Ở Châu Á, chúng ta thường không dễ dàng tiếp nhận thất bại và chỉ trích. Khi đối mặt với thất bại, chúng ta thường biện minh rằng chúng ta đã cố gắng hết sức và hy vọng những lời chỉ trích sẽ sớm qua đi. Để Châu Á tiếp tục vươn lên trở thành châu lục của những nhà vô địch, chúng ta cần học cách tiếp nhận thất bại và khuyến khích mọi người quyết tâm để bắt đầu lại từ đầu.
Cơ quan Hàng Không – Vũ Trụ Mỹ (NASA) đã làm nên lịch sử khi hạ cánh thành công robot thám hiểm sao Hỏa tự hành, Curiosity, lên hành tinh đỏ vào tháng 8 năm 2012. Chỉ cần thực hiện một chi tiết nhỏ không đúng trong quy trình hạ cánh đầy mạo hiểm và tham vọng này, giai đoạn mà các nhà khoa học của NASA gọi là “7 phút kinh hoàng”, (trong đó, tàu thám hiểm tự hành này phải đâm xuyên qua bầu khí quyển sao Hỏa có mức nhiệt độ lên tới 871 độ C với vận tốc đạt 20.920km/h), sứ mệnh này đã không thể thành công và hàng tỉ đô la và công sức hàng năm trời của các nhà khoa học NASA sẽ xuống sông xuống bể.
Curiosity, robot thăm dò sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn ảnh NASA/JPLCaltech.
Trong bối cảnh ngân sách có nguy cơ bị cắt giảm trong khi các nhà làm luật liên tục đưa ra những lời chỉ trích nhằm bảo vệ quan điểm giao công việc thám hiểm vũ trụ cho khu vực tư nhân đảm nhiệm, NASA đã xoay sở thành công và truyền cảm hứng cho những thế hệ sau về giấc mơ lớn trong chinh phục vũ trụ.
Ở Châu Á, chúng ta thường không dễ dàng tiếp nhận thất bại và chỉ trích. Một công ty phát thanh của Singapore đã từng tung ra một chiến dịch quảng cáo và rất khéo léo mô tả cách thức người dân Châu Á chúng ta thường đối mặt với thất bại. Công ty này đã làm một video ghi lại cảnh một cậu bé đang đánh quần vợt rất tệ còn người bố thì đang đứng ủng hộ bên ngoài sân. Khi người huấn luyện viên nói khéo rằng cậu bé chơi tệ đơn giản là do không có năng khiếu, người cha lại chỉ nghe thấy những điều tốt và ôm ảo tưởng rằng con trai mình sẽ là Agassi kế tiếp.
Một vài quốc gia Châu Á đã vội mặc định rằng nền kinh tế của họ đã là một sự thành công, mặc cho nạn tham nhũng đầy rẫy và phần lớn số doanh nghiệp của họ vẫn là người gia công và trung gian trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cách tiếp cận của chúng ta trong khi đối mặt với thất bại thường là: biện minh rằng chúng ta đã cố gắng hết sức, cảm thấy yếu đuối và hy vọng những lời chỉ trích sẽ sớm qua đi.
Một hiện tượng rất lạ nữa đó là khi Châu Á vươn lên, sự khao khát dành cho đam mê và sự kiên nhẫn dường như giảm xuống. Trong khi một vài doanh nghiệp Châu Á đã bắt đầu thống trị công nghệ và sáng tạo, rất nhiều doanh nghiệp khác đã tự mãn với “đỉnh cao” hiện tại của mình. Họ chỉ cần biết rằng công việc kinh doanh đang thu được nhiều lợi nhuận, do vậy khát vọng hình thành thế giới và và nắm giữ tương lai của chính mình không phải là điều quan trọng với họ. Có thể nói đây là một xu hướng đáng báo động. Chúng ta cần ở giai đoạn mà mỗi cá nhân không ngừng đam mê, sẵn sàng chấp nhận thách thức và không ngừng vươn lên học hỏi kiến thức. Châu Á đã đạt được vị trí nhất định, nhưng chúng ta có thể tốt hơn như thế.
Để Châu Á tiếp tục vươn lên trở thành châu lục của những nhà vô địch, chúng ta cần học cách tiếp nhận thất bại và khuyến khích mọi người quyết tâm để bắt đầu lại từ đầu. NASA sẽ không thể đưa Robot Curiosity lên Sao Hỏa thành công nếu như không có những thế hệ trước, những người đã trải nghiệm rất nhiều thất bại và chính những thất bại đó đã giúp thế hệ hiện tại hiểu rõ thách thức mà họ đang phải đối mặt. Khả năng và ý chí quyết tâm mặc cho những khó khăn đã đưa cuộc chinh phục vũ trụ của loài người tiến lên phía trước.
Sự bền bỉ, quyết tâm vượt qua những khó khăn chính là nhân tố đưa cuộc chinh phục của loài người tiến lên phía trước. Nguồn ảnh NASA/JPL-Caltech.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng chiến lược và thu lợi từ ngay chính những thất bại của bản thân? Hãy cân nhắc những ý tưởng dưới đây:
1. Hãy để chính nỗi sợ thất bại truyền cảm hứng cho bạn
Khi bạn bắt tay vào khởi nghiệp, đừng bị quanh quẩn với ý nghĩ cơ hội thành công của công việc kinh doanh của bạn là bao nhiêu. Thay vào đó, hãy dành thời gian suy nghĩ về những cách thức khác nhau khiến một ý tưởng có thể thất bại. Như Andrew Grove, người đồng sáng lập tập đoàn Intel và đồng thời trực tiếp làm Chủ tịch điều hành trong một thời kỳ rất dài, đã nói: “Chỉ có những kẻ hoang tưởng mới tồn tại”.
