Sau khi góp phần “tiêu diệt” báo in, Internet bắt đầu gây ảnh hưởng tới truyền hình, buộc các nhà đài buộc phải thích nghi với máy tính bảng và dịch vụ video theo yêu cầu để có thể giữ được lượng khán giả và kèm theo đó là các nhà quảng cáo.
Hãng AFP dẫn lời nhà phân tích Jim Nail của Forrester Research cho biết: “Khoảng trống giữa những gì người tiêu dùng muốn và ngành công nghiệp mang lại đã trở nên rất lớn tới mức ngành công nghiệp phải có một số động thái thay đổi.”
Ngày càng có nhiều người xem truyền hình qua máy tính bảng (Nguồn: AFP)
Viacom, Time Warner, Disney, 21st Century Fox, CBS – các hãng truyền thông lớn ở Mỹ, đều xác nhận kết quả kinh doanh trong quý 2 đã chứng minh rằng mạng truyền hình cáp vẫn là con bò sữa của họ.
Tuy nhiên lần đầu tiên trong năm nay, theo một nghiên cứu của eMarketer, người dân Mỹ đã dành thời gian sử dụng Internet nhiều hơn việc họ ngồi trước TV khoảng 5 giờ mỗi ngày so với 4,5 giờ trước đây.
eMarketer, công ty nghiên cứu thị trường độc lập, thấy rằng người dùng đôi khi sử dụng Internet và xem TV cùng lúc. Họ cũng thấy rằng video chỉ chiếm một phần trong thời gian lướt mạng của người dùng.
Tuy nhiên điều này đã không ngăn cản những nhóm như Netfix, vốn cung cấp phim và các chương trình truyền hình theo yêu cầu, tiếp tục tăng trưởng. Công ty cũng tạo ra những kẻ ăn theo như dịch vụ cung cấp video trực truyến của Amazon.
Xu hướng xem video trên Internet được thiếu niên ưa chuộng, đặc biệt là xem hoạt hình trên các thiết bị như máy tính bảng. Ngoài ra nó còn thu hút cả những người thích xem truyền hình nhiều tập, muốn thưởng thức trọn bộ phim trong một lần xem.
Xu hướng mới khiến tập đoàn Internet khổng lồ Google đã nhập cuộc với Chromecast, một thiết bị sẽ cung cấp dịch vụ video trực tuyến thông qua việc kết nối với TV nhờ cổng HDMI.
Trong khi đó có tin đồn Apple sẽ phát triển dịch vụ truyền hình trực tuyến riêng.
Ông Jim Nail cho rằng: “Sẽ vẫn có những người xem thời sự hoặc chương trình Super Bowl trên TV. Nhưng video giải trí sẽ chuyển dần sang hướng theo yêu cầu.
Nhà phân tích của Forrester Research cho biết thêm: “Nếu anh sở hữu một đài truyền hình, anh cũng đang ở cùng một vị trí như một tờ báo. Sẽ có nhiều cách để xem các nội dung truyền hình và anh sẽ bị thách thức rất lớn.”
Giám đốc điều hành Time Warner Jeff Bewkes, người sở hữu các tập đoàn gồm HBO và CNN, đã nói với các nhà phân tích tài chính trong một cuộc hội thảo rằng ông coi dịch vụ truyền hình trực tuyến qua Internet là một sự bổ sung thêm cho hoạt động truyền hình.
Viacom đã bàn tới chuyện thay đổi để thích nghi với sự thay đổi hành vi của công chúng. “Đã có những đứa trẻ nhất định xem nội dung truyền hình trên máy tính bảng và nếu anh muốn các nội dung của mình tới được với người tiêu dùng, anh phải đưa nó lên máy tính bảng,” Giám đốc phụ trách hoạt động Tom Dooley cho biết.
Viacom hiện đang tích cực bước chân vào thị trường truyền hình trên máy tính bảng, thông qua việc bắt tay với các đối tác phân phối. Ví dụ như công ty đã hợp tác với Amazon để đưa các chương trình truyền hình dành cho trẻ em như “SpongeBob SquarePants” và “Dora the Explorer” lên mạng.
Công ty cũng triển khai ứng dụng dành cho điện thoại di động để đưa kênh truyền hình trẻ em Nickelodeon lên thiết bị này và nó được Dooley đánh giá là “thành công ấn tượng.”
Lãnh đạo CBS Leslie Moonves xác nhận: “Truyền hình trực tuyến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng tuyệt vời với chúng tôi.” Mạng truyền hình của ông đã ký thỏa thuận hợp tác với Amazon để đảm bảo loạt phim truyền hình mùa Hè “Under the Dome,” dựa trên tiểu thuyết của Stephen King, mang lại lợi nhuận.
Viacom và CBS đã chứng kiến doanh thu của họ từ việc bán bản quyền phân phối nội dung truyền hình tăng tương ứng lên 28% và 22%, chủ yếu nhờ tác động từ Internet.
Với những người sở hữu các nội dung số, việc chúng xuất hiện trên nhiều nền tảng sẽ khiến họ thu được nhiều tiền hơn.
Theo quan điểm của Nail, sẽ còn “rất nhiều việc để làm trước khi các công ty truyền hình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và tạo nên một mô hình kinh doanh họ cần để thu lợi” trên sự thay đổi bắt nguồn từ Internet.
Theo Vietnamplus