Theo TS. Lê Đình Ân trong năm 2013, cần nhanh chóng xử lý các vấn đề nóng của nền kinh tế hiện nay như tái cơ cấu; nợ xấu; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì niềm tin sản xuất, kinh doanh cho DN là khâu quan trọng hiện nay. Theo đó phải phân loại DN để có chính sách ưu đãi, gỡ khó phù hợp.
TS. Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Chúng ta đã qua một năm 2012 đầy khó khăn với nhiều sự nỗ lực cố gắng. Theo ông đâu là dấu ấn đậm nhất?
Kiềm chế lạm phát ở mức một con số là thành công lớn nhất thể hiện trong suốt cả năm 2012. Đây là thành quả của việc tập trung điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, điều chỉnh lượng cung tiền ra thị trường, điều chỉnh lãi suất trong điều kiện lạm phát giảm sâu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các NHTM.
Tiếp đó tỷ giá là ổn định trong suốt năm 2012, tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô cũng như cân đối ngoại tệ.
Bên cạnh đó, trong năm 2012, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tình thế nhằm giải quyết khó khăn cho các DN. Tuy chưa đưa lại những đột phá nhưng cũng làm cho sản xuất, kinh doanh tăng lên trong những tháng cuối năm… những thành công đó làm cho kinh tế vĩ mô ổn định trong năm qua.
Những lường trước của ông về những tác động từ nền kinh tế thế giới – vẫn đang được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn hơn – tới Việt Nam ra sao trong năm 2013?
Đối với triển vọng kinh tế thế giới năm 2013, kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động trực tiếp ở ba lĩnh vực chính là xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối. Đây được coi là 3 khó khăn nhưng cũng là “điểm tựa” cho nền kinh tế.
Những khó khăn mà lĩnh vực xuất khẩu trong năm 2013 phải đối mặt bao gồm: Nhu cầu tiêu dùng yếu ở khu vực châu Âu và sự trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt hơn, cộng với nhu cầu tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á sẽ hỗ trợ nhiều cho đơn hàng xuất khẩu mới ở Việt Nam.
Về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thực tế, Việt Nam vẫn có những lợi thế cơ bản để thu hút FDI như giá nhân công rẻ tương đối so với các quốc gia trong khu vực, các nguồn lực tự nhiên tương đối dồi dào. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, vì vậy bên cạnh xử lý nợ xấu, ổn định kinh tế vĩ mô thì cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ quan trọng để giúp Việt Nam trở thành quốc gia hấp dẫn để đầu tư.
Khủng hoảng kinh tế có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của kiều hối vào Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2013, nếu thị trường bất động sản vẫn đóng băng, sẽ khiến lượng kiều hối với mục đích đầu tư có thể sẽ sụt giảm.
Như vậy, cán cân thanh toán trong năm 2013 không mấy lạc quan khi cán cân thương mại quay lại thâm hụt do khả năng các công ty nội địa sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa và nguyên liệu hơn khi nền kinh tế và sức mua nội địa hồi phục trở lại trong khi đó tăng trưởng xuất khẩu không vững chắc. Lượng kiều hối có thể sẽ sụt giảm khi những bất ổn về kinh tế toàn cầu chưa được cải thiện. Dòng vốn FDI giảm nếu Việt Nam chưa hoàn tất việc tái cấu trúc nền kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải thiện.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro năm tới, vấn đề cải cách ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư – là một trong những mục tiêu trọng yếu giúp kinh tế Việt Nam phục hồi trong năm nay và 2013.
Vậy ông đánh giá thế nào về tiến trình thực hiện tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu?
Chính phủ và NHNN đã có những động thái khẩn trương xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém và thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng trong cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Nợ xấu của các NHTM có thể được xử lý bằng cách tự NHTM đó giải quyết hoặc thành lập cơ quan quản lý tài sản quốc gia để mua bán nợ xấu. Tuy nhiên do nợ xấu của hệ thống tín dụng gắn chặt với khu vực DNNN và bất động sản. DNNN sử dụng vốn tín dụng chiếm 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu.
Với nợ xấu mang tính hệ thống như vậy, cần phải tiến hành quá trình xử lý nợ xấu nhanh chóng và toàn diện ở tầm quốc gia. Theo tôi, Chính phủ và trực tiếp là NHNN sẽ xử lý nợ xấu trong vòng 3 năm thông qua việc tái cấp vốn theo trình tự và tiến độ cần thiết. Nguồn tái cấp vốn hiện nay có thể huy động được trong nội bộ hệ thống ngân hàng mà không cần NSNN.
Tỷ giá đã được duy trì ổn định trong suốt năm qua. Tuy nhiên, theo ông điều này có tiếp diễn trong năm 2013?
Tỷ giá VND/ USD ổn định ở mức 20.803 đến 21.023 đồng/USD từ đầu năm đến nay, dao động trong biên độ cho phép ±1%. Quan sát tỷ giá VND/ USD kỳ hạn 3 tháng cho thấy giới đầu tư kỳ vọng tiền đồng vẫn tiếp tục sẽ tăng giá và duy trì ổn định trong 3 tháng tới.
Tuy nhiên lạm phát là một trong những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường ngoại hối trong nước. Điều này có thể dẫn tới tình trạng người dân có thể chuyển sang giữ ngoại tệ và vàng như những tài sản đảm bảo khi họ nhận thấy rủi ro về lạm phát kéo theo sự mất giá của tiền đồng.
Đặc biệt trong bối cảnh nếu lãi suất tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao trong khi hầu hết các nền kinh tế nới lỏng CSTT và hạ lãi suất, về ngắn hạn, có nhiều khả năng sẽ có những dòng vốn ngắn hạn chuyển vào Việt Nam để hưởng chênh lệch về lãi suất.
Những dòng vốn nước ngoài ngắn hạn vào Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều mất cân đối, khả năng hấp thụ kém sẽ có ít khả năng đóng góp thực sự cho phát triển kinh tế. Ngược lại, đây có thể coi là một trong những yếu tố tiềm ẩn rủi ro đối với tỷ giá và những biến động bất thường về dòng vốn của Việt Nam trong năm 2013.
Và khuyến nghị chính sách cho năm 2013, thưa ông?
2013 vẫn tiếp tục là một năm nhiều khó khăn và thực trạng kinh tế cho thấy những dấu hiệu rơi vào trì trệ. Cần phải tìm ra cho được và quyết tâm thực hiện các giải pháp mang tính đột phá cao.
Theo đó, cần đổi mới tư duy, quan điểm về điều hành nền kinh tế; mạnh dạn đột phá trong khâu xây dựng các cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế trong năm 2013 và đến năm 2015 nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi khủng hoảng. Không nên gò bó vào xử lý tình huống trước mắt càng không nên quá chú ý đến việc dùng các DNNN làm công cụ lan tỏa chính sách hiện nay. Đồng thời cần sớm đổi mới vai trò, chức năng của Chính phủ trong quản lý kinh tế.
Đặc biệt cần nhanh chóng xử lý các vấn đề nóng của nền kinh tế hiện nay; tái cơ cấu; nợ xấu; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì niềm tin sản xuất, kinh doanh cho DN là khâu quan trọng hiện nay. Theo đó phải phân loại DN để có chính sách ưu đãi, gỡ khó phù hợp.
Với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, với những đổi mới cơ bản về tư duy quản lý kinh tế, hy vọng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2013 và những năm sau.
Theo Cafef