Trong tổ chức của chúng tôi, chúng tôi khuyến khích các chuyên gia tư vấn nghiên cứu những con đường khác nhau có thể khiến một dự án thất bại, và nghiên cứu những nhân tố khác nhau trước khi đề xuất một giải pháp. Đội nhóm của bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn, nếu như họ được đặt vào môi trường đòi hỏi họ phải suy nghĩ dưới sức ép. Để có được hiệu quả tốt nhất từ những thử thách này, bạn cần phải là người điều phối họ để họ không quá bị áp lực và trở nên cực đoan. Điều bạn thực sự muốn là thách thức họ đưa ra những giải pháp, chứ không phải làm họ tê liệt.
Tại các buổi đào tạo của chúng tôi, chúng tôi yêu cầu các học viên chia sẻ một hy vọng và một quan ngại liên quan đến ý tưởng của họ trước khi bắt tay vào triển khai. Các học viên thường chia sẻ 3 vấn đề phổ biến:
1) Những vấn đề có thể giải quyết nếu sử dụng những quy trình đúng và con người đúng;
2) Những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của tổ chức như thời tiết hay chính sách quốc gia;
3) Và cuối cùng, kết quả họ kỳ vọng.
Những học viên đưa ra những vấn đề trong tầm kiểm soát của nội bộ tổ chức thường có xu hướng hướng tới hành động và sẵn sàng bắt tay làm việc để giải quyết vấn đề. Điều này khuyến khích cuộc thảo luận hướng tới giải pháp nhiều hơn thay vì một cách tiếp cận vô vọng.
2. Nhận dạng kiểu thất bại bạn gặp phải
Hãy cẩn trọng và đừng vội vàng đi tới kết luận rằng một công việc kinh doanh đã thất bại do không có sự rà soát kỹ lưỡng. Sự rà soát nên được cân nhắc xem hành trình từ giai đoạn lập kế hoạch cho tới các quy trình, để nhận dạng xem điều gì đã sai. Hãy cẩn trọng với 3 kiểu thất bại dưới đây:
Thất bại thuộc về thực thi diễn ra do các lỗi sai liên quan đến quy trình hay con người. Một hành động nhất định đã không được thực hiện tốt, do vậy kết quả không được như mong đợi. Bạn có thể kỳ vọng kết quả sau khi bạn đã thay đổi quy trình hoặc nhân sự liên quan.
Thất bại thuộc về môi trường diễn ra khi môi trường kinh doanh không phát triển đúng như mong đợi để hỗ trợ công việc kinh doanh. Công việc kinh doanh của bạn có thể đang tạo ra lợi nhuận, nhưng để đảm bảo tài chính là rất khó khăn. Bạn sẽ phải điều chỉnh khía cạnh tài chính để tạo thêm thời gian cho công việc kinh doanh của mình,
Thất bại thuộc về ý tưởng diễn ra khi không có ai sẵn sàng trả tiền mua sản phẩm của bạn sau khi nó đã được tung ra thị trường. Bạn có thể đã làm rất nhiều việc và những việc đó dường như đều đúng, nhưng nó lại không hiệu quả. Bạn sẽ cần phải rà soát lại và thay đổi khái niệm và mô hình kinh doanh.
3. Xây dựng văn hóa luôn sẵn sàng tiếp nhận thất bại
Chính những lỗi sai có thể lại là chất xúc tác tuyệt vời cho thành công. Bạn có biết khi nào ai đó làm điều gì sai trong tổ chức của bạn? Trong hoàn cảnh đó, bạn cư xử với họ như thế nào? Bạn có muốn tổ chức của mình là một tổ chức nơi mọi người cởi mở chia sẻ những lỗi sai của mình trước khi chúng trở thành những vấn đề lớn.
Việc thẳng thắn với khuyết điểm của ai đó không phải là một điều tự nhiên trong văn hóa Châu Á, do vậy người lãnh đạo càng cần phải động viên và khuyến khích nhân viên khi họ cố gắng nhận trách nhiệm và sửa đổi. Ở tổ chức của chúng tôi, việc các nhân viên cấp dưới chia sẻ những khuyết điểm với cấp trên trước mặt các nhân viên khác là một điều phổ biến.
Sau khi chia sẻ, chúng tôi lập tức chuyển sang xác định điều gì đã khiến đi đến một giải pháp không đúng. Chúng tôi không quanh quẩn với lỗi sai đó và không chơi trò đổ lỗi. Niềm tin được xây dựng giữa nhân viên và người lãnh đạo, và mọi người trở nên cởi mở hơn và sẵn sàng chia sẻ để giải quyết vấn đề. Văn hóa này cần nhiều thời gian để phát triển, nhưng nó làm chúng tôi trở nên mạnh hơn và thích nghi nhanh với mọi hoàn cảnh trong môi trường kinh tế biến động không ngừng như hiện nay.
Lawrence Chong hiện là CEO của Consulus. Ông cũng là diễn giả tại Hội nghị Hình Thành Thế Giới lần thứ 5 tại Việt Nam diễn ra vào ngày 15 tháng 8 năm 2013.
Theo Cafef