Kết luận mở cho kinh doanh đa ngành

Khác với đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước đang được Chính phủ chỉ đạo phải thoái vốn hạn chót trước năm 2015, đầu tư và kinh doanh đa ngành của khối dân doanh đa dạng, phức tạp hơn. Tuy nhiên nhìn nhận như thế nào cho hợp lý về kinh doanh đa ngành hay quay lại với kinh doanh cốt lõi vẫn đang gây ra những bàn thảo trái chiều trong dư luận mà một kết luận mở còn để ngỏ.

Mua giá rẻ trong bão

Kinh doanh cốt lõi của Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) là sản xuất, phân phối, cung ứng thiết bị điện lạnh cho các công trình dân dụng và tiêu dùng. Nhưng từ nhiều năm nay REE đã lấn sân sang kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và ngay cả trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, công ty vẫn có lời.

Cao ốc văn phòng do Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE đầu tư

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị REE, cho biết: “Chúng tôi không thấy kinh doanh đa ngành là xấu, là mô hình thất bại. Vấn đề là bản lĩnh, năng lực và tầm nhìn của doanh nghiệp”.

Để chứng minh cho điều này, hiện tại REE tiếp tục rót vốn mua cổ phần các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, nhà máy nước và chuẩn bị thành lập công ty con chuyên về năng lượng.

“Trong bão các doanh nghiệp, các tài sản được định giá rẻ. REE tìm mua doanh nghiệp giá rẻ và đợi khi bão đi qua để bán được giá cao” – bà Mai Thanh nói.

Đụng chạm đến đa ngành, không ít doanh nghiệp thẳng thắn phát biểu có cơ hội là phải chớp lấy. Họ cho rằng kinh doanh cốt lõi không có nghĩa là phải cố định vào một nghề bắt buộc. Quan trọng là kinh doanh làm sao có hiệu quả. Một số doanh nghiệp thất bại trong đa ngành cần phải xem lại năng lực quản trị, điều hành, tư duy, chứ không phải đổ lỗi cho đơn ngành, đa ngành.

Không ủng hộ tập trung kinh doanh cốt lõi, cũng không chính thức phản đối kinh doanh đa ngành, quan niệm của giới ngân hàng tỏ ra thông thoáng. “Đa ngành hay đơn ngành không phải là chuẩn mực cho vay” – ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank nhận xét – “Dự án khả thi, có khả năng trả nợ đúng hạn, có tài sản đảm bảo, chúng tôi cho vay”.

Ông Dũng kể, mỗi tuần hiện nay  Eximbank xem xét giải quyết không dưới 100 hồ sơ mà người vay khó khăn trong việc trả nợ. Trong số đó có nhiều đơn vị kinh doanh cốt lõi, hàng tồn kho cao, không tiêu thụ hết. Họ đã từng là những doanh nghiệp uy tín, vay trả sòng phẳng. Khó khăn kinh tế, bất ổn vĩ mô dường như đã không chừa một ai.

Nhìn rộng ra, kinh doanh đa ngành cần phải được đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể để đánh giá. Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, nhận định trong nhiều năm từ năm 2000 đến 2008 Nhà nước đã duy trì một chính sách tiền tệ dễ dãi và đưa tăng trưởng như một chỉ tiêu cần phải đạt được.

Từ đây đã xuất hiện những mầm mống kinh doanh đa ngành. Ngoài ra xu hướng kinh doanh theo phong trào, kiểu đâu đâu cũng lập công ty xuất nhập khẩu những năm đầu đổi mới, hoặc nhà nhà lập công ty chứng khoán, ngân hàng giai đoạn 2006-2008, có lẽ đã ăn sâu vào tâm lý máu thịt của doanh nhân Việt.

“Năm 2007 doanh nghiệp nào mà chẳng muốn có dính tí chút bất động sản. Nay chỉ cần có một dự án bất động sản, thậm chí là nhà ở cho công nhân viên, cũng có thể bị quy kết kinh doanh đa ngành” – một doanh nghiệp đề nghị không nêu tên nói. Ông thêm ở nước ta để được kinh doanh
đa ngành phải được sự cho phép của cơ chế.

Không phải trật hoàn toàn khi nhận định một số doanh nghiệp “nhảy vào” đa ngành là nhờ tận dụng được cơ chế, chính sách. Có những doanh nghiệp được sinh ra dựa trên các mối quan hệ, kể cả quan hệ chính trị, để kinh doanh đa ngành.

Sự thấm thía đã ngấm

Ở chiều ngược lại, từ vài năm nay đa ngành không nhận được những cái nhìn thiện cảm. Không thể không thừa nhận đã có những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề chết yểu. Trên sàn niêm yết, một số doanh nghiệp đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán đã báo những khoản lỗ lớn hơn vốn chủ sở hữu, khiến dư luận chuyển từ nghi ngờ sang bất bình về kinh doanh đa ngành.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, dẫn chứng 26% trong số 50 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất hiện nay có kinh doanh đa ngành. Tỷ lệ này thực ra không phải quá cao so với các nước khu vực.

Ông phân tích những định kiến về sự thất bại của kinh doanh đa ngành trên thế giới và Việt Nam chủ yếu do dựa vào các mối quan hệ chính trị; trả giá quá cao cho việc đi thâu tóm các công ty; chần chừ trong việc cắt bỏ các khoản đầu tư kém hiệu quả; thiếu một chiến lược xuyên suốt bền vững; và quản trị doanh nghiệp yếu.

