Kinh tế Việt Nam: Từ 2013 hướng về 2014

Liệu nền kinh tế Việt Nam, trong quá trình “rơi” qua các năm 2011, 2012, 2013, sẽ có thể chạm đáy vào năm 2014 để có thể bắt đầu phục hồi vào năm 2015 hay không vẫn là một câu hỏi lớn hiện nay chưa có lời giải?

Vào cuối năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 124,3 tỉ USD, trong đó nhập siêu tương đương 8% kim ngạch xuất khẩu, tức khoảng 10 tỉ USD, bội chi ngân sách chiếm 4,8% GDP và lạm phát giữở mức 7 – 8%.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một cái nhìn tương đối lạc quan về tăng trưởng kinh tế trong năm 2013, khi dự kiến khiếm hụt cân thương mại lên đến 10 tỉ USD, chỉ số lạm phát 8% và bội chi ngân sách 4,8% (so với 6,9% năm 2012), trong niềm hy vọng là các dự án sản xuất của khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sẽ được khởi động lại, nhu cầu nhập khẩu vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị gia tăng, lãi suất ngân hàng giảm và tăng trưởng tín dụng sẽ giúp cho sản xuất và tiêu dùng trong nước phục hồi, tạo điều kiện cho nguồn thu ngân sách nhà nước đạt kế hoạch trong khi chi ngân sách vẫn gia tăng do các chương trình kích cầu của Chính phủ.

Ở thời điểm kết thúc năm 2013, nhìn lại một năm qua, chúng ta có thể thấy rằng kịch bản lạc quan đó đã không hiện thực. Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và giải pháp tháo gỡ những khó khăn thách thức của một thời kỳ đình đốn kéo dài vẫn đang được mọi người lo lắng chờ đợi.

Tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam chỉ đạt 5,3%, lạm phát năm 2013 tăng 6,6%, thấp hơn so với mức dự báo 8% cho thấy tình trạng đình trệ vẫn chưa được giải tỏa, số lượng lao động thất nghiệp đang gia tăng cùng với hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân phá sản.

Vào những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã phải cho nghỉ việc hàng ngàn nhân viên, một dấu hiệu cảnh báo cơn bệnh của khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu lây nhiễm đến hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, trong khi thị trường nội địa trầm lắng do khối cầu trong nước suy giảm, ngành ngoại thương vẫn có những tăng trưởng nhất định. Theo Bộ Công thương, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 132 tỉ USD, tăng 15,3% so với 2012, nhập khẩu 132,5 tỉ USD, tăng 16,5% so với 2012. Riêng xuất khẩu của khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đột biến, đạt 57 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 43% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu năm 2013 là 500 triệu USD, bằng 5% chỉ tiêu thâm hụt thương mại dự kiến 10 tỉ USD (nếu không tính nhập vàng thoi sẽ là xuất siêu).

Như nhiều nhà quan sát kinh tế nhận định, đây chưa phải là một dấu hiệu tích cực thể hiện sự cải thiện cán cân thương mại vốn thường xuyên khiếm hụt lớn trong hai thập niên qua. Hiện tượng nhập siêu giảm của năm 2013 không cho thấy một sự chuyển hướng của ngoại thương Việt Nam từ nhập siêu sang cân đối và tiến tới xuất siêu như mong đợi, mà chỉ là hậu quả của tình trạng đình trệ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư doanh, nhiều dự án phát triển sản xuất của họ đang bị dừng lại, khiến cho nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu vật tư giảm sụt.

Mặt khác tuy lãi suất cho vay giảm, khối lượng tín dụng ngân hàng đã không tăng trưởng như mong muốn, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao và nhiều doanh nghiệp không muốn hoặc không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 788,5 nghìn tỉ đồng, chỉ bằng 96,6% dự toán kế hoạch. Do đó, để duy trì mức khiếm hụt ngân sách bằng 4,8% GDP như nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tạm dừng các gói kích thích kinh tế và giảm đầu tư công để kìm giữ tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ở mức 950,5 nghìn tỉ đồng.

Tuy vậy, trên cái nền xám của bức tranh kinh tế năm 2013, cũng có những sắc hồng: đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký lên đến trên 20 tỉ USD, tăng 65% so với 2012, trong đó đã giải ngân trên 10 tỉ USD, kiều hối đạt mức kỷ lục 11 tỉ USD.

Hai yếu tố nói trên, cùng với mức nhập siêu thấp và các khoản giải ngân ODA, đã góp phần chủ yếu vào việc ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD (chỉ tăng khoảng 1% so với 2012) đồng thời củng cố khối dự trữ ngoại tệ quốc gia ở mức tương đương ba tháng nhập khẩu.

Năm 2014 có thể là một năm đầy kịch tính, khi các khó khăn tích lũy từ những năm trước lộ diện dần, tạo nên những nút thắt nguy hiểm cần phải được tháo gỡ để đưa vở kịch đình trệ kinh tế đến hồi kết thúc.

