Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, như xây dựng giảm 6%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 6,5%; kinh doanh bất động sản giảm 10,6%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 26,5%;…
Báo cáo của Bộ cho thấy, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm giảm 1,2%; nhưng sau 5 tháng đã tăng 4,8%; 6 tháng tăng 7,6%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8,3 nghìn; 5 tháng khoảng 8,8 nghìn; 6 tháng khoảng 9,3 nghìn doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế trên cho thấy các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới vẫn có xu hướng giảm gần 20% so với 6 tháng của năm 2012, do những khó khăn của nền kinh tế và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đang có chuyển biến bước đầu; số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ: 3 tháng giảm 14%; 4 tháng giảm 4,8%; 5 tháng giảm 0,9%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, tuy vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng đang có xu hướng giảm dần: 4 tháng tăng 16,9%; 5 tháng tăng 13%; 6 tháng tăng 12,3%.
Về cơ cấu theo địa bàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số vùng kinh tế khác có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng cao là: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 24,3%; Trung du và miền núi phía Bắc tăng 32,7%; Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tại 2 vùng kinh tế trọng điểm, với gần 26,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 67,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm hoặc tăng không đáng kể: Đồng bằng sông Hồng giảm 4,5%; Đông Nam Bộ chỉ tăng 0,9%.
Tại một số địa phương, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá cao so với cùng kỳ: Hà Tĩnh tăng 67,3%; Bình Định tăng 83,3%; Sóc Trăng tăng 100%; Trà Vinh tăng 171,8%;… Tuy nhiên, một số địa phương, nhất là các địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng vẫn gặp khó khăn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ, như: Hà Nội giảm 2,9%; Hải Phòng giảm 20,3%; Quảng Ninh giảm 17,8%;…
Về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể, như: giáo dục và đào tạo tăng 5,1%; hoạt động dịch vụ khác tăng 8,9%; y tế và trợ giúp xã hội tăng 64,3%…
Theo cafef