Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ hai mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Thứ nhất, một ủy ban quản lý DNNN trực thuộc Chính phủ. Thứ hai, các bộ, ủy ban nhân dân tỉnh – thành hay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đứng ra làm chủ sở hữu vốn ở doanh nghiệp (DN).
Lập một ủy ban quốc gia để quản lý, giám sát các DNNN thay vì để các bộ là vấn đề lớn. Thứ nhất, về thực chất, nó vẫn là một cơ quan nhà nước, không xóa được cơ quan chủ quản.
Thứ hai, thống nhất một đầu mối, nhưng để một ủy ban quản lý tất cả DNNN của các ngành, lĩnh vực, chưa chắc đã sát hơn các bộ. Thứ ba, với số lượng DNNN lớn như hiện nay, sẽ rất khó quản lý dù đưa về các bộ hay tập trung ở một ủy ban.
Ở những nước tiên tiến, tỷ trọng DNNN rất nhỏ, dưới 10%, như ở Mỹ là dưới 2%. Tại Việt Nam, số lượng DNNN đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, khoảng 28% GDP, nếu cộng với 5 ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh, tỷ trọng lên đến 34% GDP.
Trên thế giới, không có một nền kinh tế thị trường nào mà quốc doanh chiếm một tỷ lệ lớn như Việt Nam. Một nền kinh tế thị trường mà khu vực DNNN lớn như vậy, thì điều cầm chắc là không hiệu quả.
Khu vực DNNN vẫn ở trong tình trạng giám sát kém, thua lỗ và không hiệu quả. DNNN chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của đất nước và chiếm phần lớn tỷ lệ nợ xấu. Hầu hết dư nợ tín dụng nằm trong tay 5 NHTM quốc doanh.
Quản lý kinh doanh lại “quá nhiều chuyện”. Nhà nước vẫn là chủ sở hữu quá nhiều lĩnh vực, trong khi người đại diện với “ông chủ” có một khoảng cách xa về lợi ích và trách nhiệm.
Việc xử lý vấn đề lợi ích trong một DNNN rất phức tạp, bởi trong đó có lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể DN và lợi ích cá nhân người quản lý. Ba cái lợi ích ấy không thống nhất, nên lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể thường đục khoét lợi ích của Nhà nước. Đây là một trong những vấn đề làm cho hiệu quả quản lý thấp.
Nhiều phương án đã được Trung ương đưa ra để xử lý các vấn đề của DNNN, mà cổ phần hóa được cho là hiệu quả. DNNN cổ phần hóa theo hướng Nhà nước là chủ sở hữu cổ phần, chiếm tỷ lệ không chi phối, không quản lý DN, thay vào đó là các thành phần khác chiếm tỷ lệ chi phối và quản lý DN.
Tuy nhiên, hiện nay số DNNN nắm cổ phần 100% còn rất lớn và nắm cổ phần 51% chi phối còn lớn hơn nữa, dù một số nghị quyết ghi rõ, Nhà nước không nắm những ngành, những lĩnh vực không cần thiết.
Thực tế, đến nay Nhà nước vẫn nắm các lĩnh vực có lãi lớn và là đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ thoái vốn chậm vì thị trường chứng khoán trầm lắng, cổ phần bán không ai mua và người ta nghĩ nhiều đến chuyện chỉ cổ phần hóa những DN yếu kém.
Đồng ý rằng, không thể cổ phần một số lĩnh vực chiến lược, liên quan đến quốc phòng, an ninh nhưng không có lý do gì để Tổng công ty Bách hóa Hà Nội (Hapro) tồn tại như một ” địa chủ” bằng việc cho thuê nhiều nhà to, xây trên những khu đất vàng của thành phố, hay giữ lại lĩnh vực rượu, bia, nước giải khát vì nó có lãi lớn.
Vấn đề đặt ra, tại sao không bán những chỗ “hot” nhất, những chỗ bán được, những chỗ chưa bán được thì bán từ từ. Chính vì lĩnh vực rượu, bia, nước giải khát có lãi lớn mới cần bán và mới bán được giá cao.
Nếu Nhà nước cho cổ phần hóa, sau đó đánh thuế, cái lợi thu được sẽ lớn hơn việc ăn chia lãi của chủ sở hữu. Nguồn tiền đó, Nhà nước thu lại, sử dụng vào đầu tư công, tăng lương cho người lao động, giảm áp lực lên ngân sách.
Một vấn đề nữa, chế độ quản trị của DNNN không theo chuẩn quốc tế, thậm chí còn rất tùy tiện. Chuyện “lương khủng” của lãnh đạo nhiều DN công ích ở TP.HCM chỉ là một ví dụ và đấy mới chỉ là lương, còn thu nhập thì càng khó kiểm soát.
Người ta không biết được những ông tổng giám đốc này thu nhập là bao nhiêu, nhưng có thể nói, họ đều giàu có cả, dù DNNN thua lỗ. Đó là một vấn đề tương đối phổ biến, chắc chắn không chỉ ở TP.HCM, mà nhiều tỉnh – thành khác cũng trong tình trạng ấy, bởi không có quy định chặt chẽ, không có giám sát.
Trong ba lĩnh vực kinh tế cần cơ cấu lại, tái cơ cấu DNNN quan trọng nhất, nếu làm tốt được cái này, những cái kia cũng sẽ được xử lý. Nhưng trước tiên, phải làm được hai việc.
Một là, giảm tỷ trọng DNNN xuống bằng cách, tất cả những lĩnh vực không cần nắm, phải buông hết, buông bằng cách cổ phần hóa. Hai là, thực hiện quản trị DNNN theo chuẩn quốc tế. Việt Nam đã bàn quá nhiều về quản lý DNNN, dù những chính sách hay, đi vào cuộc sống không bao nhiêu.
Vì vậy, không cần phải tự nghĩ ra các chính sách riêng, mà nên áp dụng các cơ chế, chính sách thế giới đã làm và có kết quả. Có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý hiệu quả DNNN của Singapore, một đất nước còn nhiều DNNN.
Theo DNSG