Trình làng thương hiệu Wrap&Roll từ năm 2006 với tốc độ phát triển tăng dần đều (mỗi năm đều tăng trưởng 20 – 30%), cái tên Nguyễn Thị Kim Oanh gắn liền với màu hồng trong bức tranh kinh doanh theo chuỗi ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cần một đại diện ở mảng màu tối của bức tranh này, cũng có thể nghĩ đến bà. Bởi, chuỗi cửa hàng Wrap&Roll cũng đã từng phải thu gọn. Mười một cửa hàng thời kỳ hoàng kim của Wrap&Roll có lúc chỉ còn lại tám.
Ảnh: Quý Hòa |
Gặp lại bà Nguyễn Thị Kim Oanh trong một chương trình giao lưu với sinh viên cuối tháng 8 vừa qua, sự rạng ngời đã hiện diện trở lại trên gương mặt người phụ nữ ấy.
Có lẽ, sự hưng phấn đến từ niềm vui “tái phát triển” tại thị trường TP.HCM bằng việc khai trương cửa hàng mới nhất của Wrap&Roll trong khu vực phố Tây ở đường Đề Thám, quận 1, khiến bà dễ mở lòng hơn khi nói về mình, về những thăng trầm Wrap&Roll đã trải qua.
Đổi lớn rộng lấy phát triển sâu
* Xác định ngay từ khi khởi nghiệp là sẽ kinh doanh theo mô hình chuỗi, cố gắng từng ngày để nâng con số cửa hàng Wrap&Roll lên để rồi chỉ trong vòng 6 tháng phải quyết định đóng cửa cùng lúc 4 nhà hàng, việc này có là cú sốc với bà?
– Nhìn lại, đó quả là quãng thời gian khó khăn với tôi khi phải đưa ra quyết định cắt dần từng cánh tay của Wrap&Roll. Phần vì khó khăn kinh tế, nhưng lý do chính khiến chúng tôi phải đóng cửa các quầy hàng trong các Foodcourt thuộc Trung tâm thương mại Parkson là do chiến lược kinh doanh của họ có thay đổi.
Đồng thời, cách lựa chọn và tổ chức các gian hàng của Trung tâm cũng bị trùng lắp về sản phẩm nhưng lại khác biệt về giá cả, tạo thế cạnh tranh không lành mạnh, khiến khách hàng bị phân tâm.
Bên cạnh đó, không thể không kể tới những quyết định sai lầm của tôi trong việc lựa chọn địa điểm, thế nên việc đóng cửa những nhà hàng hoạt động không hiệu quả là hệ quả tất yếu.
* Bà có nghĩ việc thu hẹp quy mô của một thương hiệu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ấn tượng của khách hàng về thương hiệu đó?
– Phải đóng cửa một cửa hàng luôn là quyết định khó khăn đối với người chủ. Tôi cũng tiếc công sức mình bỏ ra lắm chứ.
Tuy nhiên, lại nghĩ, đóng cửa những cửa hàng không hiệu quả không có nghĩa là dừng lại. Nếu con đường mình đi chưa thích hợp thì cũng nên chuyển hướng để có thể đi xa hơn.
Vượt qua giai đoạn đầu tiên là phát triển theo chiều rộng, giai đoạn này Wrap&Roll cần phát triển theo chiều sâu nên việc chuyển đổi chiến lược cũng là tất yếu. Lớn rộng chưa chắc hiệu quả bằng chuyên sâu.
Điều thấy rõ nhất là khi rút gọn chuỗi cửa hàng, nhân viên của tôi hứng thú hơn hẳn bởi họ không còn phải chạy theo số lượng, có thời gian chăm chút nhiều hơn cho các tiểu tiết trong việc phục vụ ở Wrap&Roll. Và điều này cũng làm cho khách hàng của chúng tôi thấy hài lòng hơn.
Với bản thân thì khó khăn vừa qua cũng là động lực khiến tôi tìm tòi nhiều hơn để thấy được những cơ hội xung quanh mình.
* Và một trong những cơ hội đó là thị trường Hà Nội?
