Kinh doanh vượt lề thói

Thủ tướng Chính phủ, trong văn bản số 25CT-TTg ngày 13/8/2014, đã chỉ thị ngành tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan phấn đấu thu vượt kế hoạch ngân sách năm 2014 khoảng 8 – 10%.

img-2580

Điều này gây áp lực lớn cho ngành thuế và hải quan, hai cơ quan chính phụ trách thu thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu. Năm 2013, thu ngân sách nhà nước thiếu hụt nhiều, trong đó nợ thuế ở khâu nhập khẩu rất lớn do nhiều doanh nghiệp (DN) chây ỳ. Tổng thu ngân sách năm 2014 dự kiến là 782.700 tỷ đồng.

Tính đến tháng 7/2014, tổng thu ngân sách ước tính 497.360 tỷ đồng, đạt 63,5% dự toán năm. Như vậy, với mục tiêu tăng thêm thu ngân sách từ khoảng 63 đến 78 ngàn tỷ đồng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến hết năm 2014, ngành thuế và hải quan có thể sẽ siết chặt hơn việc thanh tra thuế và kiểm tra sau thông quan để có thể bổ sung vào nguồn thu ngân sách năm 2014.

Liên quan đến nguồn thu, việc áp dụng Thông tư 128/2013/TT-BTC từ ngày 1/11/2013 được nhiều DN cho là gây khó khăn. Vấn đề nổi cộm là khi các DN thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phải nộp thuế GTGT và thuế nhập khẩu trước khi thông quan. Trước đây, DN lấy hàng về sau 30 ngày mới phải nộp thuế, còn bây giờ phải nộp thuế rồi mới được lấy hàng.

Điều này có thể trở thành gánh nặng đối với các DN, bởi quản lý luồng tiền là điều hết sức quan trọng trong giai đoạn DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thủ tục kiểm tra hàng tại cảng cũng tỏ ra không phù hợp với những DN nhập khẩu hàng hóa là máy móc, trong bối cảnh cảng không có đủ điều kiện lắp ráp, thay vì DN được mang hàng về cơ sở của mình, sau đó hải quan đến kiểm tra như trước đây.

Áp dụng Thông tư 128, DN phải chịu thêm chi phí thời gian, kho bãi… Nhưng đằng sau những kêu ca ấy thì cũng phải thấy rằng, những vướng mắc của DN đôi khi liên quan đến nhận thức của chính DN trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Điển hình là việc kê khai hải quan điện tử đã được triển khai 5 năm gần đây.

Áp dụng hình thức này, DN có thể mở tờ khai nhập khẩu qua phần mềm tại trụ sở cơ quan hải quan hoặc tại văn phòng. Kết hợp với thủ tục thanh toán trực tuyến đối với tiền thuế nhập khẩu tới ngân hàng chỉ định của hải quan, tất cả thủ tục chỉ làm trong vòng 1-2 ngày, thậm chí DN có thể kê khai sau khi khi hàng bên nước xuất khẩu chất lên tàu.

Việc thiếu chủ động trong kế hoạch kê khai nộp thuế nhập khẩu dẫn đến ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu chờ thông quan khi DN thường kê khai thuế khi hàng cập cảng.

Thói quen này cũng tương tự như việc nhiều DN cố để đến tháng cuối cùng, tuần cuối cùng mới kê khai thuế cho quyết toán thuế cuối năm, phát sinh ùn tắc trong xử lý tờ khai quyết toán, cơ quan thuế phải làm việc gần như 24/24 mà cùng còn hồ sơ không xử lý được đúng hạn.

Từ đó dẫn đến việc phát sinh tiền phạt chậm nộp nếu DN bị coi là nộp tờ khai thuế muộn. Vì vậy, DN cần rút kinh nghiệm thực tế, để khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thông quan. DN cần có kế hoạch hợp lý về quá trình nhập khẩu, kê khai điện tử và thanh toán tiền thuế kịp thời trước khi hàng cập cảng.

Hiện nay, các DN đã làm quen với hệ thống hải quan điện tử, việc nộp thuế được kết nối với các ngân hàng thương mại do cơ quan hải quan chỉ định, DN không nhất thiết nộp tiền về kho bạc.

Tuy nhiên, một số DN đã lợi dụng việc phải mất một thời gian nhất định để chuyển tiền từ ngân hàng mà DN có tài khoản đến ngân hàng hải quan chỉ định, để chỉ lấy chứng từ ngân hàng thể hiện “đã chuyển tiền” để trình cho cơ quan hải quan cho mục đích thông quan.

Ngay khi hàng hóa được thông quan, DN lại giữ lại khoản tiền, không chuyển trả cho ngân hàng mà hải quan chỉ định. Số DN làm việc đó không nhiều, song là tác nhân căn bản để cơ quan hải quan siết chặt kiểm soát, đồng thời đưa ra quy định DN phải chờ ngân hàng báo đã nhận tiền, hàng hóa mới được thông quan, như vậy lại mất thêm thời gian. Các quy định chính sách sẽ ngày càng chặt chẽ, vì vậy, những DN làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng liên đới.

Thông tư 128 có hiệu lực chưa được một năm, các vướng mắc đang phát sinh nhưng không nên vội vã sửa đổi. Các ngành liên quan cần phối hợp trao đổi thông tin, sớm rà soát lại các quy định, tổng hợp những vướng mắc, xác định nguyên nhân gốc rễ để từ đó đưa ra phương thức xử lý phù hợp.

Song điều quan trọng để khắc phục vướng mắc là các DN cần có chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đặc biệt, với xu hướng cơ quan thuế và hải quan sẽ tăng cường thanh kiểm tra, từ nay đến hết năm, các DN cần rà soát, hoàn thiện sổ sách, chứng từ, chủ động điều chỉnh các nghiệp vụ cần thiết, sẵn sàng giải trình hợp lý với cơ quan thuế và hải quan khi có thanh tra.

Theo DNSG