Học cách chia sẻ trong công ty

Mỗi công ty là một mạng lưới liên kết chặt chẽ các cá nhân làm việc trong cùng một môi trường với cùng một mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển công ty. Điều này đặt ra yêu cầu lớn về sự chia sẻ, hay cụ thể là đóng góp ý kiến, nhắc nhở, thậm chí là phê phán với thái độ hợp tác giữa các đồng nghiệp với nhau. Dù có mục đích tốt đẹp, nhưng thực tế lại tỏ ra khá khó khăn cho cả hai phía góp ý và tiếp nhận bởi sự cố chấp tiềm ẩn trong mỗi người.

Bài viết dưới đây tổng kết một số cách tiếp cận có thể giảm nhẹ sự “căng thẳng trong hoạt động “chia sẻ” giữa những người đồng nghiệp với nhau.

1. Hỏi ý kiến trực tiếp

Trước khi nêu vấn đề, hãy hỏi ý kiến đồng nghiệp xem bạn có thể nói trực tiếp và thẳng thắn hay không. Hãy hẹn một thời gian phù hợp để nói chuyện riêng với anh hay cô ấy và cố gắng tiếp cận theo hướng ngoại giao nhã nhặn nhất có thể. Sự nhã nhặn và thành ý của bạn chắc chắn sẽ khiến người đồng nghiệp phải chú ý, không thể phản ứng một cách tiêu cực. Thêm vào đó, bằng cách hỏi ý kiến, bạn cũng giải tỏa phản ứng chống đối bản năng của đồng nghiệp và khiến cho cuộc nói chuyện cởi mở hơn.

2. Kể kinh nghiệm của bản thân

Phần lớn trường hợp góp ý đi vào bế tắc bởi sự phản ứng gay gắt từ phía người tiếp nhận. Theo đó, phần lớn mọi người sẽ không thích bị ai “dạy dỗ”, nhất là từ những người đồng nghiệp “ngang hàng phải lứa”. Hãy xoay chuyển hành động này theo một hướng khác. Chẳng hạn như bạn có thể bắt đầu sự chia sẻ bằng một câu hỏi tu từ yêu cầu kể lại kinh nghiệm của bản thân. Sau khi nhận được sự đồng ý, hãy nêu vấn đề từ kinh nghiệm riêng của bạn.

3. Ngắn gọn và trực tiếp

Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng khi góp ý, họ cần lựa chọn những từ ngữ hoa mỹ nhất nhằm giảm nhẹ mức độ công kích, lên án và tính chất tiêu cực của câu chuyện. Mục đích của hành động trên là tốt, tuy nhiên cách hành động lại hoàn toàn sai lầm. Trình bày vấn đề một cách dông dài, vòng vo, không liên quan không khiến tình trạng tốt hơn, mà ngược lại càng kích thích những cảm giác tiêu cực như bực mình, khó chịu hay mệt mỏi từ phía người tiếp nhận. Lời khuyên được đưa ra là hãy dùng lời lẽ mềm mỏng và nêu vấn đề một cách ngắn gọn, trực tiếp, chân thành nhất để chia sẻ với đồng nghiệp.

4. Khuyến khích đồng nghiệp chủ động chia sẻ

Luôn nhớ rằng bất cứ cuộc trao đổi nào cũng phải là đối thoại hai chiều. Sau khi thể hiện quan điểm của mình, hãy cởi mở thảo luận vấn đề sâu sắc hơn với đồng nghiệp. Hãy hỏi xem ý kiến của đồng nghiệp ra sao và họ có thể chia sẻ với bạn nguyên nhân khiến họ có hành động hay quyết định sai lầm, khiến mọi người cảm thấy bị ảnh hưởng.

 

 

Tiến một bước xa hơn nữa, với sự đồng ý từ phía người tiếp nhận, hai người cũng có thể thống nhất sự thay đổi. Quan trọng hơn, hỏi lại và lắng nghe ý kiến của người đồng nghiệp sẽ giúp bạn chắc chắn rằng những điều mình vừa nói không bị đồng nghiệp hiểu theo ý khác.

5. Chia sẻ thông minh với đồng nghiệp “thông minh”

Một trong những đặc điểm lớn nhất của các công ty thời đại này là lực lượng nhân viên “thông minh” đông đảo. Những người thông minh biết rất rõ giá trị của bản thân họ và nhu cầu của công ty dành cho họ. Điều này dẫn đến sự “ngông” trong tính cách những nhân viên thông minh.

Gợi ý khi tiếp cận với những đồng nghiệp “ngông” như vậy là bạn cần khiến cho người này cảm thấy mình là người đặc biệt và khẳng định niềm tin của bạn ở họ. Nhưng quan trọng hơn, bạn cần nhấn mạnh và giúp họ nhận ra bạn và họ có mối liên hệ phụ thuộc, cho họ thấy bạn và những người khác trong tổ chức vẫn có thể làm những việc mà họ không thể hoàn thành.

Theo TBKT