– Wrap&Roll đã lên kế hoạch “Bắc tiến”, tiếp cận thị trường Hà Nội nhưng chưa phải vào thời điểm này. Tôi là người khá cẩn trọng nên muốn có thời gian chuẩn bị nhiều hơn. Việc thu gọn chuỗi cửa hàng ở TP.HCM giúp tôi đẩy nhanh hơn quá trình này.
Dồn vốn liếng của 4 cửa hàng vừa đóng cửa ở TP.HCM, Wrap&Roll có thể mở 2 cửa hàng ở Hà Nội, nâng con số chi nhánh lên thành 8, trải rộng ở cả hai miền Nam – Bắc. Sự đón nhận của khách hàng miền Bắc chứng tỏ tôi đã quyết định đúng.
Câu chuyện này phần nào cũng cho tôi một bài học: Kế hoạch dài hạn có thể thay đổi trong quá trình kinh doanh. Phải có sự nhạy cảm mới có thể điều hành tốt công việc kinh doanh.
* Vậy, việc khai trương nhà hàng ở phố Tây vừa mới đây có thể xem là kế hoạch tái phát triển của Wrap&Roll tại TP.HCM?
– Lý do khiến tôi mở Wrap&Roll tại đường Đề Thám là sau khi khảo sát khu vực này, tôi không thấy một nhà hàng Việt Nam nào được đầu tư về hình ảnh một cách thiết thực.
Điều này khiến tôi băn khoăn, không biết khách du lịch, mà hầu hết là người trẻ, tập trung tại đây cảm nhận thế nào về ẩm thực, văn hóa và đời sống của người Việt Nam chúng ta.
Tôi thấy mình có trách nhiệm thông qua mô hình món cuốn của Wrap&Roll giới thiệu rõ hơn với du khách về ẩm thực Việt. Tất nhiên, không thể phủ nhận tôi cũng nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở khu vực này.
Hướng đến đối tượng khách ngoại quốc không ngoài lý do tôi cũng muốn có “bàn đạp”, tạo ấn tượng về thương hiệu để Wrap&Roll có thể tiến xa hơn ở thị trường các nước.
“Bí kíp” nhượng quyền
Cách đây hai năm, năm 2011, Wrap&Roll đã “xuất ngoại” với thương hiệu nhượng quyền khá ấn tượng với đối tác Úc. Đây được xem là “chuyện lạ” khi Wrap&Roll tỏ ra kiên định với việc tự điều hành trong nước nhưng lại sẵn sàng gật đầu với thị trường nước ngoài.
Tuy không tiết lộ giá trị thương vụ này nhưng việc nhượng quyền sang Úc đã mở đầu cho kế hoạch nhượng quyền của Wrap&Roll tại các nước khác, cụ thể là Singapore sau này. Và tham vọng đưa Wrap&Roll đi xa hơn của bà chủ trẻ vẫn chưa dừng lại…
* Sự bùng nổ chuỗi cửa hàng ăn uống, đặc biệt là sự có mặt của hầu hết các thương hiệu nổi tiếng thế giới: KFC, Lotteria, Burger King, Starbucks… tại các thành phố lớn ở Việt Nam cho thấy sự hấp dẫn của mô hình nhượng quyền và kinh doanh theo chuỗi. Đây cũng là cách để phát triển chuỗi nhanh nhất, nhưng có thông tin là bà từ chối thị trường trong nước?
– Xác suất thất bại của việc tự mở một nhà hàng kinh doanh lên đến khoảng 70%. So với kinh doanh truyền thống thì nhượng quyền thương hiệu có bảo chứng cho thành công cao hơn.
Ngay từ khi bắt tay vào kinh doanh, ban đầu chỉ muốn xây dựng một nhà hàng thật tốt nhưng từ việc chọn thương hiệu đến tổ chức nhận diện thương hiệu…, tôi đã hướng đến phát triển Wrap&Roll thành chuỗi.
Tuy nhiên, như việc chọn tên tiếng Anh cho “đứa con” này, tham vọng của tôi là đưa Wrap&Roll ra thị trường nước ngoài. Tôi vẫn rất say mê tự điều hành chuỗi cửa hàng của mình nên chưa nghĩ đến việc nhượng quyền ở thị trường trong nước.
