguồn gốc người bán.
Buông lỏng kiểm soát
Theo quy định về trách nhiệm của các thương nhân tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng. Thế nhưng khi có tranh chấp xảy ra, trách nhiệm của chủ website mua bán, rao vặt miễn phí nơi cho thuê gian hàng lại không được đề cập.
Mặt khác, dù trong nội quy của các diễn đàn, website này đều có quy định dành cho người rao, đăng tin không được bán hàng giả, hàng trái phép, hàng kém chất lượng… nhưng thực tế các quản trị diễn đàn không hề kiểm soát được thông tin thật sự về chất lượng hàng hóa đưa lên. Chưa kể các thông tin về người rao hàng thậm chí cũng không được kiểm định nên thường là thông tin ảo, khách hàng dễ bị lừa.
Theo ICTnews