Khủng hoảng chính trị Mỹ, sóng thần kinh tế chưa đến?

Các thị trường tài sản đã không chảo đảo mạnh như nhiều người lo ngại, thậm chí, khủng hoảng chính trị ở Mỹ còn là cơ hội để nhiều DN quảng bá, làm ăn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, mọi việc có thể diễn biến phức tạp.

Thị trường toàn cầu ổn định

Bất chấp thông tin chính phủ Mỹ đóng cửa tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư cổ phiếu, kết thúc phiên giao dịch 2/10, thị trường chứng khoán (TTCK) tại châu Á đều tăng điểm. Chứng khoán Hong Kong tăng 0,55%; S&P/ASX200 của Úc tăng 0,17%; Kospi của Hàn Quốc tăng nhẹ…

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng tăng khá mạnh +0,44% lên trên 494 điểm; HNX-Index tăng 0,2% lên 61,05 điểm. Thanh khoản được duy trì ở mức tương đối cao với nhiều cổ phiếu thuộc nhóm thủy sản, BĐS, khoáng sản tăng trần.

Với nhiều người, kể cả ở Mỹ cũng như các khu vực châu Âu, châu Á, biến cố mới nhất của Washington là điều bình thường và họ cho rằng tình trạng này sẽ sớm chấm dứt. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ sẽ sớm đạt được thỏa thuận. Việc tạm ngừng hoạt động chẳng qua là cách mà hai bên gây áp lực để đạt được mục đích của mình. Lịch sử Mỹ cũng đã trải qua rất nhiều lần đóng cửa như vậy, không có gì mới mẻ.

chính phủ Mỹ, đóng cửa, ngừng hoạt động, shutdown, vỡ nợ, Obama
Nhiều DN đã dùng sự thất bại của chính phủ như một lý do để thu hút sự chú ý với các băng rôn khẩu hiệu, những khuyến mại đáng chú ý nhắm vào những công chức liên bang tạm nghỉ việc (ảnh news.com.au).

Không những thế, nhiều ý kiến còn cho rằng việc Chính phủ Mỹ đóng cửa có lẽ lại là một điều tốt, vì Mỹ đang đứng trước một hạn định khác, mà nếu không được xử lý sớm thì mối nguy sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Ngày 17/10 tới sẽ là hạn cuối cho việc nâng trần nợ của Chính phủ Mỹ và nếu quốc hội không thể thông qua việc nâng trần nợ, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị vỡ nợ. Vì vậy, việc chính phủ Mỹ đóng cửa hiện tại là một thử nghiệm tích cực để đánh giá phản ứng của thị trường tài chính nếu như trần nợ công không được xử lý đúng hạn.

Cũng giống hầu hết các nước châu Á, TTCK Việt Nam không phản ứng tiêu cực với những thông tin xấu đến từ Mỹ. Nhóm cổ phiếu của DN thủy sản xuất khẩu vào Mỹ thậm chí còn ồ ạt tăng trần trong phiên 2/10. Nhiều NĐT cho rằng, chính phủ Mỹ đóng cửa đôi khi chỉ là trò chơi của các chính trị gia, cuối cùng kiểu gì các mâu thuẫn sẽ được giải quyết. Biến cố nói trên là việc của giới chính trị, bong bóng tài chính với những vụ việc như Lehman Brothers phá sản mới đáng lo. Giới đầu tư thế giới, trong đó có Việt Nam, không phải lo cho nhà giàu Mỹ.

Không dễ phớt lờ

Rõ ràng hai ngày qua, thị trường tài chính quốc tế đã phản ứng khá yên ả đối với biến cố chính trị nổi cộm trên chính trường. Biến động nhiều nhất mà giới đầu tư nhìn thấy có lẽ là việc giá vàng tăng giảm khá nhanh trong hai ngày qua và giá dầu thô đi xuống. Trong khi đó TTCK – hàn thử biểu kinh tế – của hầu khắp các nước đều rất ổn định.

chính phủ Mỹ, đóng cửa, ngừng hoạt động, shutdown, vỡ nợ, Obama
Nhiều người lo ngại nếu chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vốn đã chậm chạp sẽ càng mong manh (ảnh perthnow)

Song, nếu khủng hoảng kéo dài, kinh tế Mỹ sẽ đi xuống và sự thăng trầm của kinh tế Mỹ chắc chắn gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế các nước nhỏ hơn. Và đây là điều mà thế giới đang dõi theo những diến biến ở Washington.

TTCK phiên thứ 2 sau khi chính phủ Mỹ đóng cửa đã quay đầu giảm với những thời điểm trong phiên mất tới gần 1%. Sự cẩn trọng trong các quyết định mua vào của giới đầu tư cho thấy nỗi lo ngại đang lớn dần lên. Thị trường có lẽ đang đánh giá xem sự bế tắc sẽ được giải quyết như thế nào và tình hình hiện tại nguy hại đến mức nào.

Chứng khoán châu Á bước sang ngày thứ 3 (3/10) không còn giữ được đà tăng của phiên liền trước mà đang dao động giữa tăng và giảm. Đồng USD trong vài phiên gần đây cũng giảm so với các loại tiền tệ chính khác trên thế giới.

Điều mà nhiều người lo ngại nhất chính là ở chỗ nếu chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vốn đã rất chậm chạp sẽ càng trở nên mong manh. Tệ hại hơn, nếu chính phủ nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ, tác động của nó tới quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới vốn đang rất ốm yếu là rất lớn. Châu Âu có thể rơi ngược trở lại vào suy thoái, còn các nước đang phát triển lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Những kịch bản xấu nhất hoàn toàn có thể xảy ra bởi nhiều bất đồng, trong đó nổi bật là vấn đề ngân sách liên bang giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ. Bất đồng này đã trở nên quá sâu sắc và nó báo hiệu cuộc khủng hoảng lần này sẽ kéo dài hơn các lần trước.

Và đây có lẽ cũng là lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 2/10 cho biết, cơ quan này có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ thay cho kế hoạch thu hẹp kích thích. Theo đó, Fed có khả năng sẽ không giảm quy mô chương trình mua trái phiếu 85 tỷ USD vào cuối năm nay như dự tính ban đầu. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định Fed sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ lâu hơn do những lo ngại rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Ở chiều ngược lại, nhiều NĐT vẫn cho rằng, vấn đề ngân sách của Mỹ sẽ sớm được thông qua bởi ai cũng nhận ra nếu tình trạng vô chính phủ kéo dài thì thiệt hại chung là rất lớn. Cuộc khủng hoảng này, giống như các lần trước, là lời cảnh bảo cho chính phủ Mỹ và cũng là bài học cho các nước trong việc chi tiêu ngân sách quốc gia, trong việc cân nhắc lợi ích giữa các bên. Quyết định buộc phải đóng cửa chính phủ là một thất bại của Mỹ, cho thấy mức độ mất kiểm soát của chính phủ nước này, cho thấy sự phân cực xã hội ngày càng sâu sắc… nhưng ở một góc độ nào đó nó lại thể hiện sự công bằng, sự dân chủ và tiến bộ.

Theo Vietnamnet