Cảm nhận sự trưởng thành trong kinh doanh, với tôi, là một xúc cảm rất đặc biệt.
* Với cảm nhận này, cộng với sự hỗ trợ của công nghệ, hoàn toàn có thể điều hành kinh doanh ở nước ngoài, thưa bà?
– Nhượng quyền ra nước ngoài là mang ẩm thực Việt Nam ra thị trường thế giới, như vậy cũng đã đủ để tôi thấy tự hào. Tuy nhiên, lựa chọn đơn vị để nhượng quyền cũng khó khăn như việc khởi sự một doanh nghiệp.
Dù là người nhượng quyền hay được nhượng quyền cũng đều cần đầu tư nghiêm túc, phải biết cách để đồng hành cùng nhau thì mới có thể phát triển được.
* Chưa nhiều nhưng cũng đã có một vài doanh nghiệp Việt Nam thất bại khi nhượng quyền ra thị trường nước ngoài. Khi chấp nhận “gả con xa”, bà có lường trước được các rủi ro có thể xảy ra với thương hiệu của mình?
– Kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro và phiêu lưu với những xác suất (thành công hoặc thất bại). Đó là lý do phải thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thương thảo nhượng quyền.
Giống như “kén rể”, Wrap&Roll phải tìm hiểu đối tác để có thể trả lời những thắc mắc cũng như giải tỏa những lo ngại của mình.
Tất nhiên vẫn có những thông tin chưa thể xác minh ngay, những nghi vấn không thể trả lời bằng trực giác thì phải lường trước rủi ro và sẵn sàng chấp nhận.
Chấp nhận nhượng quyền đồng nghĩa với thành công của cửa hàng nhượng quyền là thành công của thương hiệu nên khó có thể giấu nghề. Để chắc chắn với quyết định của mình, Wrap&Roll cũng phải tìm đến nhà tư vấn về kinh doanh nhượng quyền.
* Sự thận trọng đôi khi có thể làm chậm cả một tiến trình, thưa bà?
– Tôi không phủ nhận Wrap&Roll hiện đang chậm hơn khả năng có thể nhưng sự thận trọng là cần thiết cho việc kinh doanh và càng cần thiết hơn cho việc nhượng quyền. Thực tế thì ẩm thực Việt Nam hiện diện ở các nước chỉ là những cửa hàng nhỏ lẻ của những người dân di cư.
Với hình thức này thì sự hiện diện đó cũng là chưa chính thức. Tôi cần phải chuẩn bị nhiều thứ cho sự hiện diện của Wrap&Roll.
Từ năm 2008, đối tác từ Singapore đã đàm phán với Wrap&Roll về nhượng quyền. Trước đó là nhiều lời đề nghị từ Philippines, Campuchia…, nhưng tôi vẫn không thể quyết định.
Sở dĩ tôi chọn Úc là quốc gia đầu tiên để nhượng quyền là vì đất nước này dễ chấp nhận những làn sóng văn hóa ẩm thực khác nhau trên thế giới.
Mặt khác, Sydney đang dần trở thành trung tâm của các mô hình kinh doanh nhà hàng ăn uống thời thượng tại châu Á với sự giao thoa Đông – Tây đặc sắc nên cơ hội từ Úc đi xa hơn đến các nước khác là có thật. Với mô hình của Wrap&Roll, đối tác phải tham gia trực tiếp vào quy trình, chúng tôi phải có được sự thống nhất.
* Nhưng với việc đóng cửa một số nhà hàng trong thời điểm thương thảo, chắc Wrap&Roll cũng khó đòi hỏi có được sự thống nhất tuyệt đối?
– Tôi cho rằng đối tác chuyên nghiệp sẽ luôn đánh giá giá trị thương hiệu thông qua tính độc đáo của mô hình kinh doanh, sự ổn dịnh về chất lượng và cảm nhận của người tiêu dùng hơn là những khó khăn trước mắt.
