Cơn khủng khoảng kéo dài từ năm 2008 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ bị kiệt quệ tài chính, đứng bên bờ phá sản. Những cái “chết” của các “đại gia” sắt thép, xi măng, khoáng sản, bất động sản… đến nhanh hơn vì được ngân hàng cho vay “quá tay” với lãi suất “trên trời”. Giờ, lãi suất đã giảm chỉ còn bằng 1/3 so với trước, nhưng chẳng thấy khách hàng đâu.
Trong một tâm thư viết trước khi bị bắt giam, ông Phạm Văn Thụ, chủ nhóm Công ty thép Thái Sơn (Hải Phòng) đã than thở rằng trong giai đoạn 2008 – 2011, DN của ông đã phải chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất tới 23 – 25%/năm để cầm cự. Nhưng các món vay này cũng chỉ được dùng để “đảo nợ” ngân hàng và trả nợ “tín dụng đen” bên ngoài, chứ không hề tạo ra lợi nhuận.
Khi ngân hàng siết tín dụng, ngừng cho vay, ông Thụ càng ngập sâu trong khối nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng, mà “lãi mẹ không ngừng đẻ lãi con”. Rơi vào thế bí, cha con ông Thụ đã phải “bán trộm” tài sản thế chấp của ngân hàng để trang trải nợ nần. Năm 2012, sự việc vỡ lở, ngân hàng cho vay tố cáo cha con ông Thụ lừa đảo, dẫn tới vòng lao lý, kiện tụng chưa rõ hồi kết.
“Chết” trước khi giảm lãi
Ông N.V.Q, chủ một DN khoáng sản lớn ở Hải Phòng cũng đang “chết dần, chết mòn” bên khối nợ xấu hàng chục tỷ đồng. Số là, ông Q may mắn mua rẻ được một nhà máy sản xuất bột đá và quyết định mở rộng đầu tư. Khi ấy, nhiều ngân hàng vồ vập mời chào ông vay vốn, hỗ trợ định giá tài sản thế chấp (nhà máy) tới 30 tỷ đồng để cho vay kịch trần tới 70% giá trị tài sản.
Lãi suất cho vay khi ấy không hề rẻ, khoảng 20%/năm, chưa kể chi phí để “bôi trơn” các cấp phê duyệt. Dù vậy, ông Q nhẩm tính, nếu sản lượng tiêu thụ và tình hình kinh doanh ổn định, chỉ chừng 2 năm, công ty sẽ trả hết cả nợ lẫn lãi.
Nhưng tính toán của ông Q không thành hiện thực. Hoạt động kinh doanh khoáng sản bắt đầu khó khăn, không có nguồn thu khiến công ty không thể trả nợ đúng hạn. Trước sự thúc ép trả nợ của ngân hàng, ông Q phải “vay nóng” ở ngoài để trả món vay 5 tỷ đồng quá hạn cho ngân hàng.
Dĩ nhiên, với lãi vay tính theo ngày và lên tới 15%/tháng, ông Q không có cách nào trả được. Bước đường cùng, ông Q đã phải giao hết tài sản công ty, nhà cửa của mình cho ngân hàng để xử lý, đàm phán với các chủ nợ ngoài. Với ông Q, một vòng quay vốn đã kết thúc với hai bàn tay trắng. Nhưng với các ngân hàng – chủ nợ, thiệt hại vẫn chưa dừng lại. Vì tiền ngân hàng bơm ra hiện bị “chôn” vào các dự án, công trình đầu tư dang dở mà chưa rõ khi nào mới thu hồi hết được.
Việc ngân hàng giảm lãi vay, dù vài phần trăm cũng là điều rất quý với DN
Câu chuyện của hai đại gia trên cho thấy những khoản vay dễ dãi với lãi suất “trên trời” của các ngân hàng trong giai đoạn trước chính là nguyên nhân đẩy các DN đến “cửa tử” nhanh chóng hơn. Và chẳng thể chờ đến khi ngân hàng giảm lãi vay thì các DN này đã kiệt quệ tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động…
Trong nỗ lực giảm bớt khó khăn cho DN, giữa năm 2011, Thống đốc NHNN đã tuyên bố sẽ siết lại kỷ cương trên thị trường lãi suất theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất.
Giảm cứ giảm, ai dám vay
Cam kết này sau đó đã được thể hiện bằng việc NHNN “ép” trần lãi suất huy động về mức 14%/năm vào cuối năm 2011 và có 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong năm 2012. Từ giữa tháng 7/2012, theo chỉ đạo của NHNN, các TCTD phải “miễn cưỡng” giảm lãi vay về dưới 15%/năm cho các khoản vay cũ.
Đầu năm 2013, lãi suất huy động tiếp tục được “ép” về dưới 8%/năm và sau đó liên tục xuống mức 6 – 7,5%/năm (kỳ hạn dưới 12 tháng), mức 7,5 – 9%/năm (kỳ hạn trên 12 tháng) ở thời điểm hiện tại. Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, khoảng 9 – 12% so với năm 2011, nhưng lãi suất cho vay ra lại giảm khá “đủng đỉnh”.
Đơn cử, đầu năm 2013, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh của các ngân hàng phổ biến ở mức 13 – 14%/năm, chênh với lãi tiết kiệm tới 5 – 6%. Đến tháng 7 vừa qua, lãi suất huy động giảm về 6 – 6,5%/năm thì sau đó chừng 1 tháng, lãi vay mới giảm và hiện ở mức 9,5 – 11,5%/năm (ngắn hạn), từ 12 – 13%/năm (trung và dài hạn).
Mặt bằng lãi suất hiện nay chỉ ngang với giai đoạn 2005 – 2006. Nhưng, “sức khỏe” của các DN cũng như điều kiện kinh tế hiện giờ chẳng thể so với giai đoạn trước.
Dù phải siết chặt tín dụng, một số ngân hàng vẫn tung ra các gói cho vay ưu đãi lãi suất “siêu rẻ” để kích cầu, thể hiện thiện chí hỗ trợ khách hàng. Mức lãi vay chỉ 5,91%/năm của Oceanbank hay 5,99%/năm của Techcombank có thể nói là lãi suất “trong mơ” với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua xe ôtô, tiêu dùng, xây sửa nhà hoặc hộ tiểu thương…
Đối với DN, các ngân hàng này cũng dành vài nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất chỉ 8 – 8,5%/năm. Tuy vậy, các gói hỗ trợ này có thời hạn vay ngắn (tối đa 6 tháng) hoặc chỉ giảm lãi vài tháng đầu tiên.
Do đó, tiếng là ưu đãi nhưng chỉ những khách hàng có nhu cầu vốn ngắn hạn, vòng quay vốn nhanh, lĩnh vực kinh doanh thuận lợi… mới có khả năng hấp thụ nguồn vốn này.
Theo chủ một DN kinh doanh xuất nhập khẩu, việc ngân hàng giảm lãi vay, dù vài phần trăm cũng là điều rất quý với DN giữa lúc khó khăn, phải tiết giảm tối đa chi phí, duy trì hoạt động.
Nhưng “giảm được chút lãi vay thì lại phát sinh thêm phụ phí và chi phí khác, tính ra cũng chẳng giảm được”, vị này nói và cho biết, chấp nhận thực tế “hết sức tế nhị” này cũng là lẽ thường với các DN khi đi vay vốn.
Vấn đề là, lãi suất đã giảm rất thấp nhưng các yếu tố như thị trường tiêu thụ, nhu cầu, chi phí sản xuất… không cải thiện theo hướng tích cực, DN tiếp tục vay vốn thì chẳng khác nào “ôm bom” vào mình.
Theo TBKD