Kế toán quản trị và kt tài chính khi triển khai giải pháp phần mềm erp

ke toan quan tri vs ke toan tai chinh khi trien khai erpNhư chúng ta đã biết, hệ thống kế toán là một phần không thể thiếu của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Nó cung cấp thông tin về hoat động tài chính cho cả người quản lý ở bên trong doanh nghiệp và các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Chính vì phạm vi cung cấp và phục vụ các thông tin khác nhau, nên kế toán của doanh nghiệp được chia thành kế toán quản trị và kế toán tài chính.

Trong bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến  những điểm giống và khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính. Những điểm này khi triển khai erp mà cụ thể là phần hành kế toán thì giải quyết như thế nào?

1.      Bản chất của kế toán quản trị

  • Kế toán quản trị không chi thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin về nghiệp vụ kinh tế đã xảy ra mà còn xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra quyết định quản trị. Các thông tin này phải phù hợp với yêu cầu của nhà quản trị, dễ hiểu và cụ thể phục vụ cho công tác quản trị doanh nghiệp.
  • Kế toán quản trị chỉ cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế tài chính trong phạm vi yêu cầu quản lý nội bộ của một doanh nghiệp, không có ý nghĩa đối với các đối tượng bên ngoài.
  • Kế toán quản trị là một bộ phận của công tác kế toán nói chung và là công cụ quan trọng không thể thiếu đối với công tác quản lý nội bộ doanh nghiệp.

2.      Sự khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

Như đã nói ở trên, do đối tượng sử dụng thông tin khác nhau, mục đích sử dụng thông tin khác nhau, nên giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính có nhiều điểm khác biệt:

  • Về đối tượng sử dụng thông tin: Đối tượng sử dụng thông tin của kế toán quản trị là các thành viên bên trong doanh nghiệp: Ban giám đốc, Chủ sở hữu, Trưởng bộ phận,… Trong khi đó, đối tượng của kế toán tài chính chủ yếu là ở bên ngoài doanh nghiệp: Các cổ đông, Cơ quan thuế, Cơ quan quản lý tài chính,…
  • Về nguyên tắc trình bày và cung cấp thông tin: Thông tin kế toán tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành về kế toán của từng quốc gia. Trái lại, trong nền kinh tế thị trường, do yêu cầu phải nắm bắt nhanh các cơ cội kinh doanh đa dạng nên thông tin kế toán quản trị cần phải linh hoạt, nhanh chóng và phù hợp với từng quyết định của người quản trị, không buộc phải tuân thủ các nguyên tắc hay chuẩn mực kế toán chung.
  • Về tính pháp lý của kế toán: Kế toán tài chính có tính pháp lệnh, nghĩa là hệ thống sổ sách, ghi chép, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán tài chính đều phải tuân theo các quy định thống nhất nếu muốn được thừa nhận. Ngược lại, tổ chức công tác quản trị lại mang tính nội bộ, thuộc thẩm quyền của từng doanh nghiệp phù hợp với đặc thù quản lý, yêu cầu quản lý, điều kiện và khả năng quản lý cụ thể của từng doanh nghiệp.
  • Về đặc điểm của thông tin: Thông tin của kế toán tài chính là thông tin thực hiện về những nghiệp vụ đã phát sinh, đã xảy ra, được thu thập từ các chứng từ ban đầu về kế toán. Trong khi đó, thông tin của kế toán quản trị chủ yếu đặt trọng tâm cho tương lai vì phần lớn nhiệm vụ của nhà quản trị là lựa chọn phương án, đề án cho một sự kiện hoặc một quá trình chưa xảy ra.
  • Về hình thức báo cáo sử dụng: Báo cáo được sử dụng trong kế toán tài chính là các báo cáo kế toán tổng hợp (gọi là các Báo cáo tài chính) phản ánh tổng quát về sản nghiệp, kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một thời kỳ (gồm Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính). Trong khi đó báo cáo của kế toán quản trị đi sâu vào từng bộ phận, từng khâu công việc của doanh nghiệp (như báo cáo chi phí sản xuất và giá thành, báo cáo nợ phải trả, báo cáo nhập xuất và tồn kho của hàng tồn kho…).

3.      Điềm giống nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

Kế toán quản trị và kế toán tài chính là hai bộ phận không thể tách rời của một doanh nghiệp. Chúng có những điểm giống nhau cơ bản sau:

  • Kế toán quản trị và kế toán tài chính đều đề cấp đến các sự kiện kinh tế trong doanh nghiệp và đều quan tâm đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động, quá trình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Một bên phản ảnh tổng quát, một bên phản ảnh cụ thể, chi tiết của sự tổng quát đó.
  • Kế toán quản trị và kế toán tài chính đều dựa trên những ghi chép ban đầu của kế toán.
  • Kế toán quản trị và kế toán tài chính đều biểu hiện trách nhiệm của người quản lý và đều là công cụ quản lý doanh nghiệp.

4.      Khi triển khai modul tài chính kế toán trong erp cần lưu ý gì?

Đối với giải pháp ERP nổi tiếng SAP thì 2 phần hành này được tách rời thành 2 module :

a)      Kế toán tài chính (FI)

b)      Kế toán quản trị (CO)

Nên vấn đề triển khai rõ rang, làm theo các module FI và CO là ok.

Đối với phần mềm khác thì có rất nhiều cách để triển khai,sau đây là 1 số cách thông dụng:

–       Mua gói phần mềm nhỏ trong nước vài triệu để làm phần mềm kế toán tài chính, báo cáo thuế, còn phần kế toán quản trị nằm trong module của erp.

–       Mua phần mềm kế toán trong nước và tool chuyển đổi số liệu từ phần kế toán của erp sang và điều chỉnh chứng từ hợp lý hợp lệ lại trước khi in báo cáo thuế.

Tóm lại, kế toán quản trị hay kế toán tài chính đều là kế toán nên chúng mang trong mình những chức năng của kế toán nói chung. Do đối tượng sử dụng và mục đích cung cấp thông tin khác nhau nên chúng có những điểm khác nhau đáng kể. Việc triển khai giải pháp erp vào doanh nghiệp cũng phải lưu ý đến vấn đề này.

 

                                                                                                                                                                                                                                                           Theo Ictroi