Trong nhượng quyền, tôi cố gắng giữ hết những đặc trưng của Wrap&Roll nhưng không quá cứng nhắc. Với những nguyên liệu chính như đồ khô, nước chấm và cách thức nhận diện thương hiệu thì tôi quyết giữ, đối tác phải nhập khẩu các nguyên liệu này, nhưng với những thứ có thể thay thế được thì tôi cũng chấp nhận.
Khó lòng có được sự tuyệt đối trong kinh doanh ẩm thực, khi mà đơn giản như rau ở miền Bắc đã khác vị rau ở miền Nam.
Chọn nghề và chọn thời
Bắt tay vào làm chuỗi nhà hàng khi đã bước qua thời tuổi trẻ, gia đình cũng đã đề huề, với bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Wrap&Roll là kết quả của việc bà chọn nghề và thời chọn bà. Bởi, trước Wrap&Roll, người phụ nữ này cũng đã nếm trải không ít thất bại trên thương trường.
* Sự phát triển của Wrap&Roll dù có trục trặc đôi chỗ nhưng nhìn tổng thể vẫn thấy bà có được yếu tố “thiên thời”, đúng không thưa bà?
– Người ta thường cần đến ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa khi kinh doanh. Con đường đến với sự nghiệp như ngày nay của tôi không chỉ toàn màu hồng hết đâu.
Tôi đã từng kinh doanh khi mới chuyển vào TP.HCM, đầu tiên là một trung tâm làm đẹp nhỏ, và đã phải đóng cửa sau 10 tháng hoạt động. Tuy không đến mức gây nợ nần nhưng thất bại này khiến tôi buồn kinh khủng.
Quyết tâm làm lại bằng việc hùn với bạn bè mở một nhà hàng món nướng, và rồi cũng phải chia tay giấc mơ của mình sau thời gian 10 tháng ngắn ngủi. Mỗi thất bại đều cho tôi một số bài học đáng nhớ.
* Phải chăng vì những va vấp này mà bà thận trọng hơn với Wrap&Roll?
– Có lẽ thế. Hai mươi ba tuổi, tôi quyết định kinh doanh ẩm thực, là lĩnh vực tôi đam mê và gắn liền với tuổi thơ tôi. Thời bao cấp, mẹ tôi là cửa hàng trưởng một căn-tin, bà vốn đam mê nấu nướng.
Tôi thường theo mẹ đến nơi làm việc nên đam mê của bà truyền sang tôi và cho tôi nhiều trải nghiệm. Tôi muốn mang sự ấm áp trong căn bếp gia đình mình vào kinh doanh.
Năm 2003, tôi bắt đầu hình thành ý tưởng về Wrap&Roll, nhưng đến năm 2006 mới khai trương cửa hàng đầu tiên. Thất bại trước đó đã cho tôi thấy, ngoài yếu tố “thời” còn cần cả yếu tố “nghề”, bởi đây chính là chìa khóa quyết định.
Phải xem tính cách của mình có phù hợp với nghề hay không, mình có hiểu về nghề, về sản phẩm và con đường đi của sản phẩm hay không. Và đã xác định là nghề thì phải theo suốt đời, phải nuôi dưỡng, kiên tâm học hỏi không ngừng…
* Bà còn nhớ những ngày trước khi bà “tái khởi nghiệp” chứ?
– Tôi chưa bao giờ quên những đêm trước khi cầm tiền đi đặt cọc thuê mặt bằng đầu tiên cho Wrap&Roll ở đường Hai Bà Trưng. Tôi lo mình sẽ thất bại đến phát khóc và lúc đó chỉ muốn buông bỏ hết những gì đã dự định. Chưa chi ra 10 đồng tiền cọc đã lo mình sẽ mất cả trăm đồng khi cả dự án đi vào ngõ cụt.
Tôi đã phải đấu tranh với sự sợ hãi của chính mình, trấn an mình bằng mọi cách. Trong lúc bấn loạn, tôi không sợ mình thất bại nữa mà chỉ sợ mình không còn tin vào chính mình.
Điều này nếu xảy ra thì quả thật là khủng khiếp. Sáng hôm sau, ra khỏi nhà, tôi đã tự tin hơn với quyết định của mình và tự nhủ: Thà mất tất cả vốn liếng còn hơn mất niềm tin vào bản thân.
Theo DNSG