Thị trường bất động sản chưa thể tan băng ngay trong năm 2014 do khoảng cách cung cầu quá lớn, nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của FDI, những hoạt động M&A đối với những dự án đang đóng băng cùng với sự giảm giá sâu của nhà đất và những biện pháp giải tỏa không thể không làm về thủ tục hành chính, về thuế, về tín dụng ngân hàng… sẽ là những tác nhân quan trọng giúp cho thị trường bất động sản bớt đi vẻảm đạm vào cuối năm 2014.

Mặt khác, những biện pháp điều chỉnh quyết liệt hơn từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ buộc các ngân hàng yếu kém tham gia tích cực vào tiến trình sáp nhập hợp nhất, tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu một cách dứt khoát không để kéo dài ì ạch như trong thời gian qua.

Các ngân hàng thương mại chắc chắn phải trải qua một cuộc đại phẫu và không tránh được những mất mát, nhưng đó là cái giá phải trả để hệ thống ngân hàng hồi sinh sau một cơn bạo bệnh, trở nên lành mạnh hơn nhằm hoàn thành tốt vai trò mũi đột phá giúp nền kinh tế hồi phục.

Việc Chính phủ xin Quốc hội chuẩn y mức khiếm hụt ngân sách năm 2014 bằng 5,3% GDP và một mức trần nợ công lên đến 65% GDP cho thấy một sự chuẩn bị nới lỏng chính sách tài khóa để xử lý các khoản nợ tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước đồng thời đẩy mạnh đầu tư công.

Chính sách tiền tệ cũng phải bớt thắt chặt với một mức lãi suất ngân hàng tương đương năm 2013 hoặc thấp hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt mức 12 – 14% trong năm 2014. Những nới lỏng trong chính sách tài khóa và tiền tệ với mục tiêu kích thích tăng trưởng có thể khiến cho lạm phát năm 2014 vượt con số 8%, tuy rằng giá vàng giảm mạnh và tỷ giá đồng bạc Việt Nam được dự đoán sẽ khá ổn định, chỉ tăng khoảng 1,1% trong năm 2014.

Điểm tỏa sáng trong năm 2014 là đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ lệ lớn dần trong tổng đầu tư của nền kinh tế. Tuy vậy, do đầu tư tư nhân tiếp tục suy yếu, tổng đầu tư cũng chỉ đạt 30% GDP, trên cơ sở đó Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 5,4% thay vì 5,8% như dự báo của Chính phủ.

Liệu nền kinh tế Việt Nam, trong quá trình “rơi” qua các năm 2011, 2012, 2013, sẽ có thể chạm đáy vào năm 2014 để có thể bắt đầu phục hồi vào năm 2015 hay không vẫn là một câu hỏi lớn hiện nay chưa có lời giải?

Nhưng lời giải không thể tìm thấy ở bên ngoài, từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, từ sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế từ Trung Quốc sang các nước ASEAN hay từ cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam qua việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2014. Lời giải căn bản nhất và quyết định nhất cho tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam phải đến từ bên trong, từ điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi là “cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển”.

Ý nghĩa của đột phá là phải tháo gỡ được những nút thắt, tạo được những chuyển biến tích cực. Chẳng hạn, đột phá trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không chỉ nhằm thay đổi cơ cấu vốn, mà còn phải thay đổi cơ cấu nhân sự, mạnh dạn sử dụng người điều hành có năng lực, kể cả thuê nhà quản trị chuyên nghiệp từ nước ngoài để tăng cường hiệu quả hoạt động, tránh tham ô lãng phí.

Đột phá trong lĩnh vực kinh tế tư doanh là thừa nhận một cách thực chất vai trò quan trọng của kinh tế tư doanh trong sự nghiệp phát triển kinh tế – một khu vực tạo công ăn việc làm cho 86% lao động – đi kèm với những chính sách hỗ trợ hữu hiệu của Nhà nước về thuế, về tín dụng, về môi trường pháp lý, đầu tư, về một sân chơi cạnh tranh bình đẳng.

Đột phá trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ là việc xử lý nợ xấu hay sáp nhập hợp nhất mà còn phải ngăn chặn hành động của những cổ đông lớn thao túng ngân hàng, dùng tiền tiết kiệm huy động của nhân dân làm nguồn vốn thâu tóm ngân hàng và dùng ngân hàng làm công cụ phục vụ lợi ích riêng qua những hoạt động đầu cơ đầy rủi ro.

Có đột phá mới có tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế là hàm số của tăng trưởng những yếu tố khác: vốn đầu tư, kỹ năng và công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, y tế, giáo dục…

Nhưng trên hết, đó là sự tăng trưởng của niềm tin, có được nó chúng ta chắc chắn sẽ có được tất cả những điều còn lại. Đó là niềm tin của mọi doanh nghiệp và của mọi người dân vào tương lai phát triển của doanh nghiệp và cuộc sống an lành hạnh phúc mà họ tạo ra và được hưởng trên đất nước này, vào tương lai cường thịnh lâu dài bền vững của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt.

Theo DNSG