Tại hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014 – 2015” vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định: Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 – 2015 sẽ “sáng sủa” hơn nhưng vẫn đối diện với nhiều thách thức.
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Summit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá: Sự khó khăn hiện nay của kinh tế Việt Nam là hậu quả từ tăng trưởng dựa chủ yếu vào tín dụng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2007 – 2010 là 35 – 55%/năm.
Phần tín dụng được sử dụng vào lĩnh vực mang tính đầu cơ, tạo ra bong bóng thị trường bất động sản và gây bất ổn thị trường chứng khoán, làm lạm phát tăng cao, đẩy lãi suất cho vay lên, dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản.
Một số đại biểu cũng đánh giá tăng trưởng GDP năm 2013 dù “ấm hơn” nhưng vẫn ở mức thấp. Lạm phát được kiểm soát nhưng có thể quay trở lại. Năng lực cạnh tranh tăng, nhưng thấp so với khu vực. Giá vàng còn cách biệt khá lớn so với thế giới. Thị trường bất động sản còn rất khó khăn.
Tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp, chưa có nhiều chuyển biến và đột phá. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Tuy nhiên, ông Sumit Dutta cũng nhấn mạnh, Việt Nam có nền tảng kinh tế chắc chắn do dân số trẻ, tỷ lệ dân số biết chữ cao, tỷ lệ nghèo giảm nhanh, tốc độ đô thị hóa nhanh…
Dự đoán tình hình kinh tế năm 2014-2015, Tổng giám đốc HSBC cho rằng, GDP năm 2014 là khoảng 5,4%, năm 2015 là 5,8%, lạm phát vẫn đạt 1 con số, cán cân thương mại tăng trường tốt… Đáng chú ý, GDP bình quân theo đầu người năm 2014 sẽ vượt qua con số 2.000USD.
Về lạm phát, HSBC đưa ra con số dự báo khá cao, CPI năm 2014 và 2015 sẽ lần lượt là 8,3 – 8,6%, tăng mạnh so với năm nay. Điểm tích cực là ngân hàng này dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng thêm 5 tỷ USD mỗi năm, đạt 40 tỷ USD vào năm 2015. Tỷ giá hối đoái hai năm tới sẽ ổn định ở mức 21.500 đồng/USD, lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức 7%.
Mặc dù đánh giá cao những mặt tích cực mà Việt Nam đã đạt được từ đầu năm đến nay nhưng các chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, nền kinh tế chỉ là bước đầu của quá trình phục hồi. Điểm bức xúc lớn nhất hiện nay, theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, là vấn đề vốn và nợ xấu.
“Mục tiêu của năm 2013 là đạt tăng trưởng tín dụng 12%. Như vậy, từ nay đến cuối năm chỉ còn 4%, với tình hình này thực sự là rất khó khăn. Hiện ngân hàng thừa vốn nhưng không cho vay được, doanh nghiệp cần vốn nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Nút thắt ở đây chính là nợ xấu. Giải quyết được nút thắt nợ xấu là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển”.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, mà chỉ nên ở mức khoảng 10% là hợp lý. Nếu mở rộng tăng trưởng tín dụng, hậu quả của nó có thể còn phức tạp hơn. Việc giảm lãi suất huy động thêm nữa cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nên giữ ở mức lãi suất thực dương.
Theo DNSG