Trên thực tế các công ty đa ngành ở Việt Nam dựa nhiều vào vốn vay ngân hàng để tồn tại và hoạt động. Khi nguồn vốn rẻ bị cắt (các ngân hàng giảm tăng trưởng tín dụng, lãi suất vọt lên), giá tài sản giảm mạnh lẽ ra họ phải nhanh chóng quyết định thoát khỏi ngõ cụt.

Thay vào đó họ vẫn nuôi hy vọng như kinh tế sắp phục hồi, Nhà nước sẽ can thiệp, mà những ảo tưởng về việc Chính phủ sẽ có các biện pháp cứu chứng khoán, cứu bất động sản như vừa qua là một ví dụ điển hình. Cho đến khi họ nhận ra rằng tái cơ cấu kinh tế là quãng đường dài và Nhà nước sẽ chẳng có chương trình giải cứu nào, thì họ bắt tay vào giảm nợ.

Quan sát kỹ lưỡng cho thấy một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp đã nỗ lực bằng mọi cách giảm nợ vay qua việc thu hẹp quy mô đầu tư, bán tài sản, cắt bỏ mảng kinh doanh không có doanh thu…

Đây là một trong những lý do vì sao tín dụng năm nay tăng trưởng khá thấp. Một phần vì ngân hàng thắt chặt cho vay, phần khác doanh nghiệp không còn muốn sử dụng đòn bẩy tài chính. Cái thời doanh nghiệp sẵn sàng vay tiền không quan tâm đến lãi phải trả đã qua rồi. Sự thấm thía đã ngấm!

Những công ty đa ngành giờ đây quay trở lại kinh doanh cốt lõi liệu có dễ dàng? Quyết định từ bỏ đa ngành đã đau đớn, nhưng nỗi lo ở cấp độ cao hơn là làm sao để kinh doanh cốt lõi sẽ thành công, bởi nếu không doanh nghiệp sẽ mất niềm tin vào khả năng của chính mình.

Ông Nguyễn Minh Triết, giám đốc điều hành Công ty tư vấn Strategy Asia, nhấn mạnh thách thức cơ bản khi quay về kinh doanh cốt lõi là sức cạnh tranh của doanh nghiệp không bằng những đối thủ khác. Trong thời gian những công ty lao vào đa ngành, thì những đối thủ ở lại đã tự nâng cấp, trang bị khả năng cạnh tranh mới. Nguy cơ bị đào thải nếu không đủ sức cạnh tranh là hiện thực.

Trong số các công ty niêm yết, Dược Hậu Giang là một gương mặt “trung thành” với kinh doanh cốt lõi. Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Dược Hậu Giang nói rằng công ty may mắn không vướng vào đa ngành vì không hiểu biết về những lĩnh vực khác ngoài dược.

“Với lại chúng tôi ở tuốt dưới Cần Thơ, xa các trung tâm kinh tế Hà Nội, TP.HCM, nên không có thông tin” – bà nói chân thật. Khi được hỏi nếu một doanh nghiệp trót đa mang đa ngành, nay phải làm sao để quay về kinh doanh cốt lõi, bà “tư vấn”: “Thôi thì mạnh dạn bỏ bớt người yêu, chỉ giữ lấy người nào mình hiểu rõ nhất, tâm đắc nhất”.

Niềm tin mong manh

Ông Võ Trí Thành cho biết khi trao đổi trong các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp, câu hỏi ông phải trả lời thường xuyên là dự báo về tỷ giá. “Ngân hàng Nhà nước đã cam kết năm nay không phá giá tiền đồng quá 2 – 3%. Thế mà vừa rồi điều chỉnh tỷ giá 1%, thị trường Hà Nội đã biến động, người ta liên tục hỏi nhau có nên mua đô-la không” – ông Thành kể và kết luận – “Niềm tin vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô còn mong manh”.

Sự dịch chuyển từ đa ngành về đơn ngành liệu có trở thành trào lưu trong thời gian tới? Có thể là có nếu sự phục hồi của nền kinh tế chậm chạp. Khi ấy đa phần người ta vẫn nhìn chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… như những cái u phải cắt bỏ. Khi cắt lỗ các khoản đầu tư đa ngành, các mảng kinh doanh đa ngành còn chưa muộn, thì chúng sẽ còn bị rời bỏ.

Suy cho cùng chọn lựa kinh doanh đa ngành hay cốt lõi phụ thuộc vào môi trường, vào điều kiện cơ chế, chính sách cụ thể từng thời kỳ. Không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn kinh doanh đa ngành đang tiến đến ngày tàn lụi và kinh doanh cốt lõi lên ngôi. Sự thay đổi sao cho thích nghi với
môi trường mới là điều cần phải tính đến.

Bên cạnh đó là sự kiểm soát giữa tham vọng và trình độ năng lực, quản trị của doanh nghiệp như thế nào để không có khoảng cách quá xa. Kinh doanh đa ngành hay cốt lõi, vì thế, không phải bài học, mà là kinh nghiệm và để có kinh nghiệm, doanh nghiệp nhiều khi phải trả một cái giá nào đấy.

Theo DNSG