Tại sao các đơn vị không có chức năng GD&ĐT lại cứ muốn giữ cho mình một số trường CĐ, ĐH? Phải chăng Bộ GD&ĐT không đủ năng lực quản lý? Câu hỏi này thật ra rất tế nhị và không phải ai cũng muốn trả lời.
Gần đây nhiều “đại gia” đang bị buộc phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chỉ đạo của Chính phủ. Câu hỏi đặt ra là ngành giáo dục có liên quan đến chuyện đầu tư ngoài ngành, có cần thoái vốn? Dễ nhận thấy với cấp bộ thì chuyện thoái vốn hình như chỉ là chuyện “của hàng xóm”.
“Đầu tư vào, “đầu tư” ra…
Các bộ có đầu tư ngoài ngành đâu mà thoái vốn? Đó chỉ là chuyện của các ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty…, nhất là ngành GD, với kinh phí hạn hẹp làm gì có chuyện đầu tư ngoài ngành? Để tìm hiểu vấn đề này cần xem xét cả hai chiều: Các bộ, ngành khác đầu tư vào GD và ngành GD đầu tư ra ngoài như thế nào?
Theo số liệu trong “Danh sách các trường CĐ, ĐH công lập” công bố ngày 3/5/2013 [1], toàn quốc có 311 trường CĐ, ĐH, (trong đó CĐ có 181 trường, ĐH: 130 trường), không kể khối trường quân sự, công an). Trong danh sách Bộ GD&ĐT đã công bố luôn Bộ chủ quản của các trường CĐ, ĐH. Thống kê một vài đơn vị theo danh sách này được nêu trong bảng 1.
Bảng 1: Số trường và các đơn vị quản lý
|
Nhìn vào bảng một, có thể thấy Bộ GD& ĐT chỉ quản lý chưa đến 13% số trường trên toàn quốc, trong khi Bộ Công Thương quản gần 10%, chính quyền cấp tỉnh quản tới 42,77%. Trừ số trường do Bộ GD&ĐT và các tỉnh quản lý, các bộ, tổng cục, tập đoàn … chiếm 44% tổng số trường CĐ, ĐH cả nước.
Thật khó có thể hình dung khi Bộ GD&ĐT quản lý các trường ĐH hàng đầu cả nước trong lĩnh vực công nghiệp là ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa t/p Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhưng lại không quản được các trường ĐH Công nghiệp mà Bộ Công thương đang quản.
Tương tự như vậy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH SPKT t/p Hồ Chí Minh do Bộ GD&ĐT quản lý, trong khi ĐH SPKT Nam Định và ĐH SPKT Vinh (Nghệ An) lại do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Trong số 36 trường CĐ sư phạm, Bộ GD&ĐT chỉ quản ba trường, còn lại do địa phương quản lý.
Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra song song với quá trình cải cách GD, câu hỏi đặt ra là có nên yêu cầu các bộ, tổng cục… “thoái trường” cùng với với quá trình “thoái vốn” đầu tư ngoài ngành? Phải chăng GD là “hoa thơm” nên mỗi bộ, tỉnh phải được “ngửi” một tí?
Rõ ràng kinh phí dành cho GD& ĐT là từ nguồn ngân sách Nhà nước, các đơn vị không có chức năng GD& ĐT quản lý nhà trường là một lợi ích chứ “chẳng mất gì của bọ” nên tội gì nhả ra? Thậm chí, nắm trong tay một số trường CĐ, ĐH, lãnh đạo các cơ quan chủ quản còn có rất nhiều lợi ích mà chúng ta sẽ đề cập tiếp theo. Dù không đầu tư bằng tiền thì cũng phải đầu tư con người, phương tiện, cơ chế… Phải chăng đó không phải là đầu tư ngoài ngành? Phải chăng một trong những tiêu chí mà cải cách GD cần hướng tới là yêu cầu các bộ, tổng cục, ủy ban… phải “thoái trường” ngoại trừ một số “trường đặc biệt”?
Nhưng tại sao các đơn vị không có chức năng GD&ĐT lại cứ muốn giữ cho mình một số trường CĐ, ĐH? Phải chăng Bộ GD&ĐT không đủ năng lực quản lý? Câu hỏi này thật ra rất tế nhị và không phải ai cũng muốn trả lời.
Trước khi lý giải một vài nguyên nhân chúng ta thử xem ngành GD có đầu tư ra ngoài ngành không? Điều này lại liên quan đến một “nét đặc trưng”, đó là chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).
Ở các nước ÂuMỹ, GS không phải là một học hàm hay một chức danh khoa học mà là một chức vụ giảng dạy, thường do các trường ĐH tự chọn lựa và quyết định. Khi một người giữ chức vụ GS chuyển công tác sang lĩnh vực khác, họ không còn là GS nữa, có chăng chỉ còn một số ít được công nhận là GS danh dự. Tại Việt Nam GS, PGS được gọi là chức danh và được Nhà nước phong tặng, chẳng thế mà việc vinh danh lại được tiến hành ở Văn miếu Quốc Tử Giám.
