Các doanh nghiệp đều muốn ổn định hoặc cắt giảm nhân sự trong thời kì kinh tế khó khăn, nhưng những vị trí việc làm tốt trong ngành công nghệ thông tin vẫn còn nhiều cho những sinh viên vững về công nghệ, có kĩ năng mềm và định hướng rõ ràng.
Thời gian gần đây, số lượng tuyển dụng trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) nhìn chung ít hơn, nhưng nhiều công ty cho biết, họ vẫn có nhu cầu tương đối cao. Có vẻ thị trường lao động ngành này không bị ảnh hưởng nhiều như các ngành khác.
Bà Lâm Thị Lan Hương, phụ trách tuyển dụng của Công ty USOL Việt Nam cho biết “Đây là thời kì ổn định nhân sự nên chúng tôi không có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tuyển dụng cho những vị trí trống do nghỉ việc, chuyển việc, đồng thời do công ty mở rộng lĩnh vực hoạt động sang mảng thiết kế nên chúng tôi có nhu cầu tuyển thêm cho mảng mới này”.
Do vậy, nhu cầu tuyển dụng năm nay của USOL Việt Nam khoảng 100 người. So với các năm trước, con số này bằng 2/3.
Trong khi đó, bà Mạnh Thị Hà Phương, phụ trách nhân sự Công ty Gameloft Việt Nam nhận định, năm nay là thời điểm suy thoái kinh tế nặng, nhưng cũng không hẳn là khe cửa việc làm cho các bạn sinh viên CNTT mới ra trường bị “hẹp” lại. Hiện tại, Gameloft vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự về lập trình, game tester… để đáp ứng nhu cầu mở rộng của công ty.
Nhiều chuyên gia nhận định, tuy nhu cầu tuyển dụng của ngành CNTT có giảm đôi chút so với các năm trước nhưng CNTT vẫn là ngành “ít bị ảnh hưởng” do suy thoái nhất. Thậm chí, sự thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của CNTT đang mở ra cánh cửa lớn hơn cho sinh viên ngành này.
Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo Aprotrain Aptech cho rằng đợt suy thoái kinh tế lần này khác hẳn so với đợt trước. Cách đây vài năm, CNTT còn là lựa chọn xa xỉ đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp và đợt khủng hoảng năm 2008 khiến nhân lực CNTT bị cắt giảm nhiều. Nhưng một số chính sách mới đã tác động nhiều đến nhận thức trong xã hội về CNTT, đặc biệt là ý thức coi CNTT là “hạ tầng của hạ tầng”. CNTT đã dần có vị trí quan trọng không thể thiếu trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ngay cả khi kinh tế khó khăn, nhiều tổ chức vẫn xác định phải duy trì hệ thống CNTT song song với hoạt động kinh doanh.
Vì vậy, “thay vì làm việc trong các doanh nghiệp CNTT, nhiều bạn sinh viên vẫn tìm thấy những cơ hội việc làm tại các công ty có ứng dụng CNTT hoặc trở thành chuyên gia phát triển phần mềm độc lập (freelancer)”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Qua quan sát, sinh viên ngành CNTT hiện nay khá dễ dàng kiếm được việc làm bán thời gian như thiết kế web, quản trị mạng, lập trình, kiểm thử… chỉ sau 1 năm học kiến thức chuyên ngành.
Ngô Thu Huyền, một học viên Aprotrain Aptech vừa nhận bằng tốt nghiệp cho biết em đi làm từ khi kết thúc năm thứ nhất. Và đến nay, sau khi đi làm được một năm (trùng với thời điểm hoàn thành khóa học), thu nhập của em đã tăng lên 200% (đạt khoảng 10 triệu đồng) so với khởi điểm, và đã chuyển từ vị trí lập trình viên ban đầu sangkỹ sư cầu nối. Huyền chia sẻ: “Qua quá trình làm việc thực tế cũng như nhìn vào tương lai của ngành CNTT, em thấy vững tâm về công việc của mình”.
Thực tế của Huyền cũng là kinh nghiệm cho nhiều bạn sinh viên khác khi muốn tìm việc làm. Theo ông Chu Tuấn Anh, sinh viên CNTT cần có việc làm từ trước khi đi làm chính thức để khi vào môi trường chuyên nghiệp thì có thể bắt nhịp được ngay.
Một lời khuyên khác, theo bà Phương, dù khi nhu cầu tuyển dụng cao hay thấp, điều quan trọng là các bạn sinh viên phải định hướng rõ ràng xem mình muốn làm mảng nào. Công ty Gameloft cũng có những buổi hội thảo, huấn luyện để sinh viên hiểu hơn về các vị trí công việc tại công ty.
“Chúng tôi thường chọn những sinh viên biết mình muốn làm gì và biết mình có thể làm được gì”, bà Phương nhấn mạnh.
Còn bà Hương thì chia sẻ: “Tại USOL, chúng tôi cũng ưu tiên những sinh viên có sự khác biệt, chẳng hạn chúng tôi trả lương cao hơn hơn cho những sinh viên CNTT biết tiếng Nhật”.
Tất nhiên, kiến thức chuyên môn là rất cần thiết bởi đây là nền tảng giúp các bạn phát triển nghề nghiệp về sau. Ngoài ra, có một số tiêu chí khác như khả năng hòa đồng, làm việc theo nhóm… Với hành trang như vậy, sinh viên ngành CNTT có thể tự tin về tương lai việc làm của mình ngay cả trong tình hình khủng hoảng
Theo ICTnews