Quyết định 20/2012/QĐ- TTg quy định để được phong GS, PGS ứng viên phải được bình xét qua ba vòng: “Hội đồng chức danh GS cơ sở, Hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh GS Nhà nước.”
Các bộ, ngành khác đầu tư vào GD và ngành GD đầu tư ra ngoài như thế nào? Ảnh minh họa |
Theo một cách thống kê khác, thì trong số 9649 GS, PGS (tính đến đầu năm 2013) số người làm công tác giảng dạy là 2295 người, chiếm 23.8%. Hơn 3/4 số GS, PGS còn lại không phải là giảng viên, họ chỉ thực sự có chút “dây mơ rễ má” với công tác đào tạo. Có người chỉ cần xin hướng dẫn một, hai nghiên cứu sinh cho đủ tiêu chuẩn phòng hàm, sau đó là “rửa tay gác kiếm” lo việc khác. Đã có danh GS, PGS là được mang suốt đời, cần gì phải lóc cóc đi dạy vừa mất thời gian, lại không kiếm được bao nhiêu, đấy là còn chưa nói có người chưa chắc đã đủ năng lực trình bày một bài giảng trên bảng.
Giáo sư, PGS là “đặc sản” của ngành GD& ĐT. Với 76,2% GS, PGS “xuất khẩu” ra ngoài, có thể thấy ngành GD7 ĐT đã “đầu tư ngoài ngành” một cách “khủng khiếp” như thế nào.
Mất quyền điều khiển quá trình phong tặng chức danh GS, PGS vì ngành GD& ĐT chỉ quản lý chưa đầy 13% tổng số trường CĐ, ĐH, nghĩa là quản chưa đầy 13% các Hội đồng chức danh GS cơ sở.
Một điều nữa có lẽ cũng cần phải báo động ngay từ bây giờ. Theo Luật GDĐH, chính quyền địa phương sẽ có đại diện tham gia Hội đồng quản trị các ĐH ngoài công lập. Việc xuất hiện thêm các GS, PGS là trưởng ban này, giám đốc nọ ở địa phương là điều hoàn toàn có thể tiên liệu. Đến lúc đó số lượng GS, PGS cần phải “thoái danh” không phải chỉ chiếm 1/3 như GS Hoàng Tụy nhận định [4].
Qua ba vòng từ cơ sở đến Hội đồng chức danh GS Nhà nước, mỗi năm vài trăm người sẽ đủ tiêu chuẩn và sẽ chờ được các trường ĐH, học viện bổ nhiệm. Số người xếp hàng sẽ ngày càng dài và với thói háo danh đã ăn sâu vào tiềm thức, việc chen ngang bằng mọi giá là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tại sao chúng ta lại làm một điều mà biết chắc là sẽ mang lại hậu quả xấu?
Tại sao lại để tới 7354 GS, PGS mà chẳng mấy khi họ “giáo” được ai, thậm chí có người còn chẳng biết “giáo” cái gì. Công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS để làm gì nếu sau đó nhiều người được công nhận lại không được các trường ĐH bổ nhiệm? Đã đến lúc cần bãi bỏ khái niệm “chức danh” mà thay bằng khái niệm “chức vụ”. Tiếp đó có thể thực hiện quy trình ba bước sau đây:
– Các trường ĐH, học viện căn cứ vào nhu cầu đào tạo, công bố quyết định tuyển GS, PGS vào các bộ môn chuyên ngành cụ thể của đơn vị mình.
– Danh sách các ứng viên mà trường lựa chọn sẽ được Hội đồng thẩm định quốc gia kiểm tra, công nhận
– Các trường, viện ra quyết định bổ nhiệm những người đã được công nhận.
Làm được điều này có nghĩa là chấm dứt tình trạng xếp hàng chờ bổ nhiệm. Mặt khác nó cũng góp phần giảm bớt số lượng những người không phải là giảng viên khoác áo GS, PGS. Mặt khác cách làm này cũng tránh được tình trạng “lạm phát” GS, PGS vì còn có bước thẩm định của cấp trên.
Đương nhiên cách tốt nhất là để cho các trường tự chủ, khi đó các GS, PGS sẽ gắn liền tên mình với tên trường mà họ được bổ nhiệm. Đương nhiên lúc đó dư luận xã hội sẽ nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan những GS, PGS thuộc loại “tầm tầm” và tự khắc nhiều người sẽ không còn hãnh diện với cái hư danh đó.
Cải cách GD nếu không đi kèm quá trình “thoái trường” và “thoái danh” thì nền GDĐH Việt Nam mãi mãi vẫn chỉ là “cánh đồng 5 tấn”, hoa thơm mỗi bộ, ngành hưởng một tí.
Theo